VĐV điền kinh Nguyễn Văn Phương: Sống mòn để chờ…

28/09/2009 19:02 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần) - Trước đây hay bây giờ cũng vậy, người ta chỉ quen gọi anh là Nguyễn Bảo Huy – Cựu vô địch Việt Nam, cựu á quân SEA Games. Cái tên Nguyễn Văn Phương nghe vừa xa lạ, mà cũng chẳng để lại ấn tượng gì cho người đối diện. Vậy mà, đấy mới là con người thật của anh sau rất nhiều năm “mượn tên” người em trai Nguyễn Bảo Huy.

Cuộc đời của Phương thậm chí còn lận đận hơn cả chuyện anh mượn tên người khác để thành danh. Rời đường chạy, trở thành một HLV năng khiếu, nhưng cái khó, nỗi khổ và sự dằn vặt dường như vẫn chưa muốn buông tha Phương…

Xin được là chính mình!

Tháng 7/2005, nghĩa là sau 13 năm sống nhờ cái tên người em ruột Nguyễn Bảo Huy, Phương rốt cuộc cũng đã phải lên tiếng, trút mọi sự kìm nén trong lòng cất thành lời cầu xin “trả lại tên” cho mình, sau khi một sự thật đã phơi rành rành trước mắt tất cả: nhà vô địch Bảo Huy chưa từng là Nguyễn Bảo Huy! Cái tên của người em trai chỉ được Văn Phương mượn tạm vì cuộc mưu cầu danh tiếng của điền kinh TP.HCM.

Trước đây, dân trong làng điền kinh (đương nhiên là trừ TP.HCM ra) chỉ biết Bảo Huy sinh ngày 4/2/1978, được phát hiện từ giải điền kinh học sinh TP.HCM đầu thập niên 1990 dưới màu áo Trường phổ thông Ngô Sĩ Liên (Quận Tân Bình). Thi đấu ấn tượng, vậy là Huy được “bốc” lên Trường Nghiệp vụ TDTT. Kể từ đó, ngôi sao điền kinh mang tên Bảo Huy ra đời. Và phải đến khi bất ngờ VĐV này gửi đơn lên Ban giám đốc Sở TDTT TP.HCM xin “trả lại tên”, người ta mới nhận ra đấy là Nguyễn Văn Phương, còn Bảo Huy chỉ là cậu em trai kém mình 2 tuổi. Đồng thời, người ta cũng mới biết được chuyện các thầy cô đã cố tình giấu nhẹm một sự thật suốt thời gian dài về Phương.

Sau này, Phương bảo rằng suốt 13 năm ấy, lòng anh chẳng bao giờ yên bình. Sâu thẳm trong đó là sự giằng xé tâm lý, là nỗi khổ khó cất thành lời và lớn hơn nữa là một sự cam chịu để sống. Ngay cả khi đã 29 tuổi (Phương sinh ngày 20/5/1976), anh vẫn chưa dám... yêu! “Tôi biết nói với bạn gái mình là ai? Văn Phương hay Bảo Huy đây? Tôi thậm chí chỉ quanh quẩn sống ở Trung tâm điền kinh, mà đâu dám về nhà. Vì về nhà, thể nào anh công an khu vực cũng hỏi, mà vỡ chuyện thì ngượng với đời!”, Phương tâm sự.

Văn Phương dưới cái tên Bảo Huy đã ngang dọc ở các sân chơi điền kinh quốc gia, Đông Nam Á và mang về cho điền kinh TP.HCM cả tá HCV ở cự ly 400m rào. Thậm chí, trong vòng 5 năm trước khi trở lại với tên thật, Phương là VĐV duy nhất thường xuyên đoạt HCV cho điền kinh TP.HCM. Ngay cả kỷ lục quốc gia 400m rào mà Phương lập từ cách đây khá lâu vẫn chưa tìm được đàn em phá nổi cho đến tận hôm nay.

Quýt làm thì... quýt chịu!

Đóng góp của Phương cho điền kinh TP.HCM không hề nhỏ. Nhưng ác nghiệt ở chỗ, sau khi bị lộ tên và tuổi thật, Phương trở thành “cái gai” trong mắt nhiều người làm điền kinh. Vậy là khi chẳng ai còn chống lưng, Phương đành nói lời chia tay sự nghiệp VĐV, bắt đầu một cuộc sống mới đầy gian nan.

Ngay cả khi mọi chuyện đã rõ trắng đen, nhưng Phương vẫn là người mang tiếng là tội nặng nhất, vì lãnh đạo bộ môn điền kinh, ngành TDTT TP.HCM chối đây đẩy trách nhiệm, viện dẫn rằng “cơ sở đưa lên, thì cái sai bắt nguồn từ cơ sở”!? Nói chung, trước tình cảnh không thể phũ phàng hơn, Phương đành nín nhịn, lủi thủi tự tập luyện mà không có thầy dẫn dắt, thi đấu nốt 1 mùa trước khi chia tay nghiệp VĐV bạc bẽo. Thậm chí, chuyện học của Phương từng được hứa sẽ chăm lo trước kia, giờ anh cũng phải tự lo lấy.

Nghỉ tập và thi đấu, Phương bị cắt chế độ và để nuôi tiếp chuyện học văn hóa, anh xin huấn luyện lứa năng khiếu của TP.HCM, trước khi xin về làm công tác đào tạo trẻ cho Trung tâm TDTT Quận Thủ Đức. Vẫn không đủ trang trải cuộc sống, Phương và người yêu (cũng là dân thể thao) mượn tạm... vỉa hè bên ngoài sân Thống Nhất (đường Đào Duy Từ, Quận 10) mở một quán ốc nho nhỏ vào lúc chập choạng tối, trông chờ bạn bè, đồng nghiệp cũ và người thân quen tới ủng hộ, kiếm thêm đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.

Phận sống mòn...

Nhìn Nguyễn Văn Phương đội nắng, cầm cờ ở điểm xuất phát các cự ly tiếp sức tại giải vô địch quốc gia 2009 vừa rồi, nhiều người tưởng anh đã ổn định, tạm sống được giữa cái thời khủng hoảng kinh tế, cái gì cũng đắt đỏ. Nhưng cuộc sống chẳng hề giản đơn vậy. Chỉ khi nào có giải và có người còn quý mến mới kêu Phương về sân Thống Nhất làm. “Chịu thôi, đời mà anh!”, Phương nói.

Ngẫm mà chua chát thay cho Phương. Ít ra thì anh cũng từng là nhà vô địch Việt Nam, từng ghi dấu ấn ở đấu trường SEA Games, từng hy sinh tuổi trẻ cho điền kinh TP.HCM... mà nhận lấy chỉ là con số không to tướng.

Giờ đây, hàng ngày ngoài chuyện học, Phương được giao huấn luyện lứa... năng khiếu ban đầu, nghĩa là những cô, cậu bé mới chập chững làm quen với điền kinh. Làm để “nộp” lên tuyến trên cho nhiều HLV khác làm tiếp. Nhưng anh cũng chua chát thừa nhận, học trò trong tay anh đang khá, một thời gian sống trong sự kèm cặp của người khác không thể tiến nổi, chỉ số thành tích “giậm chân tại chỗ”. Tiếc tài của trò nhưng đành chịu, vì “cuộc sống nó thế!”, Phương bảo.

Nhìn cái cảnh điền kinh TP.HCM ngày càng bệ rạc, bết bát, anh và nhiều người tâm huyết buồn lắm. Nhưng có muốn giúp cũng chẳng được, vì chẳng ai cho giúp. Giá như, những nhà quản lý ở trên nhận thấy và tin dùng sử dụng những người trẻ từng thành danh trong vai VĐV, thay vì dồn việc cho một số HLV cao tuổi, không còn theo kịp sự phát triển của điền kinh hiện đại, thì có lẽ, mọi chuyện đã chẳng tan nát như ngày nay.

Bạn bè có người khuyên Phương nên tìm một công việc khác để tồn tại thay vì cứ “sống mòn” như lúc này. Nhưng cái nghiệp điền kinh như đã ngấm vào máu thịt của mình, nên Phương quyết theo đuổi đến cùng, dù biết chắc tương lai sẽ lắm chông gai. Với lại, mười mấy năm trời cống hiến cho điền kinh TP.HCM và ĐTQG, có rảnh rỗi bao giờ đâu mà học lấy một cái nghề khác. Phương hay nhiều VĐV điền kinh ở TP.HCM cũng vậy thôi, bị vắt kiệt như một trái chanh, xong thì... bỏ!
 
Nguyễn Vân
 
Giờ đây Phương chỉ muốn người ta nhớ đến mình với cái tên mới. Thậm chí, ngay cả việc đưa lại những tấm hình của anh ở thời điểm vinh quang dưới cái tên Bảo Huy cũng làm anh cảm thấy tự xót xa.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm