Tế Hanh - Chảy mãi một dòng sông

18/07/2009 16:22 GMT+7 | Bạn đọc viết

(Nhân đọc bài “Thân tại Hà Thành hồn xuôi xứ Quảng”)

Mùa hè năm 1965. Hàng chục vạn trẻ em Hà Nội rời thành phố thân yêu để sơ tán về các miền quê tránh bom đạn Mỹ. Tôi đâu ngờ, sự di chuyển ấy đã cho mình cơ hội được học bài thơ "Nhớ con sông quê hương" của thi nhân Tế Hanh trong chương trình lớp 7 một cánh thấm đẫm thực tế hơn.

Nhà thơ Tế Hanh - những ngày mạnh khỏe và hạnh phúc


Chả là, nơi mấy anh em tôi ngụ cư chỉ cách cầu Cẩm Giàng (Hải Dương) mấy cây số. Một buổi giữa học kỳ I, nhà trường phổ biến "tối nay học sinh lớp 7 đi lao động ở trận địa pháo gần cầu Cẩm Giàng". Lũ học trò "nhất quỷ, nhì ma..." reo toáng lên khi nghe "lệnh", đứa nào cũng háo hức mong trời mau tối. Rồi đêm buông, tất cả lặng lẽ theo các thầy cô dẫn vào trận địa.
 Nói là "lao động" cho oai, chứ thực ra chỉ là mang rất nhiều cành cây được dân quân đưa tới từ cuối chiều, gài quanh các ụ pháo. Cành nào vừa yên vị, đã rung rinh lay động ngay theo gió từ mặt sông có cầu bắc qua thổi tới. Đã vài lần qua cầu ấy, biết nó chỉ dài hơn 30m và sông cũng không rộng, mà sao lúc này gió vẫn mạnh, vẫn đầy hơi mát thế. Lúc nghỉ giải lao, các anh bộ đội và tất cả học sinh cùng im lặng nghe một bạn gái đọc thuộc bài thơ vừa được học hôm trước: "Quê hương ơi, lòng tôi cũng như sông/ Tình Bắc Nam chung chảy một dòng/ Không ghềnh thác nào ngăn cản được/Tôi sẽ đến nơi tôi hằng mong ước/ Tôi sẽ về sông nước của quê hương/ Tôi sẽ về sông nước của tình thương....". Im lặng im rất lâu rồi mới bùng lên tràng vỗ tay. Và dòng tên Tế Hanh thêm tạc sâu vào trí nhớ của tôi.

Hết năm lớp 7 ấy, một số bạn nam đã đủ tuổi nhập ngũ trực tiếp góp cho "không ghềnh thác nào ngăn cản được". Tôi học thêm vài năm, rồi đi làm ở một ngành vận tải ít được tuyển quân, có mối tình đầu không suôn sẻ đã "viện dẫn" đến thơ ông "Cơn bão nghiêng đêm cây gãy cành bay lá/ Anh nắm tay em cùng qua đường cho khỏi ngã" để tự an ủi mình. Đến một bài của ông trong chùm in trên tạp chí "Tác phẩm mới" năm 1973 thì tôi đã lần đầu bình thơ trước họp tổ sản xuất của mình: "Chiến tranh xóa sạch cửa nhà/ Vườn - trường - đường - ngõ đều là hố bom/ Bây chừ cây mọc xanh um/ Chiến tranh bị xoa dưới vòm lá tươi". Những câu lục bát giản dị mà đầy hào sảng như giúp cả tổ khỏe hơn sau giờ giải lao.

Nhà thơ Tế Hanh (thứ 2 từ phải sang) cùng các nhà thơ Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn


Hơn 30 năm nay, tôi sống ở thị trấn ngoại thành Hà Nội. Cứ mỗi dịp sắp Tết lại tăng dịp vào nội thành có đôi bên nội ngoại đang ở, tôi lại thêm lần nhẩm đọc trong kinh ngạc hai câu thơ của ông: "Tôi từ nội thành ra ngoại thành/ Lại gặp mùa xuân đi ngược lại", với hiểu rằng phải là người thiết tha yêu cuộc sống lắm lắm thì mới nhận biết được "mùa xuân" chuyển động" ấy.

Bây giờ thì, người thứ 45 trong 46 tác giả thơ lọt vào "Thi nhân Việt Nam" đã ra đi sau 10 năm bị cơn đột quỵ kéo dài. Sự sống đã, mà như chưa ngừng nơi ông. Dòng sông Tế Hanh góp vào đại dương thi ca nước Việt mình, còn chảy mãi, chảy mãi mãi...

Nguyễn Quang Vinh
(Số nhà 86, tổ 36, thị trấn Đông Anh - Hà Nội)



Bài thơ kính viếng Tế Hanh

Tôi đến thăm ông nhà số 10*
Nhưng thường không lên gác
Lẽ giản đơn tôi không muốn làm ông tỉnh giấc
Sợ làm lay động cõi hồn ông
 
Rong ruổi Nam Bắc Tây Đông
Nhớ con sông quê hương
Bài thơ tình ở Hàng Châu
Hai nửa yêu thương…
Ông gửi hết lại rồi

Một ngày kia ông không tỉnh nữa
Hồn ông đi đò dọc
Qua vạn dòng sông Mê
Thân tại Hà thành, hồn xuôi Quảng
May hay rủi đây?
 
Tội nghiệp cho đời anh biết mấy
Trăm năm chưa hẳn vết thương lành.
 
Tân Linh (nhà thơ)
* Nhà số 10 Nguyễn Thượng Hiền, HN, nơi ở của nhà thơ
  Những dòng in nghiêng là tác phẩm, hoặc câu thơ của Tế Hanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm