Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn: 'Tổ chức các giải VĐQG trong 2 tháng cuối năm'

20/10/2021 07:07 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Kế hoạch tổ chức giải VĐQG các môn thể thao thành tích cao trong điều kiện bình thường mới đang được Tổng cục TDTT nỗ lực triển khai. Mục tiêu đặt ra là cố gắng tổ chức hết các giải đấu chưa diễn ra trong quãng thời gian từ nay đến cuối năm 2021 nhằm tạo điều kiện thuận lợi để VĐV củng cố trình độ chuyên môn, theo khẳng định của Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn.

7 tháng cho một SEA Games nhiều kỳ vọng

7 tháng cho một SEA Games nhiều kỳ vọng

Việc Việt Nam khẳng định tiếp tục đăng cai tổ chức SEA Games 31 là tin rất vui. Dù thế, vẫn còn đó nhiều nỗi lo khi chúng ta chỉ còn 7 tháng để chuẩn bị cho sứ mệnh: “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.

Còn 80% số lượng giải VĐQG chưa được tổ chức

* Thể thao& Văn hóa: Thưa ông Trần Đức Phấn, khôi phục hệ thống thi đấu các môn thể thao thành tích cao, đặc biệt là các giải VĐQG trong điều kiện bình thường mới được Tổng cục TDTT coi là nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV-2021 và kế hoạch này đang được triển khai như thế nào?

- Ông Trần Đức Phấn: Từ đầu tháng 10/2021, Tổng cục TDTT đã xây dựng kế hoạch để khôi phục hệ thống thi đấu các môn thể thao thành tích cao và đến nay vẫn đang nỗ lực để triển khai. Thống kê sơ bộ cho thấy, ngoài một số giải đấu đã diễn ra thành công, đến nay, mới có khoảng 20% số giải VĐQG các môn được tổ chức. Như vậy, còn tới 80% số lượng các giải chưa diễn ra và ngành thể thao sẽ cố gắng để tổ chức trong năm nay.

Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và ngành thể thao căn cứ vào nghị quyết này để điều chỉnh một số nội dung trong kế hoạch tổ chức các giải cho phù hợp với quy định chung. Mục tiêu đặt ra là cố gắng tổ chức hết các giải để làm căn cứ đánh giá phong độ và thành tích chuyên môn của các VĐV sau quãng thời gian bị gián đoạn hay ngưng trệ quá trình tập luyện.

Thực tế, đây là nhiệm vụ rất nhiều khó khăn và thử thách, còn tùy thuộc rất nhiều vào diễn biến và tình hình dịch bệnh chung trên cả nước nhưng trước tiên ngành thể thao cần cố gắng. Quan trọng nhất là những người làm chuyên môn ở từng môn phải xây dựng được kế hoạch tổ chức chi tiết và đầy đủ. Trong quá trình triển khai sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm và đánh giá cụ thể để công tác tổ chức diễn ra đúng như dự kiến.

Chú thích ảnh
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT ông Trần Đức Phấn

Việc tổ chức thi đấu được đặt ra hết sức cấp thiết, bởi đây là cơ sở quan trọng nhất, chính xác nhất để đánh giá trình độ VĐV. Đặc biệt, trong năm 2022, thể thao Việt Nam có rất nhiều nhiệm vụ ở các đại hội thể thao quốc tế lớn. Nhiều VĐV đã tập “chay” từ đầu năm 2021 tới nay và chắc chắn là không thể cứ ngồi chờ mãi được, không thi đấu thì rất khó để đánh giá thành tích, chưa nói đến việc sa sút phong độ.

Ngành thể thao phối hợp với địa phương cùng khắc phục khó khăn

* Theo như thông tin ông vừa chia sẻ, mục tiêu về tổ chức thi đấu ngành thể thao đặt ra là như vậy nhưng chắc chắn khi triển khai sẽ có không ít khó khăn. Điều chúng ta dễ nhận thấy ngay lúc này là tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương là khác nhau và khó khăn này sẽ được khắc phục như thế nào?

- Thực tế đúng là như vậy, qua thăm dò và tham khảo ý kiến các địa phương về việc tổ chức giải, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến và đóng góp khác nhau. Có những địa phương thì việc tổ chức hay tham gia thuận lợi hơn nhưng cũng có nơi thì còn vướng mắc hay chút “lăn tăn” vì thực tế là mức độ và khả năng kiểm soát dịch bệnh ở các địa phương không như nhau. Phía Tổng cục TDTT trao đổi thường xuyên với các địa phương để nắm tình hình, trên cơ sở đó đặt ra các yêu cầu cụ thể về chuyên môn.

Để tổ chức được các giải đấu, trước tiên cần tuân thủ theo quy định chung của Chính phủ và sau đó, căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương đăng cai để xây dựng phương án chống dịch cho phù hợp. Tuy nhiên, căn cứ vào tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tôi cho rằng, việc tổ chức thi đấu sẽ thuận lợi hơn so với thời điểm trước đây.

Chú thích ảnh
Theo ông Phấn thì 2 trận Vòng loại thứ 3 World Cup trên sân Mỹ Đình dự kiến sẽ có khán giả vào sân. Ảnh: Hoàng Linh

* Việc tổ chức các giải đấu cần đặt yếu tố an toàn lên trên hết và đây là thách thức không nhỏ, thậm chí sẽ có những địa phương gần như không thể tổ chức hoặc cử VĐV tham gia. Quan điểm của Tổng cục TDTT về vấn đề này như thế nào?

- Hiện tại phương án tổ chức mà ngành thể thao xây dựng ở từng môn đều được gửi đi các địa phương và chờ đợi phản hồi chính thức. Như tôi đề cập ở trên, còn tới 80% số môn chưa được tổ chức và ngay cả khi chỉ tổ chức giải VĐQG thôi cũng đã phải rất cố gắng rồi. Tình hình thực tế cho thấy, việc tổ chức là cần thiết và trong trường hợp nếu có địa phương không thể cử VĐV tham dự thì cũng đành phải chấp nhận. Điều ngành thể thao mong muốn là các địa phương cùng chung tay tháo gỡ khó khăn và tìm phương án hiệu quả để đạt được mục đích chung.

Như tôi đã chia sẻ trước đây, tổ chức thi đấu trong tình vẫn còn dịch bệnh thì chắc chắn công tác chuẩn bị sẽ phải kỹ lưỡng hơn, tốn nhiều công sức hơn và tốn kém kinh phí hơn so với khi tổ chức trong điều kiện bình thường. Nhưng không thể vì thế mà tất cả chờ đợi đến khi nào dịch bệnh hết hoàn toàn. Chúng tôi đang nỗ lực để có thể tổ chức một giải đấu ở môn cá nhân và một giải đấu ở môn tập thể trong thời điểm cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Hiện tại chỉ còn đợi khẳng định của một vài địa phương là có thể triển khai.

Tổ chức 2 trận đấu vòng loại World Cup 2022 trên sân Mỹ Đình có khán giả

* Hiện nay một vấn đề mà người hâm mộ thể thao rất quan tâm là công tác tổ chức 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 trên sân Mỹ Đình. Hiện tại, quá trình sửa chữa một số hạng mục tại sân Mỹ Đình đã được thực hiện như thế nào và có đáp ứng đúng yêu cầu về thời gian như kế hoạch đặt ra?

- Theo chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT đã phối hợp rất chặt chẽ cũng với Khu Liên hợp thể thao quốc gia và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong quá trình tu bổ, sữa chữa một số hạng mục tại sân vận động Mỹ Đình trong thời gian qua. Lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng giám sát chặt chẽ và kiểm tra thường xuyên tiến độ quá trình sửa chữa. Sau cuộc kiểm tra vào sáng ngày 19/10, về cơ bản, những yêu cầu đặt ra về tiến độ và chất lượng sửa chữa các hạng mục như mặt cỏ, các phòng chức năng như phòng trọng tài, phòng thay đồ của 2 đội, phòng VAR, phòng giám sát của AFC và phòng họp báo… đều diễn ra theo đúng kế hoạch. Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đáp ứng các yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá châu Á về cơ sở vật chất để tổ chức 2 trận đấu tới.

* Ngoài việc đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất để tổ chức thi đấu vòng loại World Cup 2022, ngành thể thao có phương án như thế nào để có thể đón khán giả tới sân cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam ở 2 trận đấu diễn ra trong tháng 11 tới?

- Trong ngày 20/10, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL sẽ chủ trì một cuộc họp với các bộ ngành, địa phương và các đơn vị liên quan để bàn về phương án tổ chức 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam diễn ra vào ngày 11/11 (gặp đội tuyển Nhật Bản) và ngày 16/11 (gặp đội tuyển Saudi Arabia). Mong muốn của ngành thể thao là xây dựng các phương án để khán giả có thể vào sân cổ vũ cho thầy trò HLV Park Hang Seo thi đấu. Để thực hiện được mong muốn này chắc chắn sẽ có nhiều điều kiện khác theo và phải bàn bạc rất kỹ, sau đó xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan cấp trên có thẩm quyền. Ngoài ra cũng sẽ phải tham khảo thêm khuyến cáo của Liên đoàn Bóng đá châu Á, ví dụ như chỉ cho phép dưới 50% lượng khán giả vào sân so với sức chứa của khán đài. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin cụ thể về vấn đề này sau khi có quyết định chính thức.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Vũ Lê (thực hiện)

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm