Thơ của một nhan sắc 20 năm làm “cửu vạn”

19/05/2010 13:24 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Vâng, người đàn bà với nhan sắc kiêu hãnh ấy, tác giả của những vần thơ “bất thường” ấy lại có một cái tên rất đỗi “bình thường”… là Phạm Bình Thường. Người đàn bà được xem là “đẹp nhất nhì” Móng Cái (Quảng Ninh) ấy lại có tới 20 năm lăn lộn làm “cửu vạn”, để rồi một ngày bỗng… làm thơ trên điện thoại di động. Sáng nay, 19/5, tại cà phê Big One (cạnh triển lãm Vân Hồ, Hà Nội), CLB thơ Việt Nam và Phạm Bình Thường sẽ tổ chức buổi cà phê sách giới thiệu 2 trong số 3 tập thơ của chị. Nhân dịp này, TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Đặng Vương Hưng.


 Người đàn bà nhan sắc
 Phạm Bình Thường

1.
Tôi quen biết tác giả Phạm Bình Thường qua lời giới thiệu của nghệ sĩ Bành Thông, Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam: Cô ấy đẹp nhất nhì Móng Cái và thơ cũng hay nhất nhì Móng Cái! Nhưng đó là một người phụ nữ đáo để, dường như nếu không sinh vào năm Ngọ, thì ắt phải chào đời vào tháng Ngọ, hoặc ngày Ngọ, giờ Ngọ... Nghĩa là, tính cách mạnh mẽ của cô ấy giống như “một con ngựa bất kham” và cô ấy có những câu thơ cũng “bất kham” như thế!


Tôi không tin lời nghệ sĩ Bành Thông, nhưng khi Phạm Bình Thường chủ động liên lạc điện thoại trao đổi công việc, thì tôi đã phải “chịu trận” không ngừng nghỉ. Giọng của chị thường thẳng thắn đến bốp chát luôn sôi sục, hối hả như muốn “luộc chín” người nghe: “Em ghê lắm, các anh chưa hình dung được đâu, thơ em cũng gớm lắm, đọc là biết liền à’’.

Ối trời ơi! Chẳng có tác giả mới nào lại dám “ngạo mạn” khi “gửi lại một chút hương cho đời’’ tự giới thiệu mình như thế; nhưng sau rồi chúng tôi cũng dần dần hiểu ra lý do của sự tự tin đến kinh ngạc bao người.

“Em đau nhất nào anh có biết
Lúc em cười lẳng lặng đi ra
Chính lúc đó chỉ muốn vỡ oà
Cố ra vẻ đây không cần thiết”

(thơ Phạm Bình Thường) 
Thì ra, cuộc sống đã thử thách “bầm dập” Phạm Bình Thường: Từ một thiếu nữ Hà thành (gốc Thái Bình) chị theo chồng về tận vùng biên giới xa xôi ở Quảng Ninh mưu sinh lập nghiệp. Chẳng ai ngờ một “yểu điệu thục nữ” da trắng, tóc dài, cao 1m70 ấy đã có gần 20 năm giấu mặt làm “cửu vạn”, chịu đủ sự đói khát, cay đắng, dùng những giọt mồ hôi quyện nước mắt “Quanh năm buôn bán ở mom sông” Ka Long để “Nuôi đủ năm con với một chồng”, đúng cả nghĩa bóng và nghĩa đen như câu thơ nổi tiếng của Tú Xương xưa.


Khi có “bát ăn bát để”, Phạm Bình Thường bước ra với đời. Chị liên tục gây bất ngờ cho bạn bè, người thân bằng những việc làm “không bình thường”...

2. Ấy là vào một ngày đẹp trời cách đây khoảng nửa năm, Phạm Bình Thường đã làm bài thơ đầu tiên trong đời. Không phải viết nháp vào cuốn sổ tay, hay một trang giấy, cũng không phải viết bằng máy laptop hay vi tính để bàn, mà sử dụng điện thoại di động.

Chị tâm sự: Lúc đầu, cũng không biết đấy có phải là thơ hay không, nhưng bạn bè đọc được thì họ nói rằng: chị tiềm ẩn trong mình một hồn thơ rất thực. Vậy là chị tiếp tục làm thơ. Dần dà, càng làm càng ham mê viết, viết đến quên mình. Dường như ở chị, giờ đây sống, làm thơ không còn sự bột phát, bất ngờ “như một điều khất thực”, mà chỉ là sự phát tiết của một tiềm năng sẵn có.

Sức viết của Phạm Bình Thường thật đáng nể, có ngày chị làm liên tục tới... hơn 20 bài, với hàng trăm câu thơ. Kết quả chỉ sau 6 tháng Phạm Bình Thường đã có tới trên 600 bài thơ với nhiều thể loại. Thơ của chị được “xuất bản miệng”, được photo tặng cho nhiều người cùng đọc.

Giờ đây, cái tên Phạm Bình Thường đã trở thành một tác giả rất quen thuộc với các thành viên CLB Thơ Móng Cái và CLB Thơ Việt Nam.

Theo lời khuyên của bạn bè, Phạm Bình Thường tập hợp những sáng tác của mình lại chia làm 3 tập: Một tập thơ tình có tên “Tự tình” (cũng chính là “Điều không thể”); Một tập thơ về chủ đề ca ngợi Đảng, quê hương và người lính (lấy tên “Dâng Đảng tháng Năm này”); Và một tập thơ hài hước, trào phúng (tạm lấy tên “Một nét cười”).

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã “tình nguyện” vẽ bìa cho cả 3 tập thơ trên. NXB Hội Nhà văn đã cấp phép ấn hành gấp 2 tập đầu...

3. Tôi không khẳng định rằng thơ của Phạm Bình Thường hay hoặc dở, vì điều ấy thuộc quyền phán xét của bạn đọc cùng thời gian. Nhưng tôi tin thơ của chị có người đọc và cả những người yêu chúng; vì chí ít thơ của Phạm Bình Thường có những câu, những bài chả giống ai. Đó là những câu thơ bất thường, những tứ thơ muốn “nổi loạn” của một người đàn bà đẹp đã sang tuổi tứ tuần, luôn tự tin ở chính mình, đầy khao khát được yêu thương và dâng hiến.

Sự kiêu hãnh của một nhan sắc là chính đáng, bởi tài sản lớn nhất của người phụ nữ là sắc đẹp và hạnh phúc gia đình. Nhưng nhan sắc rồi sẽ mệt mỏi và tàn phai, chỉ có trí tuệ và tâm hồn là còn ở lại mãi mãi với đời.

Đặng Vương Hưng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm