Nhạc sĩ Trần Kim Ngọc: Tôi đang lắng nghe Hà Nội

02/02/2010 16:13 GMT+7 | Người Hà Nội

Từ khoảng đầu những năm 1990, sau cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Việt kiều Tôn Thất Tiết và một vài nhạc sĩ đến từ các quốc gia phát triển, cho đến khi du học tại Đức vào năm 2001, Trần Kim Ngọc đã tiến hành nghiên cứu tư liệu âm nhạc sống tại vùng Đồng bằng Bắc Bộ - thứ âm nhạc mà cô không được học tại nhạc viện Hà Nội, thứ âm nhạc mà ông cha chúng ta đã làm ra và đã hưởng thụ trong quá khứ. Đó là thời điểm mà cô bắt đầu quan tâm đến cội nguồn thực sự của mình, và nhận thấy mình dường như được sinh ra từ chủ nghĩa cổ điển lãng mạn châu Âu, nhưng sâu xa hơn nữa, cô được sinh ra từ cha mẹ mình. Mà những người như cha mẹ cô thì đồng nghĩa với một tầng văn hoá đã được hình thành và tiếp biến tại Việt Nam trước chiến tranh, trước khi một số loại hình âm nhạc dân gian, truyền thống tại Việt Nam biến mất, như loài khủng long bỗng nhiên tuyệt chủng.

Bước chân vào nghề nhạc, Trần Kim Ngọc sáng tác giao hưởng, sau đó là ca khúc, và bây giờ, nói đến cô là nói đến những cụm từ như improvisation music (âm nhạc ngẫu hứng), experimental music (nhạc thể nghiệm), digital music (nhạc số), computer music (nhạc máy tính) hoặc một cụm từ hiện đại nào đó. Cô cho rằng, ca khúc Pop, tức nhạc đại chúng, chưa bao giờ là nghề của mình. Nhưng nếu không có chuyến du học tại một trong những trung tâm âm nhạc đương đại quan trọng hàng đầu của thế giới - đại học âm nhạc thành phố Cologne - thì có lẽ bây giờ cô vẫn đang viết ca khúc như phần lớn bạn bè từng học với cô tại Nhạc viện Hà Nội.

Tại Việt Nam hiện nay, đất để phát triển cho nhạc giao hưởng thính phòng hầu như không có, nên phần lớn các nhạc sĩ được đào tạo để viết giao hưởng rẽ ngang sang thị trường nhạc đại chúng, rồi tự nâng cấp kỹ năng và thông tin tại lĩnh vực này để trở thành các chuyên gia hoặc các ngôi sao.

Trần Kim Ngọc bây giờ đang làm cái nghề mà cô được đào tạo. Thời gian học và làm việc tại Đức giúp cô nâng cao kỹ năng viết giao hưởng thính phòng, đồng thời “học” nốt phần còn lại của lịch sử âm nhạc kinh điển châu Âu thế kỷ 20, trong đó experimental music, electronic music, computer music hay digital music là những bộ phận quan trọng của nửa cuối thế kỷ 20. Cô chỉ có một con đường: làm nghề sáng tác.

Khi đạo diễn Manfred Eichl làm phóng sự “Hotspot Hà Nội” (Điểm nóng Hà Nội) phát trên kênh ZDF năm 2002, cô là một nhân vật xuất hiện trong đó.  Tinh thần thể nghiệm cần lôi kéo được thêm sự chú ý, tò mò tại Việt Nam. Để một “cơ thể” văn hoá phát triển khoẻ khoắn cần một tinh thần thể nghiệm mạnh mẽ, phóng sự ấy đã tìm cách chứng minh điều đó.

Trong nhạc của cô bây giờ lẫn lộn rất nhiều thanh âm: piano, tiếng xe máy nổ, tiếng còi, tiếng trống chèo... Trần Kim Ngọc nói: "Sống ở Việt Nam đôi khi tôi không thấy mình có quyền nghe cái gì, không nghe cái gì. Mọi âm thanh hỗn độn tràn đến, xâm lấn cuộc sống của tôi từ mọi phía. Con người thì nháo nhác sống, chỉ vừa đủ thời gian cho kiếm sống và những thư giãn sinh học. Cái mà làm nên chất lượng sống ở đây, hơn bao giờ hết lại chính là sự im lặng. Đây không phải là một phát hiện mới nhưng tôi đang thực sự trải nghiệm giá trị của nó. Trong âm nhạc của tôi, cái gì cũng có thể là chất liệu, từ sự im lặng cho đến tiếng xe cộ trên đường phố, tôi chẳng thấy chất liệu nào tốt hơn chất liệu nào. Chất liệu nào bóc dậy trong tôi nhiều liên tưởng, suy niệm thì nó khiến tôi phải sử dụng trong tác phẩm của mình".

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. Tại các nước đã phát triển, mọi thứ đều đã có quy luật riêng của nó, và vì vậy không ít nghệ sĩ nhạc đương đại khi đến Hà Nội đều mê mẩn. Hà Nội dường như ồn ào hơn, nhưng ở một góc độ khác, Hà Nội đang lắng xuống để đối chọi lại những thay đổi của hình thức bề ngoài. Hà Nội đang tìm kiếm thêm các giá trị văn hóa mới, và những người như Trần Kim Ngọc đang đi tìm trung tâm của nguồn năng lượng đó.

Bạn có muốn cùng cô ấy đi tìm kiếm và NGHE những thanh âm của Hà Nội hay không?


Trần Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm