Người lính già và ký ức không phai

11/02/2018 07:05 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Rất khó khăn mới có thể thuyết phục được ông nhận lời kể lại những câu chuyện liên quan đến hành trình chinh phục tấm huy chương đồng tại Asian Games vào năm Nhâm Tuất 1982 - tấm huy chương đầu tiên của Thể thao Việt Nam kể từ khi hội nhập trở lại với đấu trường quốc tế. Bởi theo ông, những gì đã kết thúc thì nên để cho nó ngủ yên trong quá khứ và thành tích của ông ngày ấy “nó chẳng là cái gì” so với các VĐV bây giờ.

Nhưng đấy là ông nói vậy, chứ chính cố xạ thủ Nguyễn Văn Hùng (nguyên Tổng thư ký Liên đoàn bắn súng Việt Nam) từng khẳng định, tấm huy chương đồng ấy đã đặt nền móng, làm nền tảng cho sự phát triển của bắn súng Việt Nam ngày hôm nay và không thể phủ nhận nó là thành tích chói lọi trong bối cảnh nước nhà còn quá nhiều khó khăn ở những năm đầu sau giải phóng. Và câu chuyện của xạ thủ Nguyễn Quốc Cường - người lính già của thể thao Quân đội và thể thao Việt Nam về tấm huy chương lịch sử cách đây tròn 36 năm đã được kể lại trong những ngày đầu xuân Mậu Tuất.

Súng hỏng, đạn xịt và bia tự chế

Trong ngôi nhà nhà nằm khuất trong con ngõ nhỏ trên đường Bát Khối (Long Biên, Hà Nội) những kỷ niệm của một thời khó khăn cứ lần lượt ùa về qua câu chuyện của lão xạ thủ Nguyễn Quốc Cường. Đã bước sang tuổi 70 nhưng ông vẫn còn rất nhanh nhẹn, tinh thần minh mẫn và có trí nhớ rất tốt. Thậm chí nhớ đến từng tiểu tiết, những con người và sự việc đã diễn ra ở 4 thập kỷ trước.

“Thời đó khó khăn lắm, cái gì cũng thiếu thốn, lạc hậu và nếu không phải ở môi trường Quân đội thì chắc chả tập được bắn súng đâu”, ông mở đầu với giọng nói đượm buồn. Ông kể, hồi đó súng để tập luyện và thi đấu chủ yếu được viện trợ. Súng của Liên Xô chế tạo cho CHDC Đức, sau đó, Đức cải tiến để phù hợp với nội dung bắn nhanh nhưng họ bắn đến mức rỗng nòng rồi mới lại cho mình. Về đến Việt Nam để mà sử dụng được thì lại phải sửa thêm một lần nữa.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là đạn. Anh em hồi đấy chủ yếu toàn tập chay vì làm gì có đạn, mà kể có đạn thì cũng là đạn chất lượng kém, đạn xịt do thuốc súng bị ẩm trong điều kiện môi trường độ ẩm cao tại Việt Nam. Bay ra khỏi nòng súng là rơi luôn hoặc rơi xuống chân bia, ông Cường kể lại. Nhưng chính việc không có đạn đã khiến ông tìm ra phương pháp tập luyện mới. Đó là tập chay, chủ yếu rèn luyện động tác cơ bản hoặc không lắp bia mà vẫn bóp cò cho đạn nổ. “Hồi ấy, anh Nguyễn Duy Phát - Đội trưởng đội bắn súng từng nói với tôi rất gay gắt: Quân đội không thừa tiền để cho anh bắn xuống đất, bắn vào khoảng không như thế”. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn phải chịu, vì tôi cho rằng, điều tôi cần là rèn luyện kỹ thuật, tăng sự cảm nhận về không gian, thời gian, động tác kỹ thuật và nhịp bắn, chứ với viên đạn xịt như thế, có kẹp nòng vào bia bắn được 10 điểm cũng chẳng để làm gì.

Thịt lợn “ôi” ngon quá!

Tập luyện trong môi trường thiếu thốn đủ thứ về trang thiết bị nhưng những kỷ niệm khiến ông không thể quên vẫn là những bữa ăn của VĐV trong thời điểm những năm 80 trong chế độ bao cấp. “Chế độ cho VĐV hồi đó không phải là thấp, tôi nhớ là được hưởng chế độ đặc biệt lên tới 2,5 đồng/tháng ngang bằng với phi công (trong khi lính chỉ được hưởng chế độ ăn có 6,8 hào) nhưng do trong điều kiện khó khăn chung của cả nước như vậy, nên kể cả có tiền cũng không mua được thực phẩm tốt mà ăn”, ông Cường nhớ lại.

Tập trung tại trường bắn Miếu Môn (huyện Mỹ Đức) và đăng ký lấy thực phẩm với đoàn Thể công nên hàng tuần phải đi lấy thực phẩm được cấp phát từ phố Kim Mã. Thường thì khi về đến nơi hầu hết thực phẩm đều đã không còn tươi, thậm chí có nhiều loại thịt còn bị thiu hỏng. “Đến giờ tôi vẫn chưa quên được câu cửa miệng của nhiều anh em hồi ấy khi nhận thực phẩm về, đó là: Thịt lợn ôi ngon quá. Ôi ở đây là thịt đã bị ôi thiu, chứ không phải là ôi ngon quá”, ông Cường nhớ lại.

Ăn uống kham khổ và sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ như vậy nhưng dường như không có ai trong đội nản lòng. Trái lại, tất cả đều nỗ lực và phấn đấu, một phần vì kỷ luật của Quân đội, một phần là do nhu cầu của từng người hồi ấy dường như nó chỉ có thế. “Ai cũng cảm thấy hài lòng và không thấy có khó khăn, vì nhìn ra mọi người, mình được hưởng như thế cũng đã là tốt rồi”, ông Cường kết lại.

Tấm huy chương lịch sử

Sau khi trở về từ Olympic Moscow vào năm 1980, đoàn Thể thao Việt Nam lúc đó vẫn không có nhiều hi vọng khi thi đấu ở các đại hội thể thao quốc tế lớn và trước khi lên đường tới Asian Games vào năm 1982 mọi chuyện vẫn như vậy. Thậm chí, xạ thủ Nguyễn Quốc Cường từng được chuyên gia Liên Xô đánh giá có kỹ thuật bắn rất tốt, nhưng nhưng không một ai dám chắc có thể giành huy chương.

10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam và thế giới 2017

10 sự kiện nổi bật của thể thao Việt Nam và thế giới 2017

Năm 2017 đã đi qua và thay lời tổng kết, Thể thao & Văn hóa giới thiệu tới độc giả 10 sự kiện thể thao Việt Nam và thế giới tiêu biểu nhất.

Bước vào thi đấu, nội dung súng ngắn bắn nhanh hồi ấy được chia làm 2 ngày, hôm trước bắn 30 viên, hôm sau bắn 30 viên. Kết thúc buổi thi đấu thứ nhất, xạ thủ Nguyễn Quốc Cường dẫn đầu đạt 297 điểm nhưng một sự cố đã xảy ra khi BHL của đội Trung Quốc khiếu nại với BTC vì cho rằng đoàn Việt Nam có sự… tráo người. Sau này, trọng tài thi đấu đã khẳng định không có chuyện đó nhưng sự cố và tiểu xảo này làm ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và với thành tích 294 điểm ở loạt 30 viên cuối, xạ thủ Nguyễn Quốc Cường chỉ giành được tấm HCĐ. Dù vậy, đây vẫn là tấm huy chương lịch sử của bắn súng Việt Nam trong sự ngưỡng mộ của rất nhiều các quốc gia khác bởi Việt Nam lúc đó gần như chưa có tên trên bản đồ thể thao thế giới. “Tôi vẫn thấy tiếc cho chính mình, bởi nếu hồi ấy có điều kiện tốt hơn, được thi đấu nhiều hơn để rèn luyện tâm lý mình có đủ khả năng để giành thành tích cao chứ không chỉ dừng lại như vậy. Nhưng có lẽ, số phận mình nó thế rồi!”, ông Cường tâm sự.

Nhắc lại một kỷ niệm vui lúc ấy, ông Cường nhớ lại, “Phần thưởng cho tấm HCĐ Asian Games về sau tôi nhận được là một chiếc đạp đua của Ủy ban TDTT và chiếc đài cát-sét do Bộ Tư lệnh Thông tin lắp do Quân đội trao tặng. Nhưng do chiếc xe đạp để quá lâu trong kho nên bị hỏng lốp mà mua để thay thế không mua được nên sau này cũng chẳng đi được nên đành phải bán. Đó cũng là phần thưởng gần như giá trị nhất trong sự nghiệp thi đấu thời điểm đó. Bởi tôi nhớ rằng, vào năm 1980 phần thưởng cho 2 xạ thủ dẫn đầu của nội dung bắn nhanh tôi nhận được một chiếc quần đùi, còn cô Nguyễn Thị Duyên nhận một chiếc áo may-ô”.

Chú thích ảnh

Khi chuyển sang công tác huấn luyện, ngoài những thành tích vang dội của bắn súng Quân đội, ông góp công rất lớn đào tạo nên các xạ thủ đang là trụ cột của ĐTG như Hoàng Xuân Vinh, Hà Minh Thành, Nguyễn Hoàng Phương… Sau khi nghỉ công tác từ năm 2011, ông Cường về “ở ẩn” và ông dành toàn bộ thời gian để chăm sóc gia đình của mình. Một điều rất đáng tiếc là toàn bộ những kỷ vật trong đời VĐV, HLV liên quan đến bắn súng ông đều đem cho hết. Theo lý giải của ông, ông không muốn sống trong những kỷ niệm của quá khứ và giờ là lúc ông cần bù đắp mọi thứ cho gia đình bởi toàn bộ tuổi trẻ ông đã dành cho bắn súng. Bắn súng đã lấy đi của ông rất nhiều thứ và giờ là lúc ông không muốn nó ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân.

Phúc Hưng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm