PGS.TS Nguyễn Tá Nhí: Người gắn bó với hương ước Thăng Long

04/05/2010 13:03 GMT+7 | Người Hà Nội

Xuất thân đất học

PGS Nguyễn Tá Nhí quê ở vùng đất khoa bảng Thanh Oai, với những danh sĩ tiền bối rất nổi tiếng như Đoàn Huyên, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Sĩ… nên ông có điều kiện tiếp xúc với văn hóa cổ. Tuy nhà làm nghề nông, nhưng các cụ đều biết chữ Hán, cha ông từng mở lớp dạy chữ Hán tại nhà.

Năm 1964, ông đỗ ĐH Nông nghiệp, theo lời khuyên của bố, năm sau ông thi lại vào ĐH Sư phạm Ngoại ngữ, học khoa Trung Văn. Ra trường, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy khoa Trung Văn trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Đó chính là nhân duyên để ông theo đuổi và yêu thích chữ Hán. Dạy học được 4 năm, đến đầu năm 1973 việc dạy tiếng Trung ở bậc phổ thông hạn chế, vì vậy quy mô đào tạo trường Sư phạm hẹp lại. Thời điểm đó, UB KHXH mở lớp Hán Nôm nên ông về tham gia lớp chuyên tu khóa 2 và làm việc ở Viện Hán Nôm 38 năm từ đó đến lúc nghỉ hưu.

Trong học tập Hán Nôm, có một cơ duyên may mắn là thế hệ ông được học trực tiếp từ các bậc nho học xưa. Thầy giáo là cụ Lê Thước - người đỗ giải nguyên cuối cùng, là học giả Đào Duy Anh, là GS Nguyễn Sĩ Lâm và ảnh hưởng lớn nhất là cụ Đỗ Ngọc Toại, người làng Đông Ngạc, thân phụ của  Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Quốc Sam.

Khi dạy học, các cụ rất chú trọng tính mực thước của chữ nghĩa và rèn học trò theo tinh thần nhà Nho là Tiên học lễ, hậu học văn. Sau khi học tiếng Trung, ông lại được nhà trường cho đi học Ngôn ngữ học do Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trực tiếp giảng dạy. Từ năm 1977 đến năm 1981 ông lại tiếp tục đi học văn bằng 2 tiếng Pháp.

PGS Nguyễn Tá Nhí là người đã biên khảo từ điển chữ Nôm. Dự tính có khoảng 15 nghìn chữ Nôm. Trong cuốn sách xuất bản năm 2009 ông đã đưa vào đó 12 nghìn chữ, sau này tái bản sẽ đưa thêm 3000 chữ nữa.

 

Hương ước Hà Nội

"Tuyển tập Hương ước Thăng Long - Hà Nội" của ông cùng các đồng nghiệp bắt đầu thực hiện từ tháng 8 năm 2009, trong đó có chuyển dịch 60 bản Hương ước của các làng xã Hà Nội. Tiêu chí lựa chọn là các bản hương ước cổ có giá trị, như hương ước làng Dương Liễu - Hoài Đức có từ đời vua Lê Cảnh Thịnh, thứ hai là nhằm giới thiệu về các làng nghề như hương ước của phường Long Đằng ở Đông Ngạc, Từ Liêm.

Theo PGS Nguyễn Tá Nhí, một bản hương ước ngắn có khoảng 12 điều, bản hương ước dài thì khoảng 300 điều. Đó là các quy tắc sống của các thành viên trong một cộng đồng làng xã, thường có thể khái quát 7 nội dung: sản xuất lao động; trật tự trị an, bảo vệ làng xóm; giao thông vận tải, đi lại, đường xá; khuyến học, khuyến khích người tài; thờ cúng, tâm linh, tôn giáo; quan hệ ứng xử liên quan đến tập tục, chủ yếu là hiếu hỉ; và cuối cùng là những biện pháp duy trì hương ước.

Theo ông, biện pháp duy trì hương ước là điều quan trọng nhất. Thường có 5 biện pháp, nhẹ nhất là trừng phạt về kinh tế như phạt tiền; thứ 2 là bắt lao động công ích, bắt đi quét đình, đắp đường; thứ 3 là hạn chế quyền lợi về chính trị xã hội như tẩy chay không cho vào đình, không cho tham dự việc làng mấy năm và những người trong làng không tham gia vào công việc của người vi phạm hương ước như cưới con không ai đến, bố mẹ mất không ai khênh; thứ tư là tẩy chay đuổi ra khỏi làng; thứ năm là thề thốt trước thần linh.

Hương ước của làng Cổ Pháp, xã Phụng Châu huyện Chương Mỹ là hương ước khắc trên bia đá. Hàng năm vào dịp hội làng, chủ tế mang bản hương ước ra cùng với một cái búa, hòn đá, đặt lễ vật trước bia đá, sau khi đọc lại các điều khoản của hương ước, ai vi phạm hương ước này thì “thần linh tru diệt”. Sau đó chủ tế lấy búa đập vỡ viên đá ra. Điều đó như thể thề độc trước thần linh.

Để có được những bản hương ước cổ, PGS Nguyễn Tá Nhí đã nhiều năm lặn lội lang thang khắp những ngôi làng cổ của Hà Nội và xứ Đoài xưa. Như ở xã Quảng Phú Cầu - Ứng Hòa, người làng còn giữ được bản hương ước rất cổ, cả đêm ông Phó Chủ tịch xã ngồi chong đèn để PGS Nguyễn Tá Nhí dịch hương ước cho làng.

 

Ảnh hưởng của hương ước đất Kinh kì

Đất Kinh đô Thăng Long cũ rất nhỏ, nên không chỉ Hà Tây mà cả 4 vùng xung quanh gọi là tứ trấn, trấn đông là Hải Dương, trấn Bắc là Kinh Bắc, Bắc Ninh, trấn tây là Sơn Tây, trấn nam gọi là vùng Sơn Nam. Vùng đất sát nhập Hà Tây với Hà Nội chính là Sơn Nam và Sơn Tây, vốn có sự giao thoa văn hóa từ xưa. Những người có năng lực tài giỏi đến làm quan ở thủ đô và khi mà thôi không làm quan nữa thì ở những vùng quanh Hà Nội như cụ Phạm Quý Thích, Vũ Tông Phan vốn quê ở Hải Dương, rồi dòng họ cụ Phan Huy Ích thì về ở Hà Tây. Như vậy vùng đất Hà Nội mở rộng thực chất gắn bó rất chặt với Thăng Long. Đến một thời kì mà hương ước được soạn ra nhiều, trong luật thời Hồng Đức có quy định, những người soạn hương ước phải là những người có học thức, có trình độ mới được làm công việc ấy.

Do vậy, những người tham gia soạn thảo hương ước có thể là những vị đã từng làm quan ở kinh kỳ Thăng Long sau đó quay trở về, mang những văn minh, văn hóa Kinh kì quay trở lại xây dựng quê hương. Tiêu biểu như ba cha con ông Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân, Nguyễn Quý Kính, 3 đời được thờ làm thành hoàng làng, khi về hưu đều về ở làng hết. Ông Nguyễn Quý Đức xây dựng một ngôi nhà gọi là Lạc Thọ Đình để mời mọi người đến, những điều khoản trong hương ước làng đều có ý kiến của ông.

Có thể thấy hương ước của vùng đất Hà Nội cũ với vùng đất Hà Nội mở rộng gắn bó chặt chẽ với nhau và dường như khó tìm thấy sự khác biệt lớn.

Những hương ước ở khu vực nội thành Hà Nội cũ chủ yếu vẫn là hương ước của các làng, phường. Như hương ước đình Thổ Quan, đình Kim Ngân ở phố Hàng Bạc. Phường là những đơn vị cư dân có nghề nghiệp gần giống nhau, có thể là kinh doanh buôn bán hay sản xuất mặt hàng gì đó, gọi là hương ước của làng nghề với nhau. Liên kết của các phường ngày xưa mang tính chất ràng buộc nghề nghiệp. Còn những “hương ước phố”, thực chất là hương ước của những làng Việt cổ đã được “đô thị hóa”.

Luật nước và lệ làng (hương ước) dường như luôn là khung  pháp lý cho sự tồn tại và giúp cho mọi thế hệ người Việt Nam tồn tại và phát triển trong mọi thăng trầm của lịch sử. Luật nước phải dựa vào lệ làng mà "thẩm thấu" vào đời sống xã hội. Lời tựa hương ước làng Tây Mỗ viết: "Đối với làng tức là đối với nước, vì góp làng lại thành nước, làng là gốc nước, làng có hay thì nước mới thịnh vậy"... Hương ước làng Thổ Khối, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm viết: "Làng có luân lý, ăn ở cho phải đạo có khoán ước ràng buộc cho hợp lệ, cũng như Nhà nước có quy thức, luật lệ để khuyên căn, ngăn cấm lòng dân, chính là nghĩa trời sinh đặt nước làm vậy..."

Hương ước cho thấy, tổ tiên đã có các nguyên tắc sống ra sao, đối nhân xử thế thế nào. Những nghiên cứu về hương ước như công trình của PGS.TS Nguyễn Tá Nhí giúp cho chúng ta hiểu thêm quá khứ, hiểu thêm về đời sống của cha ông ở chính đất Thăng Long - Hà Nội.

 

T.Vinh – T.Vi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm