Nhật ký mùa mưa Tây Nguyên

14/05/2009 18:05 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Ngày …tháng…năm…

         

10 giờ sáng đặt chân xuống vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên. Núi rừng trùng điệp, không khí u ám của những ngày mưa “thối đất thối cát” làm cho chiếc điện thoại di động “không có đất dụng võ” để chúng tôi có thể gọi người nhà ra đón. Bỏ ra hơn 70 nghìn thuê xe ôm mà tiếc hùi hụi vì lo bị chặt chém giống cánh xe ôm của dân miền Bắc khi thấy “gà gô” mới đến. Đường đất đỏ, xe không dính bùn đất như các loại đất khác nên các loại xe chuyên dụng của cánh xe ôm là những chiếc xe Sim Son, xe kích với phân khối lớn có khả năng “thồ” liền lúc 3 chị em tôi cùng hàng đống đồ đạc mang từ Bắc vào làm quà khiến tôi thầm bài phục các bác tài nơi đây.


          Những chiếc dốc thẳng đứng khiến tôi ngồi sau không dám nhúc nhích, khi xe lên dốc cảm giác như sắp bị trôi tuột về phía sau nếu không cố gắng để bám vào yên xe. Khi lên tới đỉnh dốc, cảm giác được đứng trên cao nhìn xuống bao quát tất cả mọi vật thật khó tả. Nhưng khi nhìn ra phía trước không thấy đâu là chân dốc bởi dốc thẳng đứng khiến cho kẻ yếu tim như tôi vừa ngồi trên xe miệng vừa lẩm nhẩm lạy “Quan Âm Bồ Tát” để cho chiếc xe xuống dốc một cách an toàn. Hình ảnh chiếc xe bị đứt phanh lao xuống dốc với tốc độ ánh sáng như vậy không biết ba chị em tôi sẽ đỡ được bao nhiêu kilômét tiền xe ôm cứ hiện lên trong đầu tôi.


          Về tới nhà tôi mới thở phào khi biết mình vẫn còn sống bởi đây là lần đầu tiên tôi biết tới núi đồi, mới biết tới cảm giác “mạnh” thực sự. Nó khác hẳn cảm giác đi trong hầm ngầm, trò bạch tuộc, trò du thuyền trong vườn phù thuỷ hay xuống 18 tầng địa ngục…của khu du lịch Suối Tiên hay Đầm Sen mà chúng tôi đã từng tham gia.


Ngày…tháng…năm…


          Tiêu, điều, cà phê, cao su, sắn… trồng trên những khu vườn kéo dài hàng mấy héc ta. Đất tơi, xốp nên chỉ cần dùng tay nhổ nhẹ cũng lên cả một “hốc” sắn sai chi chít củ. Hí hửng vì lần này được ăn thoả thích món sắn nướng, sắn luộc quen thuộc của mình nên tôi cặm cụi rửa, sắt khúc và đem luộc, đem nướng. Nướng mãi mà sắn của tôi vẫn không thơm, không bở giống như món sắn mà tôi vẫn nướng mỗi khi có dịp đi picnic cùng đám bạn khiến tôi phải chạy lên nhà hỏi các bậc “tiền bối” mới biết đó là sắn mì - loại sắn xuất khẩu dùng để làm mì. Vậy là cũng rút ra được một bài học, trước khi là việc gì cũng nên hỏi thổ địa.


Ngày…tháng…năm…


          “Mùa mưa là mùa ăn nhậu” đây là câu được lưu truyền từ ngừoi này sang ngưòi khác, nhà này sang nhà khác. Vì thế mà các cuộc nhậu diễn ra nhiều hơn, số lượng ngưòi tham gia cũng tỉ lệ nghịch với số lần nhậu. Một đặc điểm khác biệt của những người dân đã sống lâu năm ở Tây Nguyên nói chung thì việc “đã chơi phải chơi cho đã, dù cho ngày mai phải vác bị đi ăn mày thì hôm nay cũng phải chơi”. Nếu các bạn nhậu có nhã ý với món thịt gà, chủ nhà sẽ sẵn sàng vác súng ra vườn bắn gà về đãi. Còn nếu ai muốn ăn gì thì cứ tự nhiên dắt xe ra chợ mua về, cách ăn uống của người Tây Nguyên cũng làm cho tôi thấy thích thú. Khách tới chơi nhà hỏi chủ nhà có còn cơm không hay hôm nay tôi ăn cơm ở đây nhé, chủ nhà có thể đi nấu, còn nếu bận thì khách tự đi chợ và nấu. Khách tới nhà, gặp bữa ăn nếu thấy đói sẽ tự ngồi xuống ăn, không ai có thói quen mời chào giống ngưòi Bắc kỳ. Khi vào bữa nhậu, các món ăn cũng đơn giản chỉ vài món nhưng cũng đã đủ đãi tới hàng chục bạn nhậu. Bởi nhậu ở đây “mồi” không phải là yếu tố chính mà thay vào đó là rượu nếp trắng. Đàn ông ở đây ai cũng biết uống và tửu lượng cũng thuộc hàng có máu mặt nên việc uống rượu không phải bằng chén như của người miền Bắc vẫn dùng mà là “chén” – cách gọi bát của người Tây Nguyên.


          Những bữa nhậu có thịt thú rừng luôn thu hút được rất nhiều tay nhậu siêu hạng nên nhà nào có thú rừng thì tay nhậu như cậu tôi cũng biết và chúng tôi lại được đi ăn ghé dù có thể là chủ nhân bữa nhậu không biết chúng tôi là ai.


Ngày…tháng…năm…

          Mưa Tây Nguyên mới thực sự khủng khiếp, những cơn mưa như trút nước đổ xuống cuốn theo đất đá xuống các kênh rạch tạo thành một màu đỏ au. Sống ở Tây Nguyên hơn 1 tuần mà tôi không dám tự điều khiển xe mô tô mà phải luôn có người xế mỗi khi đi đâu đó. Đúng vào ngày mưa như trút ấy em trai tôi lại đi chơi cùng cậu tôi, nhưng do xe bị thủng săm nên cậu phải về trước còn em tôi phải đi bộ về sau. Cậu về nhà và tiếp khách, vậy là tôi phải làm nhiệm vụ đi đón em trai tôi cách nhà gần 3 cây số. Mưa tạt vào mặt, dưới bánh xe nước, đất, đá chảy ào ào khi tôi đi dưới chân đồi. Run sợ, lo lắng làm chân tôi giậm phanh không như tôi vẫn giậm khi ở ngoài Bắc và kết quả là chiếc dép ở chân tôi rơi ra và bị nước cuốn theo nhưng tôi vẫn không dám xuống nhặt vì sợ. Thế là mất toi đôi dép xăng - đan mới mua khiến cả nhà ai cũng “ôm bụng” cười cô nhà báo tương lai sợ tới mất dép.


Ngày…tháng…năm…


          Thật hiếm để tìm thấy một ngôi nhà được xây bằng gạch như của người miền Bắc. Nhà ở đây được dựng bằng các tấm gỗ được ghép vào nhau một cách kín khít, sàn nhà cũng được lát bằng gỗ. Hầu hết các vật dụng ở đây đều được làm từ gỗ như đôi đũa, lọ lộc bình, ghế, tủ, chạn bát…với các loại gỗ quý do ở gần rừng.


          Người dân ở đây rất thân thiện, những ngày ở Tây Nguyên là những ngày chị em chúng tôi phải chạy “sô” do kín lịch mời cơm, lịch đi chơi. Hoa quả cũng như tất cả mọi thứ ở đây đều là từ cung tự cấp và chế độ “xin – cho” chứ không giống những nơi khác là mua và bán. Việc hàng ngày chị em tôi tới hết nhà này tới nhà khác xin mít, bơ, ổi, măng cụt, mãng cầu để về làm quà chuẩn bị ra Bắc cũng được đông đảo mọi người đón tiếp nhiệt tình. Có nhiều người còn vác cả bao tải sầu riêng sang cho khiến chị em tôi “khóc dở mếu dở” vì không quen mùi.


          Những ngày ở Tây Nguyên là những ngày tôi “vồ ếch” nhiều nhất vì sân, đường ở đây toàn bộ là bằng đất không lát gạch hay đổ xi măng như ở nơi tôi vẫn sinh sống. Đi bộ ngã, ngồi sau xe ngã, ra vườn ngã, xuống xình ngã, trèo cây cũng ngã. Vì thành tích “bắt ếch” nhiều như vậy lại mưa suốt ngày nên quần áo tôi mang đi không đủ để tôi mặc. Chiến dịch đi mượn quần áo mấy cô, mấy thím cũng nhiều điều thú vị bởi đó là những chiếc quần áo chỉ dành cho những chủ nhân đã có gia đình còn tôi…

 

Ngày…tháng…năm…


          Mưa Tây Nguyên cũng khác lạ hơn so với các nơi khác, ở quả đồi bên này mưa như trút nước nhưng nhìn sang quả đồi bên cạnh vẫn nắng chang chang nên dù ở nhà đang mưa to nhưng mấy cậu cháu vẫn quyết định ra xe về Bắc. Nhưng mấy cậu cháu tôi đã không gặp may bởi chỗ nào chúng tôi đặt chân tới cũng mưa làm quần áo trên người cũng như trong vali ướt hết. Lên xe, tôi lên cơn sốt do cảm lạnh mà quần áo lại ướt sũng cộng với máu say xe làm mấy bác tài xế cũng như những người ngồi trên xe sợ xanh mặt. Tôi được ưu ái được nằm trên chiếc ghế có đày đủ chăn ấm, đệm êm của chú phụ xe nên tôi lại trở thành hành khách sung sướng nhất trong khi chú phụ xe chốc chốc lại ngáp ngủ, đứng lên ngồi xuống mà không lỡ đòi ghế nằm.


          Chế Lan Viên đã từng có câu thơ “khi ta ở chỉ là nơi đât ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hôn”. Có những kỷ niệm, có những mảnh đất mà thường ngày nó chẳng là gì trong hàng ngàn hàng vạn những công việc, những suy nghĩ, những dự định trong suy nghĩ của mỗi chúng ta. Nhưng bất chợt một lúc nào đó, ta nghĩ về nó thì nó lại giống như một cuộn phim quay chậm dần hiện lên trong tâm trí ta làm ta không thể không nhớ tới nó và mong một ngày được quay laị.


Ngọc Phúc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm