Thị trường năng lượng sẽ bị xáo trộn khi EU áp giá trần đối với dầu của Nga

05/12/2022 16:19 GMT+7 | Tin tức 24h

Sau nhiều chia rẽ, tất cả chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành việc phê chuẩn áp giá trần với dầu của Nga do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga. 

Mức giá trần chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12 này được dự báo sẽ gây xáo trộn thị trường năng lượng.

EU phê chuẩn áp giá trần với dầu của Nga

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết tất cả chính phủ các nước thành viên EU trong ngày 3/12 đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc được miễn trừ và được tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga qua hệ thống đường ống Druzhba vận chuyển dầu từ Nga sang EU.

Trước đó một ngày, các nước G7 và Australia nhất trí đặt hạn mức giá dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển là 60 USD/thùng, với mục đích hạn chế nguồn thu của Nga trong khi vẫn để dầu mỏ của Nga lưu thông trên thị trường quốc tế.

Thị trường năng lượng sẽ bị xáo trộn khi EU áp giá trần đối với dầu của Nga - Ảnh 1.

Trạm nén khí của hệ thống đường ống dẫn khí từ bán đảo Yamal (Nga) tới châu Âu qua Slonim (Belarus). Ảnh: ITAR-TASS/TTXVN

Thỏa thuận trên được công bố sau khi EC giải quyết được những khó khăn vào phút cuối, khi Ba Lan đòi hạ mức giá trần dầu Nga xuống thấp hơn so với mức đề xuất ban đầu - khoảng 65-70 USD/thùng.

Theo thỏa thuận, từ ngày 5/12, EU sẽ không còn mua dầu thô xuất khẩu của Nga. Khối này cũng sẽ ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu của Nga từ ngày 5/2 tới. Theo EC, mức giá trần đối với các sản phẩm dầu của Nga trong thời gian tới, sử dụng cùng cơ chế đối với giá dầu thô.

Ngoài ra, cũng từ ngày 5/12, các công ty vận tải biển của EU sẽ chỉ được phép chuyên chở dầu thô của Nga nếu mặt hàng này được bán với giá bằng hoặc thấp hơn mức giá trần nói trên. Việc đưa ra mức giá trần đồng nghĩa với việc các nước tham gia sẽ chỉ được phép mua dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ vận chuyển qua đường biển được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá trần. Do phần lớn các công ty vận chuyển và bảo hiểm lớn đều có trụ sở tại các nước G7 nên việc giới hạn giá được cho là sẽ khiến Nga rất khó bán dầu với giá cao hơn mức giá đã định.

Phản ứng về động thái trên, Nga khẳng định sẽ tiếp tục tìm được khách hàng mua dầu mỏ của nước này và cho rằng việc các chính phủ phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ Nga là động thái "nguy hiểm".

Áp giá trần với dầu của Nga là kế hoạch mà phương Tây tạo nên nhằm cắt giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong khi vẫn có thể giữ được nguồn cung trên thị trường. Đây cũng là phương pháp mà các nước phương Tây tin rằng có thể tước đoạt doanh thu khổng lồ mà Moskva dùng để tài trợ cho các hoạt động quân sự tại Ukraine.

Xáo trộn thị trường năng lượng

Theo Henning Gloystein, giám đốc phụ trách năng lượng, khí hậu và tài nguyên của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, kế hoạch của phương Tây nhằm áp mức trần giá dầu đối với nhập khẩu dầu của Nga có thể “thực sự gây xáo trộn” đối với thị trường năng lượng thế giới.

Thị trường năng lượng sẽ bị xáo trộn khi EU áp giá trần đối với dầu của Nga - Ảnh 2.

Công nhân vận hành đường ống dẫn dầu của Nga. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Bộ Ngoại giao Nga đã khẳng định Moskva sẽ ngừng toàn bộ giao dịch với các nước EU áp dụng mức giá trần với dầu Nga. Do vậy, Châu Âu sẽ phải chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế từ Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ. Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá dầu thô tăng vọt. Hiện, các quốc gia EU vẫn có nhiều xe sử dụng dầu diesel và loại nhiên liệu này cũng được sử dụng cho xe tải vận chuyển nhiều loại hàng hóa và để vận hành máy móc nông nghiệp, bởi vậy giá dầu diesel cao hơn đó sẽ tác động đến nền kinh tế của khối.

Trong khi đó, theo các nước G7, phần lớn các công ty vận chuyển và bảo hiểm lớn đều có trụ sở tại các nước này nên việc giới hạn giá được cho là sẽ khiến Nga rất khó bán dầu với giá cao hơn mức giá đã định. Song giới phân tích nhận định rằng, việc thực thi lệnh cấm bảo hiểm trên toàn cầu có thể sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu dầu của Nga và gây ra những biến động mới trên thị trường dầu mỏ. Điều này khiến các nền kinh tế phương Tây bị ảnh hưởng, trong khi thu nhập của Nga có thể tăng lên từ bất cứ sản phẩm dầu mỏ nào mà họ xuất khẩu bất chấp lệnh cấm vận.

Việc trần giá không tính đến chi phí vận chuyển và bảo hiểm, tức là những chi phí này có thể được tính vào giá cuối cùng và nó sẽ cao hơn giá trần cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến cả ngành vận tải biển.

Còn Đài ABC News thì dẫn lời chuyên gia Simone Tagliapietra chuyên về các chính sách năng lượng tại Viện Nghiên cứu Bruegel ở thủ đô Brussels, Bỉ nhận định rằng mức giá trần mà phương Tây áp lên dầu Nga có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nguồn thu của Moskva. Cụ thể, theo ông Tagliapietra việc EU áp mức giá trần 60 USD/thùng là khá gần với mức giao dịch mà Nga bán dầu cho các nước châu Á. 

Theo nhiều nguồn thạo tin, hiện Ấn Độ đang nhập dầu của Nga với mức chiết khấu 25-35 USD/thùng so với giá dầu Brent (loại dầu được dùng để tinh chế ra dầu diesel và xăng). Giá dầu Brent hiện được giao dịch ở mức 85 USD/thùng. Như vậy, Nga có thể bán dầu ở mức 60 USD/thùng, giá phù hợp với mức giá trần mà phương Tây đưa ra. Bên cạnh đó, để phản ứng với mức giá trần trên, Nga có thể cắt giảm sản lượng xuất khẩu sang châu Âu, đồng thời Moskva có thể đẩy mạnh việc mở rộng thị trường sang các nước châu Á để thay thế thị trường EU.

 

Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm