VĐV Việt Nam làm gì sau khi giải nghệ?

03/01/2020 06:21 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Các tuyển thủ thể thao Việt Nam sẽ làm gì sau khi từ giã sàn đấu? Không một ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác vào thời điểm này, từ các nhà quản lý thể thao, các chuyên gia, các HLV cho đến chính những tuyển thủ. Bởi việc tìm đầu ra cho VĐV sau khi giải nghệ còn khó hơn… lên trời.

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay, 3/1. Trực tiếp bóng đá U23 Việt Nam vs U23 Bahrain

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay, 3/1. Trực tiếp bóng đá U23 Việt Nam vs U23 Bahrain

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Lịch thi đấu bóng đá giao hữu U23: U23 Việt Nam vs Bahrain. Lịch thi đấu bóng đá Tây Ban Nha vòng 19. Lịch thi đấu bóng đá cúp Quốc gia Pháp. Lịch bóng đá ngày 3/1, rạng sáng 4/1.

Từ câu chuyện của CLB Phước Hưng Gymnastic…

Chắc rất nhiều người biết đến Phạm Phước Hưng - một cái tên rất quen thuộc của thể thao Việt Nam nói chung và thể dục dụng cụ nói riêng với 2 lần giành quyền dự Olympic (2012, 2016), 7 lần giành HCV SEA Games, 2 lần vô địch Cúp thế giới, sở hữu hàng chục tấm huy chương quốc nội và là tác giả của một động tác được Liên đoàn Thể dục quốc tế đưa vào hệ thống kỹ thuật thi đấu.

Phạm Phước Hưng cũng là một điển hình tiêu biểu cho nỗ lực và ý chí vươn lên trong trong tập luyện, khi từng vượt qua căn bệnh lao xương quái ác vào năm 18 tuổi, rồi bệnh lao phổi vào năm 25 tuổi để trở thành một trong những nam VĐV xuất sắc nhất của thể dục Việt Nam ở thời kỳ hội nhập quốc tế.

Những tưởng, bản vàng thành tích hoành tráng đó, đủ để giúp Phạm Phước Hưng có được một công việc thuận lợi sau khi nghỉ thi đấu nhưng thực tế có phần ngược lại. “Nam thần” của ĐTQG thể dục khởi nghiệp bằng việc thành lập CLB Phước Hưng Gymnastic với mong muốn, phổ cập môn thể dục dụng cụ - một môn thể thao cực kỳ “khó nhằn” - cho mọi người cùng tham gia tập luyện để rèn luyện sức khỏe.

“Tôi làm điều đó bởi nghĩ mình có kinh nghiệm, kiến thức ở môn thể dục. Còn về mặt khách quan, tôi không có nhiều lựa chọn về công việc sau khi nghỉ thi đấu ở ĐTQG. Lúc đầu xác định là cứ làm thôi, cũng không biết có thành công hay không. Nhưng vì đam mê, nên bao nhiêu vốn liếng có được từ thời VĐV dồn vào CLB cả”.

300 triệu đồng tiết kiệm từ các khoản tiền thưởng và thu nhập trong quãng đời VĐV huy hoàng nhất đã được Phạm Phước Hưng dồn vào dự án khởi nghiệp là một CLB nhỏ nằm trên phố Nghi Tàm (Hà Nội). Nơi mọi người có thể làm quen với các động tác ở nội dung xà đơn, xà kép, đệm hơi, lưới bật hay các môn thể thao đường phố hiện đại như như Parkour, Street Workout.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

“Mô hình này đã chạy được hơn 2 năm dưới sự nỗ lực của cá nhân tôi và sự hỗ trợ của rất nhiều bạn bè. Tôi thấy có điều rất may mắn là không lỗ vốn, còn rất khó để biến nó thành một kênh để kiếm thêm thu nhập một cách ổn định. Nhưng có lẽ, việc không lỗ mà được làm điều mình yêu tích cũng đã là may mắn hơn rất nhiều các đồng nghiệp thể thao khác rồi. Nhiều anh chị sau khi giải nghệ cũng gắn bó mô hình kinh doanh với thể thao nhưng không phải ai cũng thành công”.

… đến giấc mơ khởi nghiệp

Có một điều mặc định trong suy nghĩ của rất nhiều VĐV, đó là sau khi chia tay sự nghiệp thi đấu họ sẽ cố gắng tìm kiếm một công việc gì liên quan đến môn thể thao mình tập luyện, tuyệt vời nhất là được theo học trường Đại học TDTT.

Nếu như may mắn khi hội tụ rất nhiều yếu tố, đó có thể là một vị trí trong cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực thể thao ở địa phương, thậm chí có thể cao hơn. Hoặc cũng có thể trở thành một HLV của một đội tuyển cấp nào đó ở địa phương hoặc ĐTQG. Kém may mắn hơn, họ có thể trở thành những giáo viên thể chất trong các trường học hoặc huấn luyện ở các trung tâm tư nhân hoặc CLB…. Còn nếu kém may mắn hơn nữa, họ sẽ phải làm những công việc không liên quan đến chuyên môn thể thao và số này thường chiếm đa số.

Chuyện khởi nghiệp với CLB thể dục của Phạm Phước Hưng hay rất nhiều các mô hình tương tự như cầu thủ mở trung tâm bóng đá cộng đồng, các tay vợt mở CLB bóng bàn, cầu lông hoặc tennis, rồi các kình ngư huấn luyện bơi xuất hiện rất nhiều trong làng thể thao, bởi đây là sự lựa chọn được coi như phù hợp nhất với thế mạnh của họ. Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ mang tính chủ quan, còn trên thực tế, những kiến thức về chuyên môn thuần túy ở lĩnh vực thể thao, chỉ giúp ích phần nào khi các tuyển thủ chọn mô hình kinh doanh CLB thể thao.

“Lúc mở CLB, tôi cứ làm theo những gì mình muốn một cách đơn thuần, chứ không có bất cứ kiến thức gì về kinh doanh và nếu không có sự hỗ trợ của nhiều người, thì khó có thể duy trì được cho đến ngày hôm nay. Vốn là VĐV quanh năm chỉ biết có tập luyện và thi đấu, rất khó để bổ sung kiến thức kinh doanh ngay khi vừa giải nghệ. Nên thôi cứ vừa làm vừa học, dò dẫm tìm đường đi và thực sự cũng may mắn để mà không đến mức phải thất bại. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ nhưng thực tế cũng chẳng biết phải hỏi ai”, Phạm Phước Hưng chia sẻ.

Thế mới biết, một VĐV tên tuổi như Phạm Phước Hưng, sở hữu một ý tưởng cực kỳ táo bạo và tiên phong nhưng thành công vẫn để ngỏ. Hơn 2 năm qua, việc CLB duy trì hoạt động đã là một thành công, “còn chưa biết đến bao giờ nó mới có thể làm giàu” đúng như lời Hưng nói. Còn với rất nhiều các VĐV khác của thể thao Việt Nam sau khi giải nghệ, nếu như không tìm được một công việc liên quan đến lĩnh vực thể thao, họ gần như chẳng có chút cơ hội nào thành công khi khởi nghiệp bằng một dự án với chút vốn liếng nhỏ nhoi và gần như không có kiến thức trong việc kinh doanh dù bắt đầu bằng một mô hình nhỏ nhất.

Hi vọng mới cho các tuyển thủ sau khi giải nghệ

Mới đây, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng cục TDTT về "Tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các vận động viên của Thể thao Việt Nam có thành tích cao sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp". Thỏa thuận hợp tác gồm nhiều nội dung, đáng chú ý có việc Hội Doanh nhân trẻ kêu gọi doanh nhân trẻ cả nước hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm cho các VĐV đạt thành tích cao không còn thi đấu chuyên nghiệp trên cơ sở nguyện vọng và địa bàn sinh sống.

Cụ thể, hỗ trợ đào tạo việc làm cho các vận động viên tại các bộ phận có tính chất liên quan đến thể thao tại các doanh nghiệp hội viên của Hội Doanh nhân trẻ việt Nam. Hỗ trợ đào tạo để các vận động viên có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp nếu có nguyện vọng làm việc tại các doanh nghiệp của hội viên Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tại các địa bàn nơi vận động viên đang sinh sống và làm việc. Hỗ trợ cấp vốn cũng như tư vấn đối với các dự án khởi nghiệp mang tính khả thi cao của các vận động viên sau khi họ không còn thi đấu và muốn mở doanh nghiệp.

Đây có thể được coi như một hi vọng mới, mở ra hướng đi mới cho rất nhiều các tuyển thủ sau khi giải nghệ và biết đâu bắt đầu từ sự hỗ trợ này, sẽ có những ngôi sao của thể thao Việt Nam tỏa sáng trên thương trường sau khi rời sàn đấu.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm