Thêm một dự án làm nghèo dân

17/11/2009 12:46 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hàng trăm hộ dân ở xã An Hòa, huyện Long Thành, Đồng Nai “bỗng dưng” mất đất sản xuất nông nghiệp, chỉ vì một dự án nuôi thú và du lịch sinh thái. Họ được đền với giá chỉ 30.000 đồng/m2, nhiều hộ sau khi nhận xong tiền bồi thường không đủ mua 1 nền đất cùng trên xã này để làm nhà ở.

Ưu đãi DN hơn dân

Nằm ngay sát QL 51 đi Vũng Tàu, cánh đồng Bà Phượng rộng hàng trăm ha bao đời nay nuôi sống hàng trăm gia đình. Từ tháng 8/2002, UBND tỉnh Đồng Nai giới thiệu địa điểm này cho Cty CP Sơn Tiên lập thủ tục đầu tư “Dự án khu du lịch sinh thái nuôi và bảo vệ động vật hoang dã” tại ấp đồi Phước Khả, xã An Hòa, với diện tích khoảng 250ha. Không phải là dự án phục vụ lợi ích công cộng hay công trình phục vụ an ninh - quốc phòng, nhưng dự án trên lại được ưu ái quá mức.

Thay vì nhà đầu tư phải thương lượng với người dân trong việc bồi thường đất đai, Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai ra ngay Công văn 1722, giao cơ quan chức năng “nghiên cứu áp khung giá thấp nhất cho DN, miễn tiền thuê đất trong 10 năm và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Cty CP Sơn Tiên sớm triển khai dự án”.

Dù dự án chưa được phê duyệt, nhưng từ tháng 7 - 10/2004, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành liên tiếp 3 Quyết định 3165, 3634, 5286 phê duyệt phương án “bồi thường  thực hiện giải tỏa” đất đối với hằng trăm hộ dân mà không cần ra quyết định thu hồi đất, kể cả quyết định thu hồi tổng thể. Với trình tự thu hồi đất theo kiểu “sinh con rồi mới sinh cha” này, 4 năm sau, UBND tỉnh phải ra Quyết định 371/QĐ-UBND ngày 28/1/2008 điều chỉnh cả 3 quyết định đã ban hành, theo hướng tăng, giảm cả về diện tích cũng như số tiền bồi thường, nhưng đến nay vẫn rối bời khiếu kiện.

Cty Sơn Tiên tiến hành cưỡng chế


Với phương châm “áp khung giá thấp nhất” cho DN như chỉ đạo, UBND tỉnh Đồng Nai đã “căn cứ” vào Nghị định 22/CP từ năm 1998 về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào “mục đích an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng”, một văn bản hướng dẫn hoàn toàn xa lạ với dự án kinh doanh của DN và đã hết hiệu lực khi Luật Đất đai 2003 ra đời. 

Sau khi áp giá đền bù thu hồi đất ban đầu chỉ 20.000 đồng/m2, bằng 2% giá đất thực tế theo quyết định của UBND tỉnh và không có phương án tái định cư đối với những hộ gia đình bị giải tỏa trắng; chính quyền huyện Long Thành liên tục thông báo “mời bà con đến nhận tiền nếu hết hạn sẽ gửi kho bạc” hoặc “hộ nào không di dời và bàn giao đất sẽ bị cưỡng chế”. Ông Bùi Văn Thanh sử dụng gần 34.000m2 đất trồng lúa màu tại ấp 3, xã An Hòa lo lắng cho biết: “Với mức đền bù không mua nổi 1 sào đất, gia đình tôi chỉ còn nước làm thuê cuốc mướn sinh sống”.

Đi kèm những biện pháp của chính quyền, chủ đầu tư liên tục huy động các phương tiện đào xúc cơ giới cùng xe chở đất san lấp và phân lô xẻ rãnh ruộng đồng, bất chấp phản ứng và cả những lời cầu cứu của hàng trăm hộ gia đình. Bị quyết định cưỡng chế thu hồi 17.312 m2 đất, ông Phạm Phú Điền nói: “Đất chưa có quyết định thu hồi hợp lệ, người dân đang khiếu nại và UBND tỉnh trả lời “chờ giải quyết”, thì đâu là cơ sở pháp lý của việc bồi thường và giải tỏa”?   

Pháp lý nào cho dự án?

Sau khi đã ban hành đến 3 quyết định bồi thường giải tỏa, ngày 15/11/2004 UBND tỉnh Đồng Nai mới có Quyết định 5530/QĐ-UBT “thu hồi 373 ha đất tại xã An Hòa, giao cho Cty CP Sơn Tiên lập dự án xây dựng khu du lịch sinh thái nuôi và bảo vệ động vật hoang dã”. Dù thời hạn giao đất ấn định 12 tháng đã 2 lần “gia hạn” trái luật, nhưng đến nay dự án vẫn tiếp tục ì ạch vì phải đối diện với nhiều vấn đề pháp lý.

Nhưng, quyết định lần này của UBND tỉnh Đồng Nai chỉ nêu địa điểm chung chung là xã An Hòa, với tổng diện tích thu hồi lên tới 370 ha. Có ý kiến cho rằng, Quyết định trên chẳng qua là để hợp thức việc lấy đất nông nghiệp “chuyện đã rồi” trên cánh đồng Bà Phượng. 

Quyết định vừa nêu không những phá vỡ qui hoạch tổng thể cũng như qui hoạch chung của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mà còn trái nguyên tắc qui hoạch kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai.

Từ 6/10/2006 đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải tỏa hàng chục đợt dù chưa có quyết định thu hồi đất. Thậm chí UBND huyện Long Thành ra quyết định cưỡng chế cũng chỉ dựa trên các văn bản photocopy, mà không ra quyết định thu hồi đất đến từng hộ và cá nhân theo Luật Đất đai quy định.

Theo Luật Đất đai, “UBND tỉnh không có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất đối với từng hộ gia đình cá nhân”, việc UBND huyện Long Thành dựa vào Quyết định 5530/QĐ-UBT để ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất hợp pháp của người dân là vi phạm pháp luật. Việc UBND huyện Long Thành chưa có quyết định thu hồi đất thì sao có thể ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi? Việc UBND huyện Long Thành viện dẫn văn bản 3160/BTNMT-ĐĐ ngày 28/7/2006 của Bộ TN&MT về thu hồi đất đối với các “Dự án đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh và lợi ích quốc gia công cộng” tại Điều 39 Luật Đất đai để ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất của dân là một căn cứ hoàn toàn lệch lạc, vì đây là dự án kinh doanh phục vụ lợi ích DN.

Dù vậy nhưng trong tháng 9 vừa qua Cty CP Sơn Tiên đã tổ chức khởi công dự án với sự chứng kiến của lãnh đạo địa phương này.

Cầm Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm