06/02/2011 09:09 GMT+7 | Văn hoá
Bao giờ tranh Việt triệu đô?
Chưa cần nói đến những cường quốc văn hóa như Nhật Bản, Liên bang Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… đã phải bỏ rất nhiều tiền để sưu tập lại tác phẩm của nước mình, mà trước đó đã bị bán đi ào ạt. Các nước nhỏ hơn như Pakistan, Colombia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng đã làm như vậy. Điều này phần nào cắt nghĩa tại sao thế hệ họa sĩ 6x, 7x của Indonesia đã có vài người đạt tới tầm “họa sĩ triệu đô”. I Nyoman Masriadi (1973, Indonesia), người mà cách đây khoảng 5 năm, giá tranh trung bình vào khoảng 20 ngàn USD, nhưng do “sự ưu chuộng” và sự tự “làm giá/ nâng giá” của thị trường nội địa, hiện nay giá trung bình vào khoảng 300 ngàn USD, gấp 15 lần - vài bức vượt qua 1 triệu USD tại các phiên đấu giá quốc tế.
“Có vẻ như thị trường nghệ thuật hiện tại ở Việt Nam vẫn chủ yếu hướng tới khách hàng nước ngoài và những nhà sưu tập riêng lẻ. Một vài trong số những người nước ngoài đang sưu tập một cách cực đoan, nhưng hầu hết người mua chỉ tìm kiếm để trang trí các bức tường của họ. Những nhà sưu tập cực đoan và nghiêm trọng này sẽ tạo thành những nhóm độc quyền, sẽ làm hạn chế, bóp méo sức sống của thị trường nội địa”, nhà kinh doanh nghệ thuật Jorn Middelborg - chủ phòng tranh Thavibu, Bangkok, Thái Lan, cho biết.
Tác phẩm Mấy phụ nữ ngồi quanh đống lửa (sơn dầu trên bố, 54x74cm, 1957) của Tạ Tỵ (1921-2004) từng được rao bán với giá khởi điểm 7.000 euro nhưng không có người Việt lộ danh tính nào mua. Xét về lịch sử hội họa Việt Nam, tác phẩm này rất quan trọng, là một trong những chứng cứ cho thấy kỹ thuật trừu tượng đã được sử dụng vào cuối thập niên 1950. |
Bán đi, mua về…
“Việc mở các phòng tranh ở nước ngoài, qua đó các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam được quốc tế đánh giá khách quan, tích cực, sẽ là một cú hích với thị trường nội địa. Thị trường tranh Trung Quốc trước đây cũng chưa được đánh thức, và những người đánh thức chính là từ hải ngoại. Điều ấy cũng xảy ra ở Ấn Độ, Pakistan hoặc Colombia... Tôi hi vọng với Việt Nam cũng vậy”, trong một bài phỏng vấn, ông Ngô Tấn Trọng Nghĩa (chủ phòng tranh Apricot) trả lời.
Việc bức Chiều tà (sơn dầu, 35x46cm, 1915) của vua Hàm Nghi được bán với giá phải chăng nhưng không được một danh tính công khai nào ở Việt Nam mua có thể xem là một minh chứng cho sự thiếu thị trường nội địa. |
“Tôi chỉ hơi băn khoăn, xót xa nếu mình bán hết tranh đẹp ra nước ngoài thì sau này muốn tìm xem lại, thật khó khăn và tốn kém. Chứ việc người nước ngoài chiếm đa số thị phần về thị trường nghệ thuật Việt Nam, có khi, cũng là điều tốt. Vì nếu họ không thích, không mua mình từ mấy thập niên qua, tôi e rằng, diện mạo mỹ thuật chúng ta hiện nay đã khác, vẽ để tuyên truyền thì đã mệt mỏi, mà vẽ để cho mình hoặc hướng ra nước ngoài thì không có nhiều cơ hội. Bằng chứng nhiều nước vẫn còn đóng cửa với thế giới về nghệ thuật, không phải do họ bảo thủ, mà do nước ngoài không dòm ngó đến. Mua bán là một chất xúc tác quan trọng. Cho nên, trong một quy luật có tính xoay chiều, mình chịu ảnh hưởng của thiên hạ về cách vẽ, thì thiên hạ cũng ảnh hưởng mình trong cách mua”, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn nhận định.
Ông Jorn Middelborg thì phân tích: “Điều gì cũng cần có thói quen, mua bán nghệ thuật cũng thế. Khi những người nước ngoài mua hoài tranh của một nước nào đó, những người có điều kiện ở nước đó chắc chắn sẽ tò mò, thắc mắc. Khi họ được trả lời rằng tranh không chỉ để trang trí, treo tường, mà còn là sự đầu tư về tài chính có tương lai, thì họ sẽ mua. Người có quan tâm đến nghệ thuật thường có xu hướng thu thập tác phẩm của nghệ sĩ nước mình, tôi tin điều này đang và sẽ xảy ra ở Việt Nam. Nó có thể cần thêm một thời gian nữa, trước khi thị trường nghệ thuật nội địa phát triển đầy đủ”.
Tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) thường được sao chép khá nhiều, đến mức khó phân biệt thật giả. Cho nên tác phẩm Chơi ô ăn quan (bột màu và mực in trên lụa, 54,5x43cm, 1931) khi lên sàn chỉ có giá khởi điểm 6.000 euro, kết quả bán được 72.000 euro, thấp hơn giá “lưu truyền” ở trong nước. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất