Thơ được lợi gì?

17/06/2008 00:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Online) - Gần đây, trong hoạt động xuất bản văn học có hiện tượng mới: giải thưởng cho thơ được những công ty truyền thông văn hóa tư nhân thành lập và trao tặng. Mở đầu là giải Lá Trầu của công ty Evacom (khởi đầu năm 2007). Tiếp đến giải thơ Bách Việt của công ty cùng tên sẽ được trao lần đầu năm nay.
 
Xung quanh hiện tượng này, TTVH đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Dư Thị Hoàn (thành viên Ban thẩm định giải Lá Trầu lần thứ hai), nhà thơ Trang Thanh (người được giải Lá Trầu lần thứ nhất), nhà thơ Lê Ngân Hằng (giám đốc công ty Evacom) và anh Lê Thanh Huy (giám đốc công ty Bách Việt).
Trang Thanh cùng con gái
* Ngoài giải thưởng chính thức của các hội đoàn văn học như lâu nay, bây giờ có thêm các giải thưởng thơ của tư nhân lập ra, điều đó đem lại gì cho thơ?

- Dư Thị Hoàn: Sự xuất hiện của giải thưởng Lá Trầu của quỹ hỗ trợ Lời vàng Eva có thể ví như sự xuất hiện một màng lọc thanh sạch cho thơ trong tình trạng bị ô nhiễm trầm trọng hiện nay. Nếu như tiếp tục có nhiều giải thưởng với quy chế hoạt động bước đầu như Lá Trầu, độc giả không phải mất công lần giở từng cuốn trong mớ thơ hỗn tạp đang đuợc tiếp thị đủ chiêu thức từ thô thiển đến tinh vi và đến từ muôn ngả lọc lừa, phiền nhiễu như hiện nay. Thứ nữa là những tập thơ có giá trị (của tác giả nữ) được trình làng một cách đàng hoàng và tách biệt, không bị nô lệ vào túi tiền (giàu, nghèo) của tác giả.

Qua theo dõi một năm hoạt động của giải thưởng Lá Trầu, và năm nay lại xuất hiện thêm giải thưởng Bách Việt nữa, theo tôi, đó là những giải tư nhân dám xông pha, đồng thời dám đứng mũi chịu sào trong bối cảnh văn đàn bị xáo trộn. Tôi cảm thấy hân hạnh được mời vào ban thẩm định năm nay của giải Lá Trầu, được cộng sự với những con người không ngại ngần đãi cát tìm vàng cho văn chương hôm nay. Qua những ngày đầu làm việc, tôi càng nhận thấy thơ ca đích thực sẽ vượt qua giai đoạn “Nín sống” (chữ của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng), và hiển lộ chân diện mục sinh động và bất ngờ của nó.

- Lê Ngân Hằng: Dù là tư nhân song giải thưởng vẫn phải đảm bảo những yếu tố có giá trị nghệ thuật đúng với giá trị thể loại, thậm chí phải khác biệt và tốt hơn. Giải thưởng Lá Trầu đã chọn thơ nữ để hỗ trợ xuất bản và thiết lập giải thưởng có giá trị bằng tiền cho nhà thơ, đồng thời đưa thơ đến công chúng với những cách thức tiếp cận riêng. Giải thưởng là để khẳng định các giá trị, ở đây là giá trị hiện diện của thơ ca trong đời sống ngày càng hỗn loạn, xô bồ.... Mà đã là giá trị thì nó phải có khả năng đem lại một vài lợi ích thiết thực nào đó - cho thơ, cho con người, nhà thơ, và cho phát triển không chỉ là sáng tạo suông.

- Lê Thanh Huy: Độc quyền là điều không tốt, điều này đúng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Cái được lớn nhất của việc ra đời các giải thơ tư nhân là xóa bỏ được sự độc quyền trao giải của các tổ chức nhà nước. Các nhà thơ có thêm nơi đánh giá, ghi nhận, tôn vinh sáng tác của mình. Độc giả có thêm nhiều “bộ lọc” giúp họ định hướng về mặt chuyên môn từ những hội đồng thẩm định của các giải thơ mới. Có cạnh tranh tất có phát triển, có nhiều tổ chức cùng trao giải sẽ góp phần tạo thêm sự phong phú, sôi động cho nền thi ca. Các giải thơ tư nhân sẽ tránh được tình trạng trao giải dựa trên các tiêu chí phi chuyên môn như nể nang, phong trào, trao giải theo kiểu mặt trận hay dựa trên đóng góp lâu năm...
 
- Trang Thanh: Tại thời điểm này khá nhiều người vẫn còn nghĩ rằng giải thưởng quan trọng của văn chương vẫn là giải của các hội đoàn. Tuy nhiên, những giải thưởng “tư nhân” cũng có ý nghĩa đấy chứ. Nhờ có những giải thưởng này, thơ có thêm các sân chơi rộng hơn, và trong khi rất rất nhiều người phải bỏ tiền in thơ để mà cho, biếu, tặng, thì những người tham dự giải thơ “tư nhân” như chúng tôi được tài trợ hoàn toàn việc in ấn, thậm chí còn được được tổ chức giới thiệu thơ đến với công chúng.

Dưới góc độ học thuật, biết đâu giữa giải thơ “tư nhân” và giải thưởng thơ “nhà nước”, cách nhìn, cách cảm khác có thể khác nhau. Từ đó có thể sẽ mở ra những cách tiếp cận mới hơn cho thơ, đó là điều mà những người viết đang chờ đợi.

Đối với riêng tôi, giải Lá Trầu còn là một giá trị vật chất đáng kể! Ai cũng hiểu, đối với văn học nghệ thuật xưa nay, tiền không phải là mục đích đầu tiên cũng như cuối cùng, nhưng rõ ràng, giá trị giải thưởng cũng là một sự ghi nhận. Tôi nhớ, có lần nhà thơ Phạm Tiến Duật nói rằng, một cuộc thi thành công cần 2 yếu tố : tuyên truyền rộng và trao giải cao.

Ban thẩm định giải thưởng Lá Trầu

* Giải thưởng tư nhân cho thơ như vậy là một dấu hiệu tốt của đời sống văn học. Nhưng để thơ có chỗ đứng và sống được trong thời hiện đại này, còn cần phải làm gì nữa?

- Lê Thanh Huy: Giải thơ Bách Việt chỉ trao 1 giải duy nhất hằng năm. Bên cạnh việc trao giải, mỗi năm công ty Sách Bách Việt sẽ chọn ra 5-10 tác phẩm lọt vào chung khảo để xuất bản. Với các tác phẩm được chọn in các tác giả sẽ được công ty Sách Bách Việt đầu tư toàn bộ chi phí, được trả nhuận bút theo chế độ nhuận bút xuất bản chung của công ty và thơ in ra được phát hành rộng rãi trên thị trường. Khi thơ được phát hành qua hệ thống phát hành chuyên nghiệp, độc giả phải trả tiền để ra mua thơ thay vì được tặng thì họ sẽ cảm thấy trân trọng thơ hơn, đó cũng là một cách tôn vinh thơ.

Tác giả có bản thảo được chọn in sẽ nhận được sự quảng bá, PR rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài ra chúng tôi cũng tổ chức các buổi ra mắt, giới thiệu thơ, bình thơ, đem thơ đến với độc giả.
 
- Dư Thị Hoàn: Thay vì đi tìm biện pháp thúc đẩy thơ phát triển và đứng vững trong đời sống văn học hiện nay, theo tôi, công việc cần làm ngay là chặn đứng sự ló mặt của thơ dở và thơ giả ngay từ trứng nước. Cụ thể là các nhà xuất bản nên chấm dứt tình trạng thiếu tự trọng, tự tin, đến mức buông thả chức năng giám định của mình để cho những ấn phẩm được gọi nhầm là thơ, ra như tháo cống! Đồng thời, tận dụng ngay quỹ hỗ trợ sáng tác hậu hĩnh của nhà nước để in ấn những tác phẩm thơ xứng đáng. Hủy bỏ quy chế “tác giả tự túc”, đó là một sai lầm, và không kém phần nông cạn, về cách vận dụng chủ trương xã hội hóa của ngành xuất bản. Phải coi đó là một cuộc chiến giành lại sự mất mát cho độc giả. Tôi cho việc làm này không khó, nếu như họ (NXB) bình tĩnh tìm hiểu sự ế ẩm của thị trương sách thơ, và thái độ quay lưng của độc giả. Việc kế tiếp là vấn nạn của các kênh truyền thông, sự nhạt nhẽo mang tính phong trào của những chương trình thơ được phát sóng chiếu lệ, đã góp phần hạ thấp giá trị đích thực của thơ.
 
- Lê Ngân Hằng: Là người trực tiếp khởi xướng giải thưởng Lá Trầu nhưng tôi thú thực không có nhiều vinh dự trong vai trò này lắm. Tôi cũng là một người viết và đã chọn thơ làm thế mạnh sáng tạo của mình. Tôi làm việc này chỉ vì có vài đồng cảm với ý kiến của ông Josepph Brodsky - một nhà thơ lớn của thế giới mà tôi biết qua lời phát biểu của ông ấy: “Điều quan tâm của tôi là làm sao tìm được một con đường cho công chúng tiếp cận với thơ, điều này lâu nay tôi thấy bị hạn chế và tôi muốn thay đổi nếu có thể”. Thay đổi là một từ rất tốt đẹp và cần thiết trong cuộc sống ở khắp nơi không riêng gì ở Việt Nam- cần thiết thay đổi với tinh thần tích cực. Để thơ có chỗ đứng trong đời sống hiện nay ngoài tài năng sáng tạo, tình yêu thơ ca, chưa đủ. Vậy thì những cách thức đưa thơ đến công chúng đặc biệt quan trọng và nó cần có tiền cũng như sử dụng tiền một cách có sáng tạo nữa.Việc Lá Trầu ra mắt thơ ở Bảo tàng dân tộc học trong năm vừa qua là một minh chứng đầu tiên chúng tôi thử tiếp cận đưa thơ đến công chúng.
 
May mắn của chúng tôi khi khởi xướng hoạt động là tìm được những người thực sự đồng cảm đó là các nhà thơ và các nhà phê bình lớn, sẵn sàng chia sẻ với hoạt động của Quỹ thơ Lời vàng Eva. Đặc biệt, nhà tài trợ đầu tiên ủng hộ cho Quỹ ra đời, đó là công ty dược phẩm Nam Dược - một tổ chức của những người lãnh đạo am hiểu việc làm thuốc, có tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với con người, và không quên chia sẻ ủng hộ văn hóa và phát triển xã hội ngay cả những lúc họ gặp khó khăn trong vấn đề của mình. Những nhà tài trợ như vậy cho văn hóa và cho thơ ca còn khá hiếm. Có thể nói là để ổn định nguồn tài trợ và giải thưởng đều đặn như Lá Trầu là việc không mấy dễ dàng đối với một Quỹ nhỏ bé và đơn độc như chúng tôi.
 
- Trang Thanh: Thú thực công việc của tôi chỉ là người làm thơ và tôi nghĩ rằng câu hỏi này nên được dành cho những cơ quan như là Hội nhà văn chẳng hạn (cười). Còn với người viết, muốn thơ có chỗ đứng thì thơ phải hay. Thêm nữa, giá như chúng ta có nhiều “đất” để đăng thơ, nhiều nơi để đọc, trình diễn, trưng bày thơ và tất cả những hoạt động đó được trả nhuận bút cao thì cả thơ lẫn người làm thơ đều “sống” khỏe!
 
Tác giả Trang Thanh nhận giải thưởng
* Là nhà thơ, là người xuất bản và quáng bá cho thơ, anh chị có thể nói vài nhận xét về thơ Việt hiện nay được không?

- Dư Thị Hoàn: Qua công việc thẩm định, mới thấy thơ Việt vẫn được chăm sóc một cách âm thầm và bền bỉ, bởi những tác giả có nghiệp quả và độc giả có duyên nợ với thơ ca. Nếu như sự phục hồi đó được liên tục thể hiện qua những nghĩa cử của những Mạnh Thường Quân tự nguyện (tôi muốn nhấn mạnh hai chữ tự nguyện vì hầu hết các mạnh thường quân cho thơ trước đây, nếu không đòi hỏi điều kiện thì rơi vào diện bị vận động một cách bất đắc dĩ), thì nhiều cây bút sáng tạo, sáng giá, bấy lâu nay bị thua thiệt, bị khuất lấp sẽ dần dần được độc giả đền đáp.

- Trang Thanh: Bằng cảm quan của một độc giả tôi đọc thấy nhiều giọng thơ không lệ thuộc vào những hình thức thể hiện, họ chú ý nhiều đến những cái đang diễn ra, cái đời sống đương đại, với một tinh thần khá cởi mở.

- Lê Thanh Huy: Nhiều người nói rằng hiện nay “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ nhưng thơ làm ra không ai đọc”. Tôi không nghĩ thế, nhưng với tư cách một người làm xuất bản tôi thấy đúng là cần phải có một sự thay đổi, nếu không nói là một cuộc cách mạng về cách thức sáng tác, thể hiện thơ để thu hút độc giả đến với thơ. Đã sang thế kỷ XXI được gần chục năm rồi mà nhiều tác giả vẫn còn sáng tác thơ theo phong cách giữa thế kỷ XX thì không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thơ hiện nay của độc giả, nên độc giả quay lưng lại với thơ cũng là điều dễ hiểu. Đó cũng là lý do mà giải thơ Bách Việt đặt ra tiêu chí là "mới lạ". Mới không chỉ có nghĩa là chưa xuất bản, chưa công bố rộng rãi mà phải là đề tài mới, cách thức thể hiện mới, mang được hơi thở thời đại.

Tôi rất tin vào tương lai của thơ Việt. Khi đời sống đi lên, những lo toan miếng cơm manh áo hằng ngày bớt đi thì nhiều người sẽ có nhu cầu quay lại với văn hoá nghệ thuật, trong đó có thơ. Thơ nhất định sẽ có đất sống, nhưng muốn thơ đến được với độc giả thì nhà thơ cũng cần biết độc giả muốn đọc cái gì. Nhìn chung tôi lạc quan với tương lai của thơ Việt hiện đại.

Linh Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm