Nguyễn Văn Bách: Ông già thành Thăng Long

13/05/2010 15:13 GMT+7 | Người Hà Nội

1. Ngõ của phố Tràng Tiền có kem và sách; có phở, bún, bánh…, nhưng nơi đây còn có cả vị thơm thuốc bắc của một tiệm gia truyền từ thế kỷ trước đến nay, xen lẫn với mùi hoa ngâu ngoài ban công thoang thoảng.

Khách đủ loại. Những người bệnh đến bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc. Người làm nghiên cứu Hán Nôm đến đàm đạo, cùng gia chủ dịch thơ, có sinh viên rụt rè nghe giảng giải về chữ nghĩa. Rồi không ít người, trong đó có cả khách nước ngoài nhờ người dẫn đến nằn nì xin chữ.
Nhiều người quen biết nhà nho, danh y, thư pháp gia Nguyễn Văn Bách, tự là “Long Thành lão nhân”, hiệu Lỗ Công cả chục năm nay, nhưng chưa bao giờ dám ngỏ ý xin chữ. Bởi vì, được nghe giảng giải mà phân vân: Chơi chữ là một nghệ thuật, thú vui tao nhã. "Nhất chữ nhì tranh", như thế nghĩa là chữ còn được xếp hơn tranh một bậc? Người ta thờ chữ chứ có mấy khi thờ tranh? Chữ được treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà, qua đó gửi gắm niềm mong ước, lời cầu chúc và những tâm sự thầm kín, những điều răn... lưu giữ cho nhiều thế hệ. Treo chữ không chỉ để chơi, thưởng thức cái đẹp mang tính hội họa, mà còn là nơi gửi gắm tâm nguyện và thể hiện những triết lý phương Đông mang đậm dấu ấn gia phong. Qua những bức chữ treo trong nhà mà đoán biết gia cảnh, cốt cách con người.

Thư pháp gia Nguyễn Văn Bách năm nay đã ngoài tám mươi. Nước da săn và giọng nói còn sang sảng. Gia đình ông đã ba đời nổi tiếng về nghề thuốc và chữ nghĩa. Lên chín tuổi ông đã theo cha đi khắp các phố huyện và thị xã Hải Dương kiếm sống bằng nghề thuốc và viết chữ thuê. Tham gia sáng lập và làm việc ở Viện Y học dân tộc, đến lúc về hưu, bây giờ hằng ngày ông vẫn thăm bệnh, kê đơn bốc thuốc.

Viết chữ chỉ xem là một thú vui. Ông giảng giải: Viết thì nhanh, nhưng suy nghĩ mới lâu. Phải nhẩm tính độ to nhỏ của từng nét bút các hàng chữ sao cho cân đối. Hơn thế, phải nhập mình vào chữ, sống trong chữ, thấm được cái đẹp của chữ cả về hình thức và nội dung. Mỗi bản thư pháp phải toát được cái thần của người viết, nếu không chỉ là bản "vẽ chữ" mà thôi. Tò mò hỏi về biệt hiệu "Lỗ Công" của ông, được giải thích rằng: "Lỗ nghĩa là đần. Tôi tự nhận là người đần, không bon chen danh lợi". Phải, nghề trị bệnh cứu người chân chính và chơi chữ sao có thể giàu? Ông đã ba lần chuyển nhà, từ khu tập thể Tân Mai về phố Hòa Mã, nay ở ngõ Tràng Tiền, đều là do các con lo toan phần kinh tế.

2. Thư các của ông Bách bề bộn theo kiểu: lắm sách, nhiều ảnh và bút lông nghiên mực chất một thùng. Ông có duyên viết thư pháp từ nguồn là các tác phẩm văn chương bất hủ của cổ nhân.

Mới đây, ông vừa hoàn thành gần 300 chữ (bao gồm cả lạc khoản) trong Thiên đô chiếu của vua Lý Thái Tổ để đem gò đồng, mạ vàng gắn trên nền sơn mài rộng khoảng 4x5m. Công trình văn hóa để đời này là một việc làm có ý nghĩa chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của một nhóm chơi thư pháp đất Hà thành. Ông dành 3 tháng để viết, và phải ngồi thiền mỗi ngày cho tâm thanh tịnh, dồn tâm trí cho từng con chữ, rồi lại cùng những người cùng sinh hoạt trong Câu lạc bộ thư pháp góp ý chỉnh sửa cho thật hoàn hảo. Mỗi chữ là một tác phẩm nghệ thuật đẹp như rồng bay phượng múa, cho đến người không biết chữ Hán ngắm cũng mê thích.Ông coi đây là tác phẩm lớn nhất của cả cuộc đời mình để lại cho mai sau.

20 năm trước, ông viết Bình Ngô đại cáo nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Thế chữ trôi như một dòng chảy của ông đã “tung hoành” hết 1.351 chữ của áng thiên cổ hùng văn trác tuyệt.

Rồi ông viết 17 đôi câu đối thờ ở đền Hùng trên đất Tổ (Phú Thọ), viết Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn nhân kỷ niệm 700 năm Chiến thắng Nguyên Mông lần thứ ba. Bài thơ "Thần" tương truyền của Lý Thường Kiệt, ông cũng thể hiện nhiều lần…

Chữ của ông có mặt khắp Nam, Bắc, Tây, Đông, riêng Hà Nội thì càng để lại nhiều dấu ấn. Ba chữ "Văn Miếu Môn" trên Tam quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám là thủ bút của ông nhân dịp Nhà nước cho đại trùng tu di tích này cách đây ba chục năm. Khi đó điều kiện khó khăn, chữ yêu cầu cao đến gần 1m, lại không có bút đại, ông phải lấy một nắm giẻ lớn, kết lại rồi nhúng vào mực, đưa cả cánh tay theo từng nét chữ. Bây giờ đến thăm di tích này, mấy ai biết đó là những chữ được viết lại vì nó đạt đến chuẩn mực của thời kỳ Nho giáo thịnh trị. Ở Văn Miếu, ông còn viết câu đối trong nhà bia và mới đây nhất là hoành phi câu đối trong nhà Thái Học.

Chữ trên tháp Hòa Phong bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, trên cổng thành Hà Nội nơi thờ Tổng đốc Hoàng Diệu cũng là do ông viết; chữ ở đền Cổ Loa, đền Lệ Mật và vô số di tích khác nữa cũng có dấu ấn bàn tay tài hoa và tâm huyết của “Long thành lão nhân”.

3. Được tin cậy "chọn mặt gửi vàng" như thế bởi ông không chỉ là nhà thư pháp chuyên nghiệp mà còn là một nhà Hán học uyên thâm. Ông sinh ra trong một gia đình tổ tiên đỗ đạt, thân phụ cũng là một ông đồ thanh bạch. Việc học chữ của ông theo nếp nhà vậy thôi (vì lúc đó Nho học đã tàn, "ông Nghè ông Cống cũng nằm co") nhưng những cố gắng và lòng đam mê ấy đã làm nên tên tuổi một nhà Nho uyên thâm và nhà thư pháp danh tiếng Nguyễn Văn Bách sau này. Bộ tứ thư pháp lừng danh ấy của Hà Nội là Thanh hoằng khê Lê Xuân Hòa, Lỗ công Nguyễn Văn Bách,Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyện, Nam ba cẩm văn Cung Khắc Lược.

Ông là người có thể đọc thông "Hịch tướng sĩ", "Bạch Đằng Giang phú" rồi "Côn Sơn ca" hay "Xích Bích phú", "A Phòng phú", "Tư xuân phú"… và vô số các bài thơ Đường, thơ Tống. Ông cũng là một trong các dịch giả đã tham gia cùng với một số nhà xuất bản dịch các trước tác chữ Hán của các danh nhân Nguyễn Trãi, Ngô Quang Bích, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh…

Tính ông không nói nhiều, khí khái khi trái tai. Nhưng chữ ông thì được mọi người đánh giá là uyển chuyển, phóng khoáng và tạo được phép tắc của thư pháp truyền thống. Thi thoảng ông lại đọc thơ của Cao Bá Quát, dịch sách để bổ sung vào vốn nghề thuốc đông y cho người kế nghiệp. Ông đã truyền nghề thuốc cho con trai là lương y Nguyễn Kỷ Thiên và nay chỉ viết chữ, đàm đạo chữ nghĩa với bằng hữu hoặc giảng giải cho lớp hậu sinh. Ông đã khảo cứu và dịch rất nhiều sách quý về thuốc bằng chữ Hán, trong đó cuốn "Những bài thuốc Nam hay" đã tái bản hàng chục lần. Không những là một trong những thành viên tham gia sáng lập Viện Đông y từ cuối những năm 1950, ông còn cùng 26 vị túc nho khác dịch duyệt bộ "Hải Thượng y tông tâm lĩnh", trong đó, ông là người chịu trách nhiệm bản thảo lần cuối.

4. Đôi tay chân tài của thư pháp ấy không phải là trời cho. Bố ông, một đồ nho, một thầy lang bốc thuốc, đã khổ luyện cho con trai mình từ nhỏ. Ông nói: “Chữ tôi thì cũng tạm được, không thể so với chữ ông cụ thân sinh của tôi. Chữ của ông cụ đẹp như rồng bay phượng múa, nổi tiếng gần xa”. Khi còn là một cậu bé, ông tập viết bằng cách nhúng bút vào nước viết trên nền gạch, khi thành thục rồi mới dùng giấy mực để viết.
Sau này khi làm nghề thuốc Đông y, có điều kiện tiếp xúc với chữ Hán nhiều hơn, những lúc rảnh rỗi ông lại tập viết, lắm khi đêm ngủ cũng mơ thấy chữ. Ông cho chữ ai, bao giờ cũng tìm hiểu xem người đó hợp với chữ gì, khi treo mới có ý nghĩa. Để viết một chữ tâm đắc, không phải lúc nào cũng viết được. Phải nghĩ về chữ đó nhiều, chờ hôm mát mẻ, tâm hồn thư thái, đốt trầm thơm, uống một ly rượu vang hơi ngà ngà, thế rồi mới vận bút như thả hồn trong đó. Nghĩ thì lâu, viết thì rất nhanh. Những chữ ấy bao giờ cũng có thần.

Trong nhà ông có treo một bức thư pháp được chụp lại, phóng to lồng khung kính rất cẩn thận. Nhiều người nghĩ đó hẳn là chữ của chủ nhân hay của một danh nho nào đó. Hỏi ra thì không phải, đó là chữ của một cô bé hơn 10 tuổi ở Trung Quốc. Mặc dù không phải chữ nào cũng đẹp nhưng ít tuổi mà viết được như vậy thật hiếm, "hậu sinh khả úy" nên ông cho chụp lại rồi phóng to để treo lên.

Ngồi hầu trà với “ông già thành Thăng Long”, ai cũng dễ nhận thấy vị lão trượng này là cây cầu nối về một nền văn hiến đang ngày càng trở nên hiếm hoi, thưa vắng. Ngoài kia con phố Tràng Tiền người xe náo nhiệt, nhưng cách đó mấy bước chân có một thế giới khác, lắng đọng tinh hoa của một Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đang hiện hữu.

Ngô Hữu Thung

Chú thích ảnh: Chân dung Long Thành lão nhân Lỗ Công Nguyễn Văn Bách ( sơn dầu 70x140cm, 2006) – tranh của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân .

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm