Nguyễn Tấn Thọ - Kỳ Vương đất Bắc

17/03/2010 17:29 GMT+7 | Người Hà Nội

1. Đại lão kỳ thủ Nguyễn Tấn Thọ đã ở tuổi 82, ông vừa đi dự giải vô địch lứa tuổi 80 ba môn phối hợp cờ tướng - cờ vua - bóng bàn tại Quảng Ninh. Giải Nhất thuộc về đại lão kỳ thủ Phạm Văn Tuyển - vô địch cờ tướng miền Bắc năm 1969, bố của một kiện tướng cờ vua quốc tế, đồng thời là nhà tổ chức giải. “Tại tôi không biết chơi bóng bàn. Với lại cờ vua tôi mới tập được có mấy buổi, học khai cuộc cũng lấn bấn mất mấy hôm” - ông Thọ cười mủm mỉm. Ông kể, có người 1h15 phút mới chịu đi một nước. Nước sau ông “ngâm” 1h30 phút mới nhấc quân, khi đối thủ đã đi vào, đi ra, chịu không nổi. Võ này ông học Bình Phong Chu Văn Bột khi đánh với kỳ thủ Tàu ở biên giới Lạng Sơn, ba ngày không chịu đi quân, đánh trong trận chung kết tranh giải 100 đồng bạc Đông Dương. Đối thủ tức giận xé niêm phong lên trình quan, quan bối rối không biết xử thế nào, bắt đánh tiếp, khi ấy Chu Văn Bột mới nhấc quân đi tiếp. Rồi ông ngâm nga mấy câu thơ không biết của ai: “60 là tuổi dậy thì/ 70 là tuổi bước đi vào đời/ 80 là tuổi ăn chơi/ 90 là tuổi cuộc đời nở hoa/ Bách niên chưa hẳn đã già/ So ông Bành Tổ vẫn là trẻ con”.


Đại lão kỳ thủ Nguyễn Tấn Thọ

Nguyễn Tấn Thọ (tức Nguyễn Văn Pho) sinh năm 1929 tại Hà Nội. 12 tuổi bắt đầu mon men đánh cờ, đại kỳ thủ Ngô Đình Ngọc thấy ông có năng khiếu, nên đã dẫn dắt vào sự nghiệp cờ. Năm 18 tuổi ông đã vô địch Hà Nội. Ông tỉ đấu với tất cả các đàn anh đồng thời là cao thủ lừng lẫy thời bấy giờ, gồm tam kiệt: Du - Yến - Lịch, tứ trụ: Hùng - Chi - Vệ - Bột và hầu như thắng cả. Phong cách tấn công như vũ bão, cộng với việc sở hữu đôi tai dài, dầy dặn nên giang hồ cờ tướng gọi ông là “Tấn Thọ”. Cái tên “Kỳ Vương đất Bắc” của ông có từ năm 1951, do ông Trí Tầu buôn thuốc Bắc là người gọi đầu tiên, rồi “dân giang hồ” cứ theo đó gọi mãi mà thành.

Năm 1957, ông và các kỳ thủ Bảy Chấn (Nguyễn Văn Chấn), Trần Sang, Trương Trọng Bảo, Đào Tuấn Bình thành lập nhóm “Ngũ Tốt” cùng giữ chuyên mục cờ tướng cho báo Thống Nhất. “Năm con tốt hỉn, chả ra gì, nhưng làm nên nhiều chuyện rắc rối và tôi thì là con tốt đầu rồi” - ông Thọ lại mủm mỉm cười.

Ngũ Tốt ra mắt làng cờ bằng thế “Đường Minh Hoàng du nguyệt điện”. Đây là thế cờ cổ trong sách cờ tướng Trung Quốc, theo đó nếu dồn đối phương được vào thế này thì thủ thắng. Nguyễn Tấn Thọ bình chú là hòa và thách luôn hễ ai dùng thế này mà đánh thắng được thì ông mất 3 vạn đồng bạc. Làng cờ nhộn nhạo hết cả lên, bởi thế cờ ấy nổi tiếng đã nhiều đời và 3 vạn đồng khi ấy là to lắm. Năm 1958, Nguyễn Tấn Thọ giành giải vô địch Hà Nội. Vì nhà nghèo, ông bán chiếc cúp bạc lấy 250 đồng chi dùng. “Giải ngày xưa như thế chứ! Giải về sau toàn phích nước với chậu tráng men, làng cờ cũng buồn” - ông nói.

Năm 1968, Nguyễn Tấn Thọ vô địch miền Bắc và cuộc đời ông bước sang một trang khác.

2. Nguyễn Tấn Thọ đi tỉ đấu khắp Bắc - Trung - Nam, cuộc đời chơi không biết bao trận thư hùng. Thi thoảng lại lên biên giới phía Bắc tranh tài. Ngày chơi, đêm khuya thanh vắng đọc kỳ trận. Chơi nhiều, suy nghĩ nhiều đến nỗi gầy mỏng cả người. Ông đến sới Kinh Bắc giành giải, ở đó 7 người chụm lại đánh với một mình Nguyễn Tấn Thọ. Ông Thọ kể, họ chơi theo lối “cờ tai”, tức là đứng ngoài nhặt nước sót hộ người làng, rồi mách nước. Ông Thọ cười, chả nhẽ tôi lại nói họ “gọi hết cả làng ra đây”.

Ông tỉ đấu với Hàn Tùng Lĩnh, một danh thủ cờ giang hồ người Trung Quốc, sau Cách mạng Văn hóa theo đoàn buôn trốn sang Việt Nam, lấy tên là Trương Văn Khôi. Hàn Tùng Lĩnh cầm quân, xung quanh là Lưu Ban, Trịnh Tường, Lầy Kim Coóng, đánh ở nhà ông Hứa Tiến phố Ô Quan Chưởng. Nguyễn Tấn Thọ vừa đánh vừa thiền, nghĩ thật kỹ. Cờ tướng vốn là môn rèn giũa chiến đấu tính, kiên trì tính. Đánh tốt đến nỗi, mấy người xung quanh chán quá bỏ về, còn Hàn Tùng Lĩnh giận đến nỗi có thể gầm lên được. Có bận đi tìm con, Kỳ Vương tranh thủ tạt qua các sới đánh cờ kiếm tiền, bao nhiêu cũng đánh. Riêng ở sới Quy Nhơn đã kiếm được một cây vàng.
 
Nhóm Ngũ Tốt năm 1957 (Kỳ Vương đất bắc đứng giữa)
Cả cuộc đời Kỳ Vương không sợ ai. Sau 1975, nghe nói miền Nam nhiều người chơi cờ tuyệt lắm, Kỳ Vương mấy lần khăn gói nhảy tàu vào Nam. Một người Sài Gòn biết tiếng Kỳ Vương, nên mời ở lại khách sạn, nuôi ăn ở, treo bảng thách đấu các danh thủ và giao hẹn với ông hễ thắng một ngày thì trả một vé tàu. Ba ngày, Kỳ Vương miền Bắc hòa ba trận với Mai Thanh Minh, Nguyễn Văn Xuân và Trần Quới, ba kỳ thủ bậc nhất Sài Gòn, còn lại là thắng cả.


Chỉ nói riêng về Trần Quới, hay còn gọi là Lác Chảy, là cháu đích tôn của cụ Trần Vô Thám, một người dạy cờ bên Đài Loan, được gọi là Đệ bát đẳng Kỳ vương và là con trai của danh thủ Trần Minh Anh. Trần Quới là một thiên tài cờ đầy những giai thoại, gia nhập làng cờ giang hồ rất sớm, chủ yếu là để kiếm sống, từ tuổi 15 đã tự lập được bằng cờ. Tới năm 20 tuổi trở đi thì Trần Quới đã lừng danh trong giới giang hồ và lần lượt đánh thắng các tay cờ cự phách nhất Sài Gòn lúc bấy giờ. Năm 20 tuổi (1978) lần đầu tiên Trần Quới đoạt ngôi Vô địch cờ tướng toàn Sài Gòn sau trận chung kết gay cấn với danh thủ Hứa Kim Thành (tức Tiểu Nam Vang). Sau khi đoạt ngôi, Trần Quới về làm đài chủ tại Trung tâm Văn hóa quận 5 (Đại Thế giới cũ) và thu hút được rất đông danh thủ tứ xứ đến tỉ thí. Chưa môt ai có thể thắng nổi Trần Quới ở kỳ đài này, dù đất Sài Gòn, Chợ Lớn có bao nhiêu tay cờ siêu hạng, thành tích đầy mình thì mới thấy hết tài năng của Quới - “thiên tài cờ phương Nam”.

“Hòa với họ thì coi như không ai làm gì mình được nữa” - Kỳ Vương đất Bắc nói. Kỳ Vương kể, năm 1966, Trung Quốc cử Dương Quan Lân, Sái Phúc Như và Hồ Vinh Hoa sang thi đấu hữu nghị với làng cờ Hà Nội. Nguyễn Tấn Thọ được cử tiếp chiêu. Hòa và thua. Ông vẫn còn nhớ, Hồ Vinh Hoa là người Thượng Hải, môi đỏ như tô son, đến đàn ông nhìn cũng còn thích nữa là phụ nữ. Hồ Vinh Hoa sau này 14 lần đoạt chức vô địch cờ cá nhân toàn Trung Quốc (từ năm 1960 - 2000), và tới 1988 giành danh hiệu Kỳ Vương đầu tiên của Trung Quốc. Nguyễn Tấn Thọ kể: “Tôi chỉ được báo trước cho có khoảng một tuần, còn không được xem kỳ bản để nghiên cứu xem người ta đã chơi thế nào. Tôi thí mã mà không ăn, Hồ Vinh Hoa đánh cờ tàn tuyệt hay. 171 nước thì tôi thua đấy”. Là một người mê cờ, Nguyễn Tấn Thọ buồn từ 1966 đến giờ chưa nguôi!

3. Những năm bao cấp, dưới gốc thị đầu dốc Hàng Kèn - chếch góc Đại sứ quán Pháp và báo Đại Đoàn Kết bây giờ - có hai nhân vật thú vị hay ngồi. Một người là thầy bói, một người mở sới đánh cờ với cả thiên hạ. Người đánh cờ là Nguyễn Tấn Thọ. Nhà thơ Pháp Văn đã có mấy câu thơ về người chơi cờ tướng ấy như sau: “Không Đế không Vương, không lọng tía tàn vàng/ Đất Thăng Long tướng sĩ một đời oanh liệt/ Có bầu có bạn, có hoa thơm rượu ngọt/ Dốc Hàng Kèn ngựa xe đường rộng thênh thang”.

Kỳ Vương có một người con trai tên là Nguyễn Tiến Cường, cũng mê cờ từ bé. Một dạo Cường mở quán cơm bụi tại nhà trên phố Trương Hán Siêu kiếm sống, vác khay cơm trên vai đi giao cho khách mà chân bước theo thế cờ, trông rất là ngộ nghĩnh. Đến nay anh cũng đã dăm lần vô địch Chùa Vua, vô địch Văn Miếu, nơi quy tụ rất nhiều kỳ thủ hàng năm. Nhận xét về con, Nguyễn Tấn Thọ nói: “Cường cũng được, có sắc sảo, thuộc dạng khá trong nhóm đầu Hà Nội. Siêu đẳng thì phải thêm một bậc nữa”.

Nguyễn Tấn Thọ đã tham gia viết hàng loạt sách như Cờ tướng - những vấn đề cơ bản, Những thế cờ sưu tầm và chọn lọc (2 tập - viết chung với Ngô Đình Ngọc và Lê Uy Vệ)... và rất nhiều bài viết trên báo cho những người yêu cờ. Kỳ Vương đất Bắc đã có 19 năm tham gia tổ chức giải cờ tướng Chùa Vua - Hà Nội, 20 năm tham gia tổ chức giải cờ tướng Văn Miếu. Ông cùng đứng ra tổ chức thì người tham gia mỗi ngày một đông hơn. Cờ tướng Việt Nam có được như ngày hôm nay cũng là nhờ những người như Nguyễn Tấn Thọ. Bây giờ sức khỏe không cho phép, ông đành bỏ giải Chùa Vua, chỉ tập trung vào giải Văn Miếu. Sư thầy Thích Đàm Định, Trụ trì chùa Vua nói với chúng tôi rằng, chùa đang cho xây dựng một bia đá khắc tên những danh thủ cờ như Nguyễn Tấn Thọ. Một người chơi cờ mà đi vào sử xanh bia đá, như thế nào có phải dễ dàng gì?

Cuộc đời những danh thủ cờ tướng khá lạ lùng. Có người chết trẻ, có người về già trở nên cực kỳ giàu có như đại lão kỳ thủ Phạm Văn Tuyển, chỉ riêng nội thất trong nhà ông đã trị giá nhiều triệu đô la. Còn Kỳ vương của chúng ta sống giản dị cùng con cái ở phố Trương Hán Siêu, gần dốc Hàng Kèn xưa. Khi còn làm việc, ông là một công nhân làm nghề sắt thép theo đúng nghĩa đen, nhưng trên bàn cờ, tư thế của ông khác hẳn. Cờ yêu cầu phải tính toán, mà cuộc đời vốn nhiều điều sơ sót, sai lầm. Rèn giũa vì cờ nhiều khiến ông sống trong đời nhường nhịn, được nhiều người nể trọng. Ông nói: “Tôi sống yên ổn, được đánh cờ, được đi đây đi đó là vui rồi. Sống là động nhưng lòng luôn bất động/ Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương/ Sống yên vui danh lợi mãi coi thường/ Tâm bất động giữa dòng đời biến động”.

Đan Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm