Ơn Chúa, Wimbledon đã có tie-break set cuối

27/10/2018 07:00 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Wimbledon, giải đấu lâu đời và danh giá bậc nhất trong hệ thống Grand Slam, vừa có một quyết định mang tính lịch sử: sẽ áp dụng loạt tie-break ở set đấu cuối cùng của một trận đấu.

Xếp hạng ATP hậu Wimbledon: Andy Murray đứng dưới cả… Lý Hoàng Nam

Xếp hạng ATP hậu Wimbledon: Andy Murray đứng dưới cả… Lý Hoàng Nam

Bạn có thể không tin, nhưng Andy Murray, siêu sao từng ba lần vô địch Grand Slam, hiện đang xếp dưới tay vợt Lý Hoàng Nam của Việt Nam đến gần... 300 bậc.

Có thể nhiều người cho rằng đó chỉ là một chi tiết nhỏ nhặt, nhưng nếu ở vào tâm trạng của John Isner và Nicolas Mahut chẳng hạn, có thể bạn sẽ thấy đó là một cuộc cách mạng lớn.

Tạm biệt những màn tra tấn thể lực

Đó là một ngày hè cuối tháng Sáu năm 2010, John Insner và Nicolas Mahut đã trải qua trận đấu kỷ lục trải dài qua 3 ngày, với tỷ số 6-4, 3-6, 6-7 (7), 7-6 (3), 70-68. Hai tay vợt đã tung ra đến 216 cú ace (giao bóng ăn điểm trực tiếp) trong suốt hơn 11 tiếng đồng hồ ấy. Kết thúc trận đấu, trong khi Isner mệt phờ, nhưng vẫn cố mở nụ cười nhẹ nhõm thì Mahut phải nhờ HLV dìu vào phòng thay đồ và gần như không thở nổi. Ban tổ chức đã phải gọi cấp cứu cho anh.

Những kiến nghị về việc đưa loạt tie-break vào set thứ 5 càng xuất hiện nhiều hơn sau khi kết thúc Wimbledon 2018. Tại giải đấu này, Kevin Anderson đã đánh bại John Isner (lại là Isner!) với tỷ số 7-6 (6), 6-7 (5), 6-7 (9), 6-4, 26-24 trong trận bán kết dài nhất trong lịch sử Grand Slam: 6 giờ 36 phút. Có lẽ vì hao tổn quá nhiều sức lực mà ở chung kết, Kevin Anderson đã gác vợt nhanh chóng với tỷ số 2-6, 2-6, 6-7 (3) trước Novak Djokovic.

Sau 9 năm kể từ trận Isner-Mahut, người Anh mới chịu thay đổi (còn phải hỏi, họ là chúa bảo thủ) khi tuyên bố rằng từ giải đấu năm 2019, Wimbledon sẽ áp dụng loạt tie-break ở set đấu cuối cùng. Tuy nhiên, phải đến khi tỷ số là 12-12 thì loạt tie-break này mới được áp dụng. Có nghĩa là so với các giải đấu khác, những trận đấu ở Wimbledon vẫn có thể sẽ kéo dài hơn một chút.

Nhưng dù thế nào, đó vẫn là một quyết định mang đến sự dễ chịu hơn nhiều cho các tay vợt tham dự Wimbledon. Lý do: Những trận đấu muộn mà phải diễn ra với 5 set theo luật cũ rất có thể sẽ buộc phải rời sang hôm sau, và tác động rất lớn đến lịch trình tập luyện và thi đấu của các tay vợt.

Thay đổi tốt cho tất cả

Andy Murray, người phải làm khán giả ở Wimbledon vừa qua thú nhận rằng: “Là một tay vợt, tôi rất thích những trận đấu 5 set… nhưng khi lần đầu tiên phải sắm vai khán giả như thế này, tôi mới thấy nó dài dằng dặc. Thật là mệt mỏi”. Có lẽ chính những lời phàn nàn ấy đã có tác động nhất định đến quyết định bổ sung loạt tie-break vào set đấu cuối cùng ở Wimbledon. Dù thế nào, Murray vẫn đang là tay vợt vĩ đại nhất của xứ sương mù, kể từ sau thời của huyền thoại Fred Perry.

Một số người cho rằng All England Club vẫn còn quá bảo thủ khi không chấp nhận áp dụng loạt tie-break vào lúc tỷ số set cuối là 6-6, nhưng ban tổ chức Wimbledon cũng có lý do của riêng mình. Chẳng hạn, nếu áp dụng quy định ấy, sẽ không có khoảnh khắc tuyệt vời khi Rafael Nadal đánh bại Roger Federer 9-7 ở set thứ 5 của trận chung kết năm 2008.

“Số trận đấu kéo dài ở set thứ 5 thật ra cũng hiếm. Chúng tôi nghĩ rằng áp dụng tie-break khi tỷ số là 12-12 là một quy định hài hòa giữa việc trao thêm cơ hội cho các tay vợt kết thúc trận đấu, mà vẫn đảm bảo được nó sẽ kết thúc trong khung giờ hợp lý”, chủ tịch All England Club Philip Brook khẳng định.

Thay lời kết, hãy lắng nghe chia sẻ của “nhân chứng sống” John Isner: “Tôi đã nói rằng 12-12 là phù hợp. Điều đó hợp lý với cả những người thích ‘lợi thế’ và những người thích tie-break. Wimbledon có nhiều quy tắc truyền thống, nhưng nhiều người tin rằng sự thay đổi này sẽ tốt hơn ‘marathon tennis’ tốn rất nhiều sức lực!”.

Phương Chi

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm