Thi Nghệ thuật trình diễn:Tiên phong hay mơ hồ?

11/07/2008 01:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Lần đầu tiên tại VN diễn ra cuộc thi về Nghệ thuật trình diễn (Performance Art). Cuộc thi này nằm trong “Giải thưởng Tài năng trẻ” hàng năm do Quỹ phát triển và Trao đổi văn hóa Đan Mạch - Việt Nam (CDEF) tổ chức. Mục đích của giải thưởng là nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các nghệ sĩ đương đại và hoạt động nghệ thuật đương đại tại VN. Năm 2007 là cuộc thi về Múa đương đại. Năm nay chủ đề được lựa chọn là Nghệ thuật trình diễn (NTTD).

Nghệ sĩ Lê Mạnh biểu diễn trên đường phố
Từ năm 2004, sau Liên hoan về NTTD mang tên “Limdim” lần 1 tổ chức tại Nhà sàn Đức, nghệ thuật trình diễn chính thức xâm nhập vào VN. Những người đón nhận đầu tiên hình thức này là các họa sĩ và hình thức nghệ thuật này phát triển mạnh nhất trong giới mỹ thuật. Vì vậy, ban đầu, nhiều người lầm tưởng rằng, NTTD chỉ dành riêng cho các họa sĩ.

Tiêu chí nào được đưa ra để đánh giá chất lượng một tác phẩm NTTD? Điều này không đơn giản bởi riêng việc đưa ra định nghĩa thế nào là NTTD là rất khó khăn. Các khái niệm về NTTD còn trừu tượng, chung chung và chưa thống nhất. Nghệ sĩ Trần Lương (người hàng chục năm nay liên tục hăng hái truyền bá NTTD vào VN) tạm đưa ra khái niệm: “Nghệ thuật trình diễn là một nhánh của nghệ thuật đương đại, trong đó người nghệ sĩ chủ động dùng ngôn ngữ hành vi mang sắc thái nghệ thuật chuyển tải những thông điệp nhân văn tác động trực giác lên thị cảm người xem, gây nên những hiệu ứng đột cảm lan truyền.” Còn với người tổ chức ra cuộc thi này thì xác định: “Đó là tác phẩm của một cá nhân hay một nhóm nghệ sĩ, được trình bày bằng cơ thể nghệ sĩ trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, trong đó sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả là yếu tố chủ chốt. NTTD có thể bao gồm những yếu tố vốn được coi là thuộc nghệ thuật biểu diễn như sân khấu, múa, âm nhạc. Tuy nhiên những yếu tố này nói riêng không được coi là tác phẩm nghệ thuật trình diễn”. Trong cuộc họp báo về Cuộc thi tài năng Nghệ thuật trình diễn 2008 tại đại sứ quán Đan Mạch (diễn ra vào ngày 04/06), khi được hỏi về vấn đề này, đại diện cho Ban giám khảo cuộc thi, nghệ sĩ Như Huy cho rằng quan trọng nhất là sự tương tác của nghệ sĩ với khán giả. Còn nghệ sĩ Đào Anh Khánh lại khẳng định về tầm quan trọng của yếu tố ý tưởng mà nghệ sĩ đưa ra nhằm chuyển tải một thông điệp nào đó đến người xem.

 
Phần trình diễn của Nguyễn Thị Bích Ngọc trong dự án "Luồn lách"

Vậy, tính khả thi của cuộc thi này thì sao? Không giống như việc biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc hay múa, một tác phẩm NTTD không chỉ có ý tưởng tác phẩm, cách thức tiến hành mà còn phụ thuộc rất nhiều đến các yếu tố như tâm lí nghệ sĩ, không gian trình diễn và đối tượng khán giả. Với mỗi hoàn cảnh trình diễn khác nhau sẽ cho ra các hình thức và chất lượng tác phẩm khác nhau. Không bao giờ có trường hợp khi người nghệ sĩ trình diễn lần thứ hai sẽ lặp lại mọi trạng thái, tâm thế, hiệu ứng khán giả giống như lần thứ nhất. Từ đó, mức độ thành công của tác phẩm trong từng hoàn cảnh trình diễn cũng khác nhau. Vì vậy, khi đặt NTTD vào một cuộc thi, nghĩa là người nghệ sĩ cần trình diễn đi trình diễn lại một tác phẩm, liệu chất lượng tác phẩm có được đảm bảo tính nguyên vẹn của nó?

Vẫn giống các cuộc thi Tài năng trẻ về nghệ thuật đương đại trước, quyết định đưa ra tác phẩm xuất sắc nhất để trao số tiền 3000 đô la Mỹ vào đêm chung kết cuộc thi (dự kiến là ngày 16/10) vẫn là do sự bầu chọn của khán giả. Nhưng khán giả là ai? Việt Nam đã có khán giả của nghệ thuật trình diễn chưa? Đó là một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ...

Nghệ thuật trình diễn gây tò mò cho nhiều người dân

Còn thành viên Ban giám khảo (nghệ sĩ Như Huy, nghệ sĩ Trần Lương, nghệ sĩ Đào Anh Khánh và một đại diện của ĐSQ Đan Mạch) thì có nhiệm vụ là chọn ra 10 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Như vậy, song song với việc chọn tác phẩm và tổ chức. Thì việc trang bị, cung cấp kiến thức về NTTD cho khán giả của đêm chung kết sao cho có thể "kết nối" tác phẩm – nghệ sĩ – khán giả là điều hết sức cần thiết cho cuộc thi này mà không ai khác là BTC phải làm điều đó.

Từ khi ra đời đến nay, NTTD chưa có một cái "chuẩn" nào xác đáng. Ngay cả trên thế giới, loại hình này cũng chưa được định hình về khái niệm, ngôn ngữ, cách thức... thế nào là NTTD đích thực với đầy đủ những yếu tố có tính nguyên tắc của nó: hành vi, phương tiện, tức thời, tương tác, đột cảm... Thế nào là "nhiễu " ngôn ngữ của các loại hình khác vào. Các nghệ sĩ trình diễn tiên phong trên thế giới hằng ngày vẫn tạo ra những khái niệm mới bổ sung cho loại hình này. Và đó cũng là một điểm hấp dẫn nghệ sĩ và khán giả "lao" theo loại hình này. Ở Việt Nam, loại này mới được thể nghiệm hơn 10 năm, ngay cả nhiều nghệ sĩ mang danh làm "trình diễn" được báo chí đưa tin liên tục cũng chưa hiểu hết bản chất của loại hình này. Dẫn đến những kiểu kịch câm mới, kịch hình thể hay " nhạc múa tạp kỹ" đội cái vỏ "trình diễn" đã từng diễn ra. Thế nên, sự nghiệp "trình diễn" này, còn phải tập đi những bước dài nữa, cả từ các hướng người tổ chức, BGK, nghệ sĩ và khán giả...

Quỳnh CV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm