Thêm một vở diễn hay về 'vụ án Lệ Chi viên'

07/05/2013 08:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sang trọng, đẹp đẽ, thấm đẫm “chất cải lương” mà cũng không kém phần hiện đại là cảm nhận chung của khán giả khi đến với vở cải lương Đêm trước ngày hoàng đạo - tác phẩm dự thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 (22/4 đến 2/5) của ĐD Lê Trung Thảo (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).

Tuy không đoạt giải thưởng nhưng đây thực sự là điểm son hiếm hoi của sân khấu cải lương TP.HCM nhiều năm qua.

Làm mới một câu chuyện… rất cũ

“Công đầu” phải thuộc về tác giả Võ Tử Uyên. Đã từng tạo dấu ấn qua các kịch bản chuyển thể đậm chất văn học gặt hái thành công ở các kỳ hội diễn (Bến nước Ngũ Bồ - 2009, Cơn hồng thủy - 2012) nhưng Đêm trước ngày hoàng đạo mới thực sự là bước ngoặt khẳng định bản lĩnh một ngòi bút trẻ thông minh và tinh tế. Xét rõ ra, đây khó là một kịch bản hấp dẫn khi hoàn toàn thiếu kịch tính mà cũng chẳng có câu chuyện. Đó chỉ là chuỗi suy tưởng của hoàng tử Lê Tư Thành về vụ án Lệ Chi viên với nhiều hoài nghi trong đêm trước ngày chính thức đăng cơ.

Trước thời khắc quyết định bước lên chiếc ngai vàng, ông hoàng trẻ khát khao tìm ra sự thật, trả lại sự trong sạch cho bậc khai quốc công thần. Giải oan cho Nguyễn Trãi không đơn thuần chỉ để trả ơn người từng cưu mang mẹ con mình mà trên hết là ý thức trách nhiệm của người sắp gánh vác vận mệnh quốc gia không cho phép ngài ngoảnh mặt trước bất công, thôi thúc ngài gột rửa vết nhơ cho tiền triều. 4 cuộc đối thoại đã diễn ra trong đêm: 2 trong đời thực và 2 trong tâm tưởng giúp vị tân vương giải tỏa khúc mắc, sẵn sàng cho trọng trách lớn lao.



Nghệ sĩ Quỳnh Hương (Nguyễn Thị Anh) và Điền Trung (Nguyễn Trãi) trong vở cải lương Đêm trước ngày hoàng đạo. Ảnh: Ngân Anh.

Nếu việc chất vấn sử quan Ngô Sĩ Liên về nhiệm vụ người chép sử là bước dạo đầu khám phá bí mật rợn người chốn cung đình; cuộc trò chuyện với vương phi Ngọc Quyên về phẩm chất người làm vua củng cố quyết tâm bảo vệ lẽ phải; thì 2 cuộc gặp gỡ trong tâm tưởng cùng Thái hậu Nguyễn Thị Anh và bậc danh thần Nguyễn Trãi là bài học sâu sắc về trách nhiệm, về cái tài, cái tâm của người cầm quyền, về sự “tỉnh táo” trước sức hấp dẫn của quyền lực.

Xuất hiện xuyên suốt nhưng Lê Tư Thành chỉ đóng vai trò dẫn dắt, còn nhân vật “đắt” lại là Nguyễn Thị Anh và Nguyễn Trãi. Tác giả Võ Tử Uyên đã rất dụng công dựng nên diện mạo sinh động nhưng không hề khuôn sáo cho 2 nhân vật vốn rất dễ bị đóng khung. Không mang trái tim người mẹ đầy nhạy cảm phải bảo vệ quyền lợi cho con bằng mọi giá như Thần phi Nguyễn Thị Anh của Bí mật vườn Lệ Chi (tác giả: Hoàng Hữu Đản, NSƯT Thành Lộc) - vở kịch “kinh điển” của sân khấu IDECAF, Thái hậu Nguyễn Thị Anh của Đêm trước ngày hoàng đạo tham vọng hơn, sắc sảo hơn (cũng ý thức về “nữ quyền” hơn). Bà chủ động tham gia vào “vòng xoáy quyền lực” chốn cung đình khi chỉ có 2 lựa chọn: giẫm lên kẻ khác để vươn lên hoặc bị giẫm nát. Bi kịch của bà là nhận thức rất rõ nỗi đau khi đánh mất chính mình nhưng lại không thể nào dừng tay.

Nguyễn Trãi cũng không hiện lên như một “vị thánh tỏa chiếu hào quang” theo tưởng tượng áp đặt của người đời lên các bậc vĩ nhân (thường bắt gặp ở nhiều tác phẩm nghệ thuật) mà rất “người”: vẫn có sai lầm, vẫn biết đau, biết khóc trước nỗi oan nghiệt ngã. Chi tiết ông nhìn nhận kết cục thảm khốc của mình là hậu quả của sự: ngạo mạn, ngông cuồng, chỉ biết mình là bách tùng, không thèm để mắt đến những loài cỏ dại… thể hiện cái nhìn rất tinh tế của tác giả.

Diện mạo mới cho cải lương?

Không kịch tính, nhưng ngôn ngữ cải lương đã đặc biệt phát huy thế mạnh, sức quyến rũ với một mạch truyện đậm chất tự sự, trữ tình. Tuy nhiên, rất dễ rơi vào nhàm chán nếu chỉ mãi những đối thoại nặng nề tư tưởng. Kết hợp nhịp nhàng giữa xử lý ánh sáng và những màn múa hình thể hiện đại, ĐD Lê Trung Thảo đã mang đến cho vở diễn một màu sắc mới. Việc đưa múa đương đại vào một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống (dù rất cởi mở) như cải lương vẫn còn gây nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận nó đã đẩy nhanh đáng kể tiết tấu vở diễn đồng thời tạo được điểm nhấn kịch tính đưa vở diễn lên cao trào (cảnh trong mơ Lê Tư Thành đối mặt với Thái hậu Nguyễn Thị Anh và “tập đoàn” công thần từng nhúng tay vào vụ án Lệ Chi viên, khung cảnh pháp trường hỗn loạn với những tiếng vọng lịch sử về nỗi oan ngàn đời…).

Một điểm cộng nữa là khả năng nhập vai của dàn diễn viên trẻ trung và giỏi nghề. Quỳnh Hương - cô đào chuyên trị vai bà hoàng và… bà già, một trong những tài năng cải lương nổi bật nhất hiện nay - với nét diễn sang trọng, linh hoạt hoàn toàn lôi cuốn khán giả vào mạch cảm xúc đầy biến hóa của một Nguyễn Thị Anh tham vọng, thủ đoạn nhưng chất chứa nhiều nỗi niềm. Đây không phải là lần đầu Điền Trung đảm nhận vai lão nhưng Nguyễn Trãi chắc chắn là vai diễn thử thách nhất và cũng hay nhất của anh từ trước đến nay. Chất giọng trầm ấm, phong thái đĩnh đạc, Điền Trung đã làm nên một Nguyễn Trãi rất riêng: bậc anh hùng giữa đời thường. Gương mặt sáng sân khấu và giọng ca sang sảng, truyền cảm, nhân vật Lê Tư Thành có vẻ khá “nhẹ nhàng” với một nghệ sĩ đầy nội lực như Lê Tứ…

Sinh sau đẻ muộn mà những tác phẩm cùng đề tài đi trước đã tỏa bóng quá lớn (nổi bật nhất là “bộ đôi” Bí mật vườn Lệ ChiVua thánh triều Lê của sân khấu IDECAF) dĩ nhiên không tránh khỏi những xét nét so sánh nhưng với những phản hồi tích cực từ khán giả, giới chuyên môn lẫn truyền thông thời gian qua thì Đêm trước ngày hoàng đạo hoàn toàn có thể tự tin xếp vào hàng những tác phẩm đáng xem nhất của sân khấu TP.HCM vài năm trở lại đây. Vở diễn sẽ tiếp tục đến với công chúng qua các suất hát định kỳ của nhóm Thắp sáng niềm tin (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) tại rạp Thủ Đô vào ngày thứ Bảy tuần cuối cùng của tháng.

Trong 20 tác phẩm dự thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013, chỉ có 4 vở cải lươnglà: Biển và bờ của ĐD - NSƯT Lịch Sử, Đêm trước ngày hoàng đạo - ĐD Trung Thảo, Trái tim trong trắng - ĐD Quốc Kiệt, Gió hoàng cung - ĐD Ngọc Thức, tất cả đều thể hiện những tìm tòi để cải lương mới mẻ, hấp dẫn hơn. NSƯT Lịch Sử (Đoàn Cải lương Hương Tràm - Cà Mau) với bản dựng chỉn chu và “rất cải lương” cho Biển và bờ - chuyển thể từ kịch bản Tội ác quyền lực (tác giả: Nguyễn Đăng Chương), giúp Kịch Sài Gòn đoạt huy chương vàng Hội diễn Kịch nói chuyên nghiệp 2012 (Huế) - đã xuất sắc đoạt giải Bạc. Khác nhiều vở cải lương chuyển thể đã trở thành “kịch nói đâm bài ca”, Biển và bờ vẫn giữ được tinh thần kịch bản gốc qua mạch kịch nhanh, nhiều cao trào, lời thoại chắc gọn, sắc bén. Đồng thời chất trữ tình, dạt dào xúc cảm phải có của nghệ thuật cải lương vẫn đong đầy qua những bài bản, giao đãi, tình huống phát triển tình cảm của nhân vật… được đưa vào rất hợp lý. Với cách dàn dựng đơn giản mà gợi tả cùng sự thăng hoa của dàn diễn viên đầy nội lực, Biển và bờ xứng đáng là một vở cải lương chuẩn mực hiện nay.

NINH LỘC
Thể thao & Văn hóa





Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm