'Đại đô thị' Hà Nội trong mắt học giả nước ngoài

09/03/2015 07:03 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách về “đại đô thị” Hà Nội là kết quả của quá trình nghiên cứu đô thị Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước tới năm 2014 của một nhóm học giả trong và ngoài nước.

Sách Hà Nội Capital City vừa ra mắt hôm tại Viện Goethe Hà Nội. Cuốn sách dày 300 trang gồm 6 chương: Thủ đô nhìn từ trên cao; Thay đổi qua thời gian; Kiến trúc & Nhà cửa; Dân cư trong đại đo thị; Giao thông trong đại đô thị; Linh hồn của đại đô thị. 6 chương trên được minh họa bằng 600 bức ảnh kèm 8 bài phân tích, với sự tham gia của 35 chuyên gia (do TS Michael Waibel chủ biên), được sự hỗ trợ của 7 công ty và 8 viện nghiên cứu.

Trong cuốn sách ảnh, người xem có thể đối chiếu những đổi khác của Thủ đô trong 20 năm qua với những hình ảnh cùng 1 góc chụp từ quá khứ, tới hiện tại với những phân tích và khuyến nghị hướng phát triển thành phố trong tương lai.


Cuốn sách Hà Nội CAPITAL City

Trong sách, mọi biến thiên của kiến trúc đô thị Hà Nội đều được phân tích tỉ mẩn với nhiều hình minh họa, nhiều luận cứ xét từ góc độ khách quan, chủ quan dẫn tới những thay đổi trên.

Ngoài việc tìm "hồn Hà Nội" giữa những công trình kiến trúc, cuốn sách cũng dành riêng một chương để viết về người Hà Nội, chủ thể làm lên dáng vóc Thủ đô. Và các học giả nước ngoài đã bất ngờ bởi sự cởi mở, nồng hậu của người Hà Nội. "Hầu hết những người chúng tôi liên hệ đều không ngần ngại giới thiệu chúng tôi với bạn bè, gia đình họ. Nhờ đó chúng tôi có một cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu về cuộc sống, cộng đồng" - Nhóm tác giả chia sẻ.

Không chỉ "nhìn" Hà Nội bằng ánh mắt của người bên ngoài, văn hóa Hà Nội, sức sống Thăng Long còn lan tỏa trong cuốn sách bằng những cảm nhận, kiến thức tinh tế của các học giả quốc tế. Bà Katri Bromme chia sẻ: Hà Nội vẫn còn một số phong cảnh đẹp. Vẫn còn những góc phố quen thuộc ở khu Phố cổ như phố Lãn Ông luôn sực mùi thuốc Nam, thuốc Bắc, những quán ăn yêu thích như nem chua nướng cạnh Nhà thờ lớn, nộm bò khô gần hồ Hoàn Kiếm...

Từ những tình cảm thiết tha với “đại đô thị” Hà Nội, các học giả nước ngoài cũng bày tỏ những trăn trở về nguy cơ “trốc gốc” cội rễ ngàn năm: Thanh niên cũng rất hiếu kỳ với văn hóa phương Tây, chủ yếu do được tiếp cận các phương tiện truyền thông xã hội. Số lượng thanh niên dùng điện thoại thông minh ở đây thật đáng kinh ngạc, và ai cũng dùng Facebook cả. Những ảnh hưởng này đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của người Hà Nội và những điều này sẽ ảnh hưởng đến cái hồn của Thủ đô ra sao là một câu hỏi bỏ ngỏ!

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm