Võ thuật vẫn là 'mỏ vàng' của Thể thao Việt Nam ở ASIAD 2018

15/08/2018 07:06 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn)- Hai kỳ ASIAD gần nhất, Việt Nam chỉ có 2 tấm HCV chia đều ở 2 kỳ Đại hội và tất cả đều thuộc về các môn võ. Bộ môn ít người quan tâm nhưng lại vớt vát thành tích cả đoàn Thể thao Việt Nam và có thể tình cảnh này sẽ lại tiếp tục ở Indonesia 2018.

Những HCV ASIAD của Thể thao Việt Nam trong lịch sử chỉ có tổng cộng 11 chiếc nhưng có đến 7 HCV thuộc về các môn võ. Trong đó, karatedo đóng góp đến 4 tấm HCV, còn lại thuộc về taekwondo (2 chiếc) và Wushu. Điều không may cho karatedo khi 4 năm trước ở Hàn Quốc, quốc gia sản sinh Taekwondo vốn “không ưa” gì karatedo đã thẳng thừng loại bỏ môn võ cổ truyền của người Nhật.

Được đưa trở lại vào chương trình thi đấu ASIAD năm nay, đội tuyển Karatedo Việt Nam được kỳ vọng lớn sẽ phát huy truyền thống để mang vinh quang về cho đoàn Thể thao Việt Nam.

Thế nhưng, người trong cuộc thừa nhận các VĐV trọng điểm hiện nay đang được đầu tư cho Olympic 2020 nên rất khó làm nên chuyện ở ASIAD lần này. Đa số các thành viên ĐTQG Karatedo dự ASIAD lần này là lần đầu tiên bước ra đấu trường lớn. Và cảm giác choáng ngợp là điều khó tránh.

Việc đặt chỉ tiêu cao cho các VĐV vì thế cũng khó lường. ASIAD 2002, Thể thao Việt Nam đã thành công bậc nhất trong các kỳ Đại hội với 4 tấm HCV (2 trong số đó thuộc về karatedo). Có thể thấy cảm hứng từ karatedo sẽ giúp ích rất nhiều cho cả đoàn.

Karate là môn võ mang về thành công nhất cho thể thao Việt Nam ở ASIAD. Ảnh: World Karate
Karate là môn võ mang về thành công nhất cho thể thao Việt Nam ở ASIAD. Ảnh: World Karate

Trong số các thành viên, Nguyễn Thị Ngoan là cái tên nổi bật khi cô giành nhiều thành tích ở giải K1 thế giới như HCĐ và HCB. Cô cũng là võ sĩ Việt Nam có thứ hạng thế giới cao nhất hạng cân 60-61 kg. Còn ở hạng dưới 68 kg, võ sỹ Hồ Thị Thu Hiền cũng là một niềm hy vọng. Ngoài ra còn có Nguyễn Thị Hồng Anh hạng 69 kg.

Bên cạnh đó, nội dung kata biểu diễn cũng khó đoán khi ban giám khảo là các trọng tài cũng có sự cảm tính khi chấm thi. Mục tiêu của đội karatedo Việt Nam ở ASIAD sẽ đạt 1 tấm HCV, nhưng nếu không hoàn thành cũng không đáng lo ngại với người trong cuộc khi đích nhắm của đội tuyển là 2 năm tới.

Karate tiếp tục lĩnh xướng trọng trách lấy Vàng cho thể thao Việt Nam ở Đại hội này. Ảnh: World Karate
Karate tiếp tục lĩnh xướng trọng trách lấy Vàng cho thể thao Việt Nam ở Đại hội này. Ảnh: World Karate

Đội tuyển hứa hẹn sẽ có “Vàng” ASIAD khác là Taekwondo. Sau 3 HCV ở giải châu Á (2 nội dung Quyền biểu diễn và 1 đối kháng của Kim Tuyền), Taekwondo Việt Nam rất kỳ vọng sẽ làm nên chuyện.

HLV Nguyễn Thanh Huy cho biết: “Lần đầu tiên nội dung quyền được đưa vào chương trình thi đấu của ASIAD nên Việt Nam rất hy vọng. Các võ sĩ đang nỗ lực quyết tâm mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam.

Chúng ta đã có nền tảng tốt dù Liên đoàn Taekwondo thế giới đổi bài thi quyền đòi hỏi sự sáng tạo, khó khăn hơn. Tuy nhiên, việc đoạt những tấm HCV ở giải VĐTG không có nhiều ý nghĩa ở Đại hội lần này khi nước chủ nhà đưa Quyền vào thi đấu. Bởi các quốc gia khác như Hàn Quốc, Iran, Đài Loan... họ sẽ đầu tư mạnh hơn nên cán cân đã thay đổi rất nhiều”.

Kim Tuyền là hy vọng vàng của môn Taekwondo, sau nội dung đồng đội Quyền biểu diễn. Ảnh: Lê Giang
Kim Tuyền là hy vọng vàng của môn Taekwondo, sau nội dung đồng đội Quyền biểu diễn. Ảnh: Lê Giang

HLV Thanh Huy nói thêm Việt Nam sẽ đặt kỳ vọng vào nội dung đồng đội nam và đồng đội nữ Quyền biểu diễn, 2 nội dung thế mạnh sở trường. Nội dung 46 kg của Kim Tuyền, dù vẫn hy vọng nhưng cô gái Vĩnh Long sẽ phải tăng ký để thi ở nội dung 49 kg trái sở trường. Đó thực sự là một canh bạc. Với các VĐV nam, người trong cuộc thẳng thắn thừa nhận “không có cửa” khi đối thủ châu lục đến từ Iran, Hàn Quốc... đẳng cấp cao hơn hẳn.

Pencak Silat là hy vọng vàng rất cao của thể thao Việt Nam năm nay. Ảnh: VSI
Pencak Silat là hy vọng vàng rất cao của thể thao Việt Nam năm nay. Ảnh: VSI

Môn võ khác có khả năng sẽ mang về HCV cao là pencak silat. Đây là môn võ mà Việt Nam cũng là thế lực lớn của khu vực. Nhưng chủ nhà Indonesia đưa môn thể thao này vào tranh tài không phải không có nguyên do. Pencak silat ở các kỳ SEA Games trước là chủ đề chính để thể thao thế giới đùa vui với những sự cố bi hài liên tục. Và dù vẫn chuẩn bị kỹ càng, đưa lực lượng hùng hậu dự tranh nhiều nội dung nhưng đội tuyển Việt Nam chỉ kỳ vọng 1 HCV. Bởi lẽ như đã biết, môn thể thao này phụ thuộc rất nhiều vào các trọng tài, hay nói khác đi là những “vua đồ đen” điều tiết tất cả. Cộng hưởng với ưu thế chủ nhà của mình, Indonesia có thể “gom vàng” môn võ này để vươn lên TOP đầu châu lục.

Dương Thúy Vi sẽ vẫn là hy vọng vàng của thể thao Việt Nam ở Đại hội cuối cùng trong sự nghiệp của cô. Ảnh: TTXVN
Dương Thúy Vi sẽ vẫn là hy vọng vàng của thể thao Việt Nam ở Đại hội cuối cùng trong sự nghiệp của cô. Ảnh: TTXVN

Cuối cùng phải kể đến Wushu, môn võ đã cứu thua ngoạn mục cho thể thao Việt Nam 4 năm trước. Kỳ Đại hội đáng quên với thể thao Việt Nam trên đất Hàn Quốc đã kết thúc có hậu khi Dương Thúy Vi mang về tấm HCV duy nhất cho toàn đoàn. Thúy Vi với sở trưởng biểu diễn thương thuật và kiếm thuật đang duy trì tốt phong độ của cô và sau 4 năm, cô vẫn là hy vọng vàng.

Góc khuất bản quyền truyền hình ASIAD 2018: Lần đầu tiên VTV không mua được!

Góc khuất bản quyền truyền hình ASIAD 2018: Lần đầu tiên VTV không mua được!

ASIAD 2018 sẽ là sự kiện thể thao quốc tế đầu tiên trong vòng hơn 20 năm trở lại đây có sự tham dự của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) mà lại không xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia.

Bảng thành tích HCV của thể thao Việt Nam qua các kỳ Đại hội:

ASIAD 1994 (1 HCV): Trần Quang Hạ (Taekwondo)

ASIAD 1998 (tổng cộng 1 HCV): Hồ Nhất Thống (Taekwondo)

ASIAD 2002 (4 HCV, 2 HCV còn lại của thể hình và billiards-snooker): Nguyễn Trọng Bảo Ngọc (karate, đối kháng cá nhân nữ hạng trên 60kg; Vũ Kim Anh (karate, đối kháng cá nhân nữ hạng 53kg)

ASIAD 2006 (tổng cộng 3 HCV, 2 HCV còn lại là cầu mây): Vũ Nguyệt Ánh (karate, đối kháng cá nhân nữ hạng 48kg)…

ASIAD 2010 (tổng cộng 1 HCV): Lê Bích Phương (karate, đối kháng cá nhân nữ hạng 55kg)

ASIAD 2014: Dương Thúy Vi (wushu, biểu diễn thương thuật và kiếm thuật)

Bình Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm