Nguồn lực Việt kiều cho thể thao

02/09/2016 06:03 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - VĐV Việt kiều Mỹ 14 tuổi Nguyễn Tienna Katelyn vừa giúp thể dục dụng cụ Việt Nam đại thắng tại giải vô địch Trẻ Đông Nam Á tổ chức ở Hà Nội. Liệu Việt kiều có phải là một nguồn lực hữu ích cho Thể thao Việt Nam?

Làn gió mới, hiện tượng cũ từ tennis

Trả lời câu hỏi này có lẽ nên trở lại với chuyện của tennis Việt Nam, bộ môn mà nhiều tay vợt Việt kiều từng trở về với những hoài bão của riêng họ.

2 tháng cuối năm 2015, tennis Việt Nam liên tiếp chứng kiến các tay vợt Việt kiều về nước với mục tiêu muốn gắn bó, đóng góp lâu dài cho quê hương. Trong đó, nổi bật nhất phải kể tới gương mặt 25 tuổi đang xếp hạng 216 ATP Daniel Nguyễn. Tài năng mang 2 dòng máu Việt - Mỹ này, đang vươn lên mạnh mẽ trên con đường chuyên nghiệp này đã có một màn ra mắt không thể ấn tượng hơn khi xuất sắc lọt vào tứ kết giải Vietnam Challenger ngay tại TP.HCM.


Daniel Nguyễn từng ngỏ lời sẽ khoác áo tuyển quần vợt Việt Nam nhưng phải kèm theo điều kiện về kinh tế

Nếu hoàn thành thủ tục để có thể khoác áo cho ĐTVN từ 2017, Daniel Nguyễn sẽ là người có thứ hạng, đẳng cấp cao nhất của tennis Việt Nam. Tuy tên tuổi kém xa đàn anh Daniel Nguyễn song tay vợt sinh năm 1995 Artem lại “cập bến” quê cha theo cách đặc biệt hơn với quyết định chuyển hẳn về định cư, theo đuổi sự nghiệp tennis.

Hiện tại, tay vợt cao tới 1m80 có bố người Việt mẹ người Ukraine đang tập luyện, thi đấu cho B.Bình Dương. Tương tự như thế là trường hợp của Lian Trần, cô bé 13 tuổi có bố mẹ đều là người Việt đã “cập bến” TP.HCM, nơi có lực lượng nữ mạnh nhất nước.

10 năm và 1 bi kịch của thể dục nghệ thuật Việt

Linda Trương không phải là trường hợp do ngành thể thao mời gọi mà chính VĐV này và gia đình chủ động “ngỏ lời”. Cũng kể từ giải VĐQG thể dục nghệ thuật (TDNT) 2006, năm nào Linda Trương cũng thu xếp để về nước tranh tài. Thậm chí, Trương còn “xin phép” đăng ký thi đấu các cuộc đấu quốc tế trong màu áo của ĐTVN, và từng giành cả chục huy chương các loại, nổi bật là ngôi đầu giải Hungary mở rộng 2012.

Điều đặc biệt, mỗi chuyến trở về hay du đấu của Linda Trương đều do gia đình tự lo kinh phí hoàn toàn. Chỉ tính riêng số tiền để chị đều đặn góp mặt ở giải VĐQG hàng năm cũng đã lên tới cả tỷ đồng. Ngay năm 2015, cô gái này cũng đã tự bỏ tiền để tham dự SEA Games 28, trở thành tuyển thủ Việt kiều đầu tiên của đoàn TTVN tại một đấu trường lớn nhất khu vực.


Linda Trương đã đóng góp cho TDDC Việt Nam khá nhiều thành tích quan trọng

Đã “đơn phương”, tình yêu của Linda Trương dành cho TDNT Việt Nam lại đen đủi, thua thiệt đủ đường, phần nào đó là một bi kịch kéo dài. Chị nên duyên đúng thời điểm TDNT Việt Nam bước vào giai đoạn thoái trào cùng cực. Môn này không hề được quan tâm đầu tư, và duy nhất Hà Nội cố gắng duy trì cho có.

Mỗi giải VĐQG mà VĐV trở về từ Ukraine này dư sức để giành HCV ở tất cả các nội dung, chỉ có lèo tèo 10-15 đấu thủ, hầu hết đều có trình độ ở mức “chưa sạch nước cả”. Thế nên dù tốn cả trăm triệu, màn trình diễn của Linda Trương chỉ mang tính biểu diễn, chưa kể còn phải cố tình “nhường” lại một vài nội dung cho các em vì “phong trào chung”.

Càng khốn khó hơn bởi TDNT còn sa sút nghiêm trọng trên cả bình diện Đông Nam Á. Các nước chủ nhà thi thoảng mới đưa môn Olympic truyền thống này vào chương trình, với số nội dung ở mức tối thiểu. Và cơ hội cho Linda Trương thể hiện tài năng của mình gần như không có. Ngay lần hiếm hoi TDNT xuất hiện, tại SEA Games 28, sự nghiệt ngã lại vẫn đeo bám Linda Trương khi Singapore chỉ tổ chức 2 nội dung đồng đội và toàn năng.

Việt Nam không thi đồng đội vì chỉ có 2 VĐV, còn toàn năng lại không phải là thế mạnh của chị. Trong khi đó, nếu có đủ các nội dung đơn môn, chị chắc chắn sẽ giành được vài huy chương, kể cả Vàng.

Chút vui cùng tiếng thở dài trên đường bơi xanh

Giải VĐTG 2015 tại Nga vào tháng 08/2015, bơi Việt Nam đã trình làng một “tân binh” đặc biệt, hoàn toàn xa lạ với giới chuyên môn cùng NHM trong nước: Kình ngư Việt kiều Lê Nguyễn Paul. Đây là lần đầu tiên môn này có một tuyển thủ Việt kiều trong đội hình.

Cầu thủ bóng rổ Việt kiều Justin Young: ‘Tôi về nơi cha mẹ sinh ra’

Cầu thủ bóng rổ Việt kiều Justin Young: ‘Tôi về nơi cha mẹ sinh ra’

Tuổi 23 đầy nhiệt tình và sung mãn, trở về thi đấu tại giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) 2016 dưới màu áo Hochiminh City Wings, chàng cầu thủ gốc Việt khát khao chứng tỏ giá trị của mình trên “đất Tổ”.


Sự xuất hiện của một Lê Nguyễn Paul đang tập luyện, thi đấu tại cường quốc Mỹ, lại ở đấu trường quốc tế đỉnh cao nhất đã tạo nên sự quan tâm chú ý đáng kể của làng bơi quốc tế. Tại giải, phần nào đó, anh còn nổi bật nhất so với  4 thành viên còn lại của ĐTQG dự giải, kể cả siêu kình ngư Ánh Viên.

Đến giải VĐQG chỉ sau đó 1 tháng, bơi Việt Nam lại tạo dấu ấn mới với một kình ngư Việt kiều thứ 2, trong màu áo của An Giang: Nguyễn Young Thomas. VĐV cũng trưởng thành trên đất Mỹ này còn lập tức mang về cho đội nhà 1 tấm HCB ở nội dung 200m ngửa.

Xét ở mặt nào đó, dù rất trân trọng tình cảm và tinh thần đóng góp của 2 kình ngư Việt kiều cho quê hương người ta không hiểu việc mời gọi nguồn lực quan trọng này của các nhà quản lý huấn luyện bơi Việt Nam có mục tiêu và tiêu chí như thế nào. Thứ nhất, đó không phải là những VĐV vượt trội so với mặt bằng chung ngay tại Việt Nam như thường thấy ở một số môn. Thứ hai, họ cũng không còn trẻ để có thể tập trung đào tạo nâng cao.

Rất bi hài vì một kình ngư như Nguyễn Young Thomas suýt chút nữa đã được những người có trách nhiệm đặc cách đưa thẳng vào ĐTQG dự SEA Games 28 nếu không trục trặc về thủ tục. Điều đó xảy ra sẽ là một sự vô lý, bất công lớn, bởi “người về từ Mỹ” chỉ có trình độ thuộc nhóm 2 so ngay với làng bơi Việt, thậm chí còn thua xa nhóm hàng đầu.

TTVN hiện tại không thể mơ “kéo” được những hảo thủ ở đẳng cấp thế giới, xét cả về mặt điều kiện lẫn chế độ đãi ngộ. Việc thi thoảng ở môn này hay môn khác xuất hiện nhân tố mới Việt kiều cũng chỉ mang tính nhỏ lẻ, thời vụ, chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân.

Sau bóng đá, hiện tại có 6 môn khác của TTVN từng sở hữu VĐV Việt kiều trong màu áo ĐTQG hay các đơn vị, là tennis, golf, bơi, thể dục nghệ thuật, bắn súng và thể dục dụng cụ. Trong đó, có thể coi trường hợp của môn bắn súng là bất ngờ nhất. Tại giải vô địch châu Á 2015, xạ thủ Việt kiều 15 tuổi Iwaki Ai (tên Việt Nguyễn Hằng) của TP.HCM đã xuất hiện ở ĐTQG Trẻ. Và gương mặt lạ có bố người Nhật Bản, mẹ người Việt này đã xuất sắc đoạt ngay 1 tấm HCĐ cá nhân nội dung 10m súng trường hơi tiêu chuẩn. Tuy nhiên có thể coi Iwaki Ai như một VĐV Việt Nam “xịn” bởi xạ thủ trẻ sinh ra, lớn lên tại TP.HCM rồi bén duyên đội bắn súng Sài thành cách đây 2 năm.


Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm