Tiểu thuyết tình báo 'Phần đời kẻ khác': Thời chiến hay thời bình đều có gián điệp

16/09/2015 12:14 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Thể loại tiểu thuyết tình báo ở ta rất ít người viết. Theo nhiều người thích thể loại này cho biết, chỉ có X 30 phá lưới của Đặng Thanh, Ván bài lật ngửa của Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) từ hàng chục năm trước.

NXB Văn hóa Văn nghệ vừa ấn hành tiểu thuyết tình báo Phần đời kẻ khác của hai tác giả Hà – Loan. Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với nhà văn Lâm Hà, người quyết định nội dung tiểu thuyết này, liên quan đến việc hai tác giả cùng sáng tạo nên một tác phẩm.

* Thể loại tiểu thuyết tình báo rất kén người viết ở ta, thường thì thể loại này lấy bối cảnh thời chiến tranh. Tại sao anh lại mở đầu Phần đời kẻ khác với cảnh một vụ nổ năm 2012?

- Theo ý tôi thì thể loại tình báo không hề kén người viết lẫn người đọc ở bất cứ quốc gia nào. Trong thực tế thì hoạt động tình báo và phản gián luôn là hai mặt sống còn của an ninh quốc gia. Napoléon có nói “Mỗi gián điệp bằng một đạo quân”.


Nhà văn Lâm Hà

Vì vậy, thời chiến tranh hay thời bình thì hoạt động này vẫn diễn ra, khác chăng ở mức độ thể hiện mà thôi. Khi mở đầu câu chuyện bằng một vụ nổ đầu năm 2012 với xe ô tô, tôi chỉ muốn sự kiện này dễ gần với bối cảnh thời sự cuối năm 2011, đầu năm 2012 về những vụ nổ xe với những nghi kỵ về chất lượng nhiên liệu và hấp dẫn bạn đọc hơn.

* Trong sáng tạo văn chương thường là cá nhân, nhưng Phần đời kẻ khác lại có hai tác giả. Xin hỏi giữa anh và tác giả Vũ Đức Loan ai giữ phần chính và có xẩy ra tranh luận giữa hai người khi cùng chấp bút?

- Đúng là văn chương mang tính cá nhân, nhưng không hề xảy ra tranh luận giữa tôi và Đức Loan với tác phẩm Phần đời kẻ khác. Thứ nhất vì hai chúng tôi rất thân và hiểu nhau. Thứ hai, trong tác phẩm này, mô típ bi kịch vì hiểu nhầm mình loạn luân xuất phát từ truyện ngắn Bóng tối và ánh sáng của Vũ Đức Loan mà tôi biên tập, hiệu đính từng in trên báo năm 2010.

Nghĩa là dù phần chính thuộc về tôi với hai câu chuyện tình báo và phản gián, nhưng không thể không ghi nhận sự đóng góp của Đức Loan để có một mảng nội dung khơi gợi xung đột kịch giữa các nhân vật. Cùng với quan hệ bạn học xa xưa cũng như là thông gia hiện nay của hai chúng tôi, tôi nghĩ đứng tên cùng nhau là một kỷ niệm đẹp trong quan hệ của chúng tôi với nhau sau ngần ấy năm.


Bìa cuốn "Phần đời kẻ khác"

* Nhà văn Trần Thanh Giao nhận xét hai tác giả đã đi sâu quá nhiều vào chuyên môn của ngành tình báo khiến cho tiểu thuyết này “nặng nề” nhưng sau đó lại thấy cần thiết cho các tình tiết diễn ra. Xin hỏi hai tác giả đã tham khảo chuyên môn này từ những thông tin nào hay đây cũng là hư cấu?

- Với tư cách là người chịu trách nhiệm thể hiện nội dung, tôi tham khảo chuyên môn của ngành tình báo các quốc gia qua sách báo để rồi thể hiện chính xác về cơ cấu hoạt động, địa điểm cũng như trang bị nhưng tất nhiên nhân vật và tình tiết hoàn toàn hư cấu.

* Phần đời kẻ khác hơn 400 trang, chữ lại in rất nhỏ, hiểu một nghĩa nào đó là khó đọc cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Để có một cuốn tiểu thuyết tình báo “khó đọc” như thế này, hẳn hai tác giả đã phải làm việc rất nhiều và “hợp tác” phải thật ăn ý, thưa anh?

- Vâng. Như đã trả lời ở trên, do chúng tôi có quan hệ với nhau rất tốt nên quyền quyết định của cá nhân người quyết định nội dung là tôi được tôn trọng tuyệt đối, yếu tố “hợp tác” như bạn vừa nêu chính ở chỗ mỗi người đều tôn trọng sự khác biệt của nhau cho mục tiêu chính là tác phẩm.

Phần đời kẻ khác là một cuốn tiểu thuyết tôi nghĩ là có nghề, có cỡ và rất đáng đọc, một thể loại tiểu thuyết được tìm đọc trên thế giới nhưng là của hiếm ở nước ta” – nhà văn Trần Thanh Giao.

Thanh Kiều (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm