Thiếu một giám đốc sản xuất đúng tầm !

23/06/2008 15:38 GMT+7 | Phim

(TT&VH Online) - Hà Nội không thiếu tiền (làm phim Lý Công Uẩn) - như tuyên bố của một vị lãnh đạo. Điện ảnh Việt Nam không thiếu đạo diễn - bằng chứng là theo kế hoạch ban đầu phim Lý Công Uẩn có 1 đạo diễn chính, 1 đạo diễn cảnh hành động và 1 tổng đạo diễn. Nhưng dự án làm phim lớn nhất từ trước tới nay có nguy cơ đại bại vì thiếu một Giám đốc sản xuất phim đúng tầm!

“Dự án triệu đô” là một thuật ngữ xa lạ với phim VN, trước đây chỉ có phim nhiều tỷ – nhưng cộng lại cũng chưa đến triệu đô. Dự án phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã đưa ra một con số gây choáng ngợp là 200 tỷ (tương đương với 12 triệu USD), sau này Hãng phim truyện VN đã “tự giác” rút xuống còn 100 tỷ (khoảng 6 triệu USD).
Một phác thảo trong phim Thái tổ Lý Công Uẩn
Vẫn chưa biết con số đó có được duyệt hay không, hay bộ phim sẽ mãi mãi chỉ nằm trên giấy, nhưng “Dự án triệu đô” (đúng nghĩa) này cũng đủ tạo một vết nhơ đáng xấu hổ : Những người đứng đầu dự án – những nghệ sĩ điện ảnh đáng kính – đã thi nhau đả kích, lật tẩy, quăng quật nhau không thương tiếc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng chỉ vì người này không muốn người kia “chiếm thế thượng phong”, trước con số đáng thèm muốn của dự án.

Hỗn quân hỗn quan, là cảm giác của tất cả những ai có liên quan hoặc đã từng theo dõi diễn biến của dự án này. Đến giờ sự mệt mỏi và chán ngán của mọi người đã lên tới đỉnh điểm, và số phận của bộ phim – làm hay không làm – đã bắt đầu được nghĩ tới. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến một vấn đề vô cùng quan trọng người ngoài ai cũng thấy, nhưng người trong cuộc lại không muốn thấy, hoặc cố tình không chịu thấy : Ở VN hiện tại chưa ai có đủ tầm và đủ khả năng để điều hành Dự án triệu đô !

Cỡ vài triệu đô để làm một bộ phim, nếu chỉ so với tầm cỡ khu vực như nước bạn Thái Lan, thì cũng chẳng phải là con số ghê gớm gì. Nhưng đối với các nhà làm phim VN thì chưa ai được “rờ” tới con số đó. Có thể nói tư duy của điện ảnh VN đến giờ có thể gói gọn trong vài chữ: “Nền điện ảnh bớt xén”. Bớt xén ở đây không đề cập đến việc ai đó tham nhũng tiền làm phim, mà chỉ nói đến tư duy làm phim lâu nay ở ta là bớt chỗ này, xén chỗ nọ, cấu véo chỗ kia để vừa vặn với số tiền ít ỏi được giao. Ai giỏi thu xếp trong việc “bớt xén” sẽ được đánh giá cao là… biết làm phim !
 
Chuẩn bị bấm máy phim Thái tổ Lý Công Uẩn
Đó là chỉ mới nói đến tư duy, thế còn con người ? Ở ta “oai” nhất trong đoàn làm phim là chức danh Chủ nhiệm, thực chất đây chỉ là người thừa hành việc chi tiền. Còn vai trò quan trọng nhất, đó là nhà sản xuất - người vận hành bộ máy của đoàn phim - thì bị xem là thừa và không có càng đỡ rách việc!

Bất cứ dự án lớn nhỏ nào trên thế giới cũng đều phải có nhà sản xuất, dự án càng nhiều tiền thì vai trò của nhà sản xuất càng quan trọng. Có thể nói, nếu nói đạo diễn là trái tim của bộ phim thì nhà sản xuất là linh hồn. Khi triển khai một dự án, nhà sản xuất phải hoàn toàn làm chủ được công việc của mình và quan trọng nhất là biến việc “tiêu tiền” cho phim thành một nghệ thuật ! Ngay cả đối với báo chí, kiểm soát toàn bộ thông tin và tránh rò rỉ những tin tức không có lợi cho bộ phim cũng là việc của nhà sản xuất! Sản xuất phim giống như xây nhà, mỗi ngày đều phải đối phó với những phát sinh hoặc rủi ro. Nhà sản xuất giỏi là phải thấy trước điều đó hoặc giới hạn rủi ro đến mức thấp nhất. Và tính cách quan trọng nhất của nhà sản xuất, là phải có đủ uy tín để liên kết tất cả các bộ phận lại với nhau thành một khối thống nhất để phục vụ trên hết cho lợi ích của bộ phim. Tất cả phải cùng nhìn về một hướng!

Các hãng phim tại VN - đặc biệt là các hãng phim nhà nước hiện không có một người như thế, mà chỉ theo nếp cũ từ bao đời nay: Giám đốc hãng phim, đương nhiên sẽ là nhà sản xuất hoặc giám đốc sản xuất của bộ phim!

Trở lại với phim Lý Công Uẩn, là “linh hồn” “Dự án triệu đô”, nhưng mấy tháng qua “giám đốc sản xuất” chỉ cho thấy “quy mô” của bộ phim thể hiện qua vài bức vẽ mang tính đối phó với chủ đầu tư. Thời gian còn lại là lo giải quyết những mâu thuẫn nội bộ bùng phát và lan nhanh và không thể dập tắt với những thông tin động trời !

Trong một đoàn quân, mạnh tướng tướng nói, mạnh quân quân nói, thì cơ sự thế nào ? Mới chuẩn bị đã “loạn cào cào” như vậy, thử hỏi khi phim đang sản xuất mà chẳng người nào chịu nhìn cùng một hướng thì ai sẽ lãnh đủ ? Trong nghề làm phim, không có gì bi kịch bằng, phim chưa bấm máy nhưng ai ai cũng thấy trước được tương lai ảm đạm của bộ phim!

Nếu vẫn cứ quyết tâm phải làm một bộ phim để phục vụ dịp lễ lạt, có nhất thiết phải giao dự án cho một Hãng phim nhà nước, với bộ máy hành chính chậm chạp cồng kềnh và lạc hậu, không theo kịp guồng máy sản xuất phim theo kiểu hiện đại của ngày hôm nay!

Với một dự án lớn mang tầm quốc gia như phim Lý Công Uẩn, sao lại không kêu gọi hãng phim tư nhân chung tay sản xuất với hãng phim nhà nước, thậm chí mời gọi cả sự góp sức của các Việt kiều có kinh nghiệm sản xuất ? Cần biết rằng, người vận hành cả một guồng máy làm phim trị giá hơn 6 triệu USD của Người Mỹ trầm lặng khi quay tại VN là một nhà sản xuất Việt kiều, hiện vẫn đang sống và hoạt động sản xuất phim ở Tp.HCM.

Cương Thi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm