Rodman, người bắc cầu quan hệ Mỹ-Triều

04/03/2019 07:25 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sẽ là một thiếu sót lớn nếu bỏ qua Dennis Rodman, một cựu ngôi sao bóng rồ đóng vai trò truyền cảm hứng cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Bằng cách nào ông tác động tới cả hai nhà lãnh đạo: Donald Trump và Kim Jong Un?

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều 2019: Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều 2019: Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam

 

25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt 20%. Cùng với đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn.

Nhiều độc giả sẽ thắc mắc: Rodman là ai? Những khán giả yêu bóng rổ sẽ không xa lạ cái tên này. Ông đã trải qua hai thập kỷ sự nghiệp bóng rổ khá thành công, bắt đầu từ 1986 đến 2006. Trong khoảng thời gian ấy, Rodman từng chơi cho những CLB bóng rổ hàng đầu của giải nhà nghề Mỹ (NBA) như San Antonio Spurs (1993-95) hay Chicago Bulls (1995-98). Riêng ở Chicago Bulls, ông có vinh dự sát cánh cùng huyền thoại bóng rổ Michael Jordan. Đến năm 2006, ông chính thức giải nghệ.

Một người bạn của Kim Jong Un

Rời xa những cú ném rổ, Rodman tham gia vào môn đấu vật một thời gian, trước khi bước chân vào sự nghiệp chính trị. Mối liên hệ của ông với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt đầu từ chuyến viếng thăm Triều Tiên đầu năm 2013 do một công ty truyền thông có tên Vice Media tài trợ. Đó là một sự kiện được gắn mác “ngoại giao bóng rổ”, dùng thể thao làm ôn hòa những căng thẳng chính trị. Đáng chú ý, Kim Jong Un chính là một cổ động viên đặc biệt của Chicago Bulls, CLB Rodman từng thi đấu trong ba mùa giải. Ngay sau chuyến đi đầu tiên, Rodman khẳng định ông Kim Jong Un là bạn thân suốt đời của mình.

Rodman không mất nhiều thời gian để có những chuyến đi tiếp theo tới đất nước này. Một năm sau, ông có mặt ở Triều Tiên để theo dõi trận đấu giữa đội bóng rổ Triều Tiên và các cựu ngôi sao NBA, rồi sau đó cùng các VĐV hát mừng sinh nhật Kim Jong Un. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng trực tiếp theo dõi trận đấu này.

Đầu năm 2017, thời điểm Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, Rodman lại tới Bình Nhưỡng, tặng cuốn sách của Trump có tên “The Art of the Deal” (Nghệ thuật đàm phán) cho Bộ trưởng thể thao Triều Tiên Kim Il Guk. Dù phía chính quyền Trump khẳng định Rodman không hề đóng bất cứ vai trò ngoại giao nào với Triều Tiên, người đàn ông sinh ở New Jersey vẫn cảm thấy tự hào với những gì mình đã làm trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN: “Tôi rất hạnh phúc. Tôi nói với mọi người sẽ có một cánh cửa mở ra. Khi tôi trở về Mỹ, tôi nhận được những lời đe dọa tính mạng. Tôi phải ẩn mình suốt 30 ngày, nhưng vẫn tin tưởng mọi thứ sẽ thay đổi”.

Cảm hứng cho hội nghị Mỹ-Triều

Một chi tiết khá thú vị: Rodman cũng là một trong những người ủng hộ Trump ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Cách đây 4 năm, ông viết trang Twitter cá nhân của mình thể hiện mong muốn Trump sẽ trúng cử: “Donald Trump là một người bạn tốt trong nhiều năm qua. Chúng ta không cần một chính trị gia, chúng ta cần một doanh nhân tranh cử như ông Trump”.

Tháng 6 năm ngoái, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần đầu tiên diễn ra ở Singapore. Rodman, người tự xưng là Đại sứ thiện chí Triều Tiên, cũng có mặt trong thời gian diễn ra sự kiện. Ông mặc áo với dòng chữ “Peace starts in Singapore” (Hòa bình bắt đầu ở Singapore), cùng chiếc mũ “Make America Great Again” (tạm dịch: Nước Mỹ vĩ đại một lần nữa). Rodman không giấu được nước mắt trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh CNN. Trong cuộc phỏng vấn ấy, người đàn ông 57 tuổi này khẳng định phía Nhà Trắng đã gọi điện để ghi nhận công lao của ông: “Donald Trump rất tự hào và muốn gửi lời cảm ơn tới ông”. Bản thân Trump cũng dành những lời tích cực khi nhắc tới Rodman: “Tôi thích Rodman. Đó là một VĐV ném rổ vĩ đại. Ông ta biết mình nghĩ gì”.

Đáng tiếc, Rodman không xuất hiện trong thời gian diễn ra hội nghị thượng định Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà nội. Tuy nhiên, ông vẫn gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến hội nghị qua một lá thư gửi đến Tổng thống Trump được đăng trên trang Twitter cá nhân của mình. Trong thư có đoạn: “Trump, ông đang đứng trước ngưỡng cửa của một dấu mốc tuyệt vời. Một sự kiện có thể giúp ông trở thành ứng viên hàng đầu cho giải thưởng Nobel hòa bình. Tôi luôn ủng hộ ông vô điều kiện. Tôi chúc ông và ngài Kim Jong Un may mắn trong hội nghị lần thứ hai này”.

Bất luận hội nghị ở Hà Nội thu được bất cứ thành công nào hay không, những đóng góp của Rodman đã vượt ra ngoài địa hạt thể thao. Những gì ông làm được sẽ là một phần quan trọng trong quá trình kiến tạo hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên trong tương lai.

Đức Hùng (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm