02/08/2014 08:37 GMT+7 | Âm nhạc
1. Nếu bước đầu tổ chức một kì liên hoan gặp nhiều khó khăn vì bỡ ngỡ thì những mùa sau, khó nhất lại chính là việc duy trì hoạt động định kì. Không chỉ cần có một bộ máy tổ chức chuyên nghiệp mà vấn đề đầu tiên vẫn là… tiền đâu? Không thể thiếu những nhà tài trợ và quy mô chương trình càng lớn, càng cần đến những Mạnh Thường Quân dám… chi mạnh tay.
Với các Festival tầm cỡ quốc tế, đương nhiên phải có nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn, giao lưu, làm giám khảo. Chi phí đi lại ăn ở cho các nghệ sĩ dù ít dù nhiều sẽ là một khoản phụ trội không nhỏ trong cả ngân sách. Chưa kể, tầm cỡ quốc tế cần đến một sự quảng bá quốc tế, càng mở rộng được tiếng tăm của Liên hoan với thế giới, càng thu hút được nhiều thí sinh. Mà một liên hoan như thế cũng mới xứng tầm … quốc tế.
Lần đầu tiên Hà Nội có Festival piano quốc tế năm 2010 đã thu hút được hơn 60 thí sinh đến từ 10 quốc gia còn Festival piano quốc tế tại TP.HCM mở màn năm 2011 cũng thu hút được các thí sinh đến từ Nga, Anh, Mỹ, Singapore… Dự kiến hai liên hoan này diễn ra 2năm/lần. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Festival piano quốc tế Hà Nội đã chính thức đóng cửa sau 2 lần tổ chức do không có nhà tài trợ.
Theo chia sẻ của một trong những người đại diện cho BTC thì hiện nay, chương trình thậm chí còn đang phải giải quyết kinh phí quảng cáo trên trang AFT (Alink Argerica Foundation) – trang quảng bá về các cuộc thi âm nhạc khắp toàn cầu vì chương trình đã dừng mà quảng cáo vẫn chưa tắt, vẫn phải trả tiền.
2. Trong khi đó, với một số liên hoan piano ở khu vực Hà Nội tuy có quy mô nhỏ hơn lại vẫn đang diễn ra khá… rầm rộ với tần suất là hàng năm. Như Festival Piano CEG mùa thứ 3 dành cho thiếu nhi từ 6 – 18 tuổi đang diễn ra tại Hà Nội đã thu hút hơn 200 thí sinh đến từ các tỉnh, thành khác (TP.HCM, Khánh Hòa, Ninh Bình…) và ngoài nước (Hàn Quốc, Trung Quốc…). Liên hoan năm nay đã đổi mới một cách hấp dẫn với ba chặng thi: vòng loại, đối đầu, tỏa sáng, sẽ kết thúc vào ngày 3/8 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội.
Ông Nguyễn Ngọc Thuấn, đại diện BTC cho biết, số lượng thí sinh tham gia qua ba năm qua khá ổn định nhưng chất lượng thì tăng lên hàng năm, từ bài vở có sự chọn lọc, thời gian luyện tập của từng thí sinh. Đặc biệt, năm nay ranh giới giữa thí sinh chuyên nghiệp và không chuyên (thí sinh theo và không theo học tại các trường âm nhạc) thực sự không quá cách biệt bởi mỗi thí sinh đều là một đối thủ “nặng kí” và khả năng nhạc cảm của các thí sinh không chuyên đôi khi lại còn tốt hơn cả những thí sinh chuyên nghiệp.
Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, liên hoan bán chuyên nghiệp này đã thu hút được tổng giá trị giải thưởng (tính đến thời điểm hiện tại) gần 1 tỷ đồng. Đó là điều đáng ngưỡng mộ bởi cũng chỉ cần có được con số tài trợ 1,2 tỉ đồng, Festival piano quốc tế Hà Nội sẽ khởi động lại ngay.
Cũng gần đây nhất, trong một cuộc trò chuyện, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy từng chia sẻ mong muốn mang cuộc thi danh tiếng Tchaikovsky đến Việt Nam nhưng với dự trù kinh phí cần từ 8-10 tỉ đồng đang là một thách thức lớn đối với nhà tổ chức.
Như vậy, câu chuyện “sống còn” của một liên hoan nghệ thuật nói chung vẫn phải bắt đầu bằng việc phải trả lời câu hỏi: Tiền đâu?
Lam Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất