Thiên thạch rơi ở Nga đã suýt đâm vào mặt trời

28/08/2013 06:21 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Viện Khoáng-Địa chất của Viện Hàn lâm Khoa học Nga hôm 27/8 cho biết, khối thiên thạch nặng khoảng 10.000 tấn rơi xuống vùng Chelyabinsk, miền Trung nước Nga, hồi tháng 2 vừa qua có thể đã suýt đâm vào mặt trời.

Sau khi phân tích thành phần của những mảnh thiên thạch vỡ được tìm thấy ở hồ Chebarkul của Nga các nhà khoa học phát hiện rằng nó đã bị nóng chảy ở nhiệt độ cực cao, trước khi rơi vào bầu khí quyển trái đất trong ngày 15/2/2013 và nổ tung. 


Mảnh vỡ được tìm thấy của thiên thạch đã lao xuống vùng Chelyabinsk

Dạng nóng chảy này chỉ xảy ra do thiên thạch đã va chạm với một thiên thạch khác trong Thái dương hệ, hoặc nó đã đi quá gần mặt trời và bị thiêu cháy. "Thiên thạch lao xuống Chelyabinsk là dạng đá LL5 và chúng thường đã trải qua một tiến trình bị nung chảy, trước khi rơi xuống trái đất" - nhà địa chất Victor Sharygin ở Viện Địa chất và Khoáng Novosibirsk ở Nga nhận xét - "Điều này có nghĩa thiên thạch rơi xuống Chelyabinsk từng va chạm với một thiên thể khác trong Thái dương hệ, hoặc đã bay sượt mặt trời".

Vụ nổ do thiên thạch kể trên tạo ra đã trở thành một trong những sự kiện vũ trụ gây sốc nhất suốt 100 năm qua tại Nga, sau vụ nổ sao chổi Tunguska ở vùng Siberia hồi năm 1908. Các chuyên gia từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ nói rằng vụ nổ từ khối thiên thạch đã tạo ra khoảng 300 kiloton năng lượng, tương đương với sức công phá của gần 30 quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima hồi năm 1945.

Sóng xung kích từ vụ nổ đã phá nát nhiều cửa sổ, cửa kính xe hơi, làm hư hại hơn 3.700 tòa nhà và công trình công cộng trên khắp 5 khu vực của Nga. Vụ nổ còn khiến hơn 1.500 người bị thương do các mảnh vỡ văng vào người.

V.L
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm