"Ngành giáo dục nên vào cuộc ngăn cản học toán siêu tốc"

25/09/2012 13:41 GMT+7 | Giáo dục


(TT&VH) - Trước hiện tượng nhiều phụ huynh đưa con ở độ tuổi mẫu giáo đi học "toán siêu tốc" để có thể tính nhẩm trên bàn tay các phép cộng, trừ tới 2 chữ số, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thống Nhất - Tiến sĩ chuyên ngành Phương pháp Giảng dạy Toán, Phó Tổng Thư ký Hội giảng dạy Toán học phổ thông.

Giống như quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, TS Lê Thống Nhất cũng đặt câu hỏi: "Ghi một loạt các con tính phức tạp rồi để các cháu nhẩm để làm gì?".



Hình ảnh quảng bá khóa học "Trẻ em làm toán siêu tốc" trên muachung.vn

Chưa đòi hỏi phải làm toán siêu tốc

* Theo ông, việc "học toán siêu tốc" từ mẫu giáo có hiệu quả không?

- Theo quan điểm của tôi đấy là phản giáo dục. Vì khi trẻ 4 - 5 tuổi, ta chỉ nên dạy nhận dạng rất đơn giản. Các cháu chỉ cần nhận biết được các hình: tròn, vuông, tam giác; hay dài - ngắn, tròn - méo, ít hơn, nhiều hơn… là  được rồi. Năng lực nhận thức của các cháu chưa đòi hỏi phải làm toán siêu tốc.

Ngay từ giờ, khi trẻ em vào lớp 1, chương trình của Bộ GD&ĐT đã yêu cầu không được dạy trước cho các cháu cái gì. Từ việc "luyện thi" từ tuổi mẫu giáo trước khi vào lớp 1 là không nên. Hiện tượng này cũng đã bị dư luận cũng như các nhà giáo dục phản đối rất nhiều. Việc đưa phép tính vào dạy trẻ từ 4 - 5 tuổi, lại là "siêu tốc", tôi cho rằng hoàn toàn phản giáo dục.

Dạy "làm toán siêu tốc" không những không tác động tốt mà còn tác động xấu tới trẻ em. Việc tác động vào bộ não của trẻ không đúng lúc như vậy, sẽ gây hậu quả sau này, thậm chí là thương tổn về trí tuệ.

* Ông nghĩ sao khi ngày một nhiều phụ huynh cho con em mình học "làm toán siêu tốc"?

TS Lê Thống Nhất. Ảnh nhân vật cung cấp

- Theo tôi, mục đích của những người xây dựng mô hình này là nặng về kinh doanh. Và phụ huynh phải rất cảnh giác. Có thể hàng vạn trẻ em mới có một đứa có bộ óc đặc biệt để thực hiện việc tính toán "siêu tốc" khi 4 - 5 năm tuổi. Và chỉ những bộ óc đặc biệt ấy mới có thể áp dụng phương pháp tính đặc biệt.

Song một vài đứa bé đặc biệt này lại được dùng như một hình mẫu để quảng cáo. Nếu ta đưa mô hình này vào như một dịch vụ trong xã hội thì tôi nghĩ đây là mối nguy hại. Và ngành giáo dục cần vào cuộc ngăn cản chuyện này.

* Vai trò của tính nhẩm trong việc học toán của trẻ em?

- Bản thân tính nhẩm không quá quan trọng. Người ta chỉ thực hiện phép tính khi đã nghĩ ra cách giải bài toán rồi. Tư duy để nghĩ ra cách giải bài toán mới là điều cần thiết. Hơn thế, trong thời buổi hiện nay, người ta dùng máy tính nhiều nên tính nhẩm "siêu" không giải quyết được nhiều vấn đề. Ghi một loạt các con tính phức tạp rồi để các cháu nhẩm để làm gì?

* Nhiều người lập luận rằng tính nhẩm còn để phát triển tư duy cũng như phát triển khả năng tập trung. Ông nghĩ sao?

- Để phát triển tư duy có nhiều con đường. Đối với một bài toán, tư duy nằm ở tìm ra đường lối giải chứ không phải ở tính. Tư duy phát triển khi người ta dạy cho các cháu tìm ra lời giải chứ không phải là dạy các cháu nhẩm ra đáp số. Bởi chuyện làm tính ra đáp số có sự hỗ trợ của máy tính.

Còn để các cháu luyện khả năng tập trung, không nhất thiết phải tính nhẩm như vậy. Hơn thế, để rèn luyện khả năng tập trung mà để các cháu phải "đánh vật" với các con số và hàng loạt phép tính như vậy là không có lợi. Nó chỉ làm các cháu thêm rối đầu.

* Có thể, các bậc phụ huynh muốn con mình tính nhanh hơn các bạn cùng lớp. Từ đó các cháu sẽ giải toán nhanh hơn và tâm lý các cháu sẽ thích học toán hơn. Ông có nghĩ vậy không?

- Nên nhớ rằng tính nhẩm là một tiêu chuẩn cần thiết song không phải là tiêu chuẩn quan trọng trong toán học. Cái cần là các cháu cần biết kỹ năng phân tích giả thuyết. Phối hợp kiến thức đã có để tìm ra cách giải. Đấy mới là tư duy, là toán học chứ không ai gọi một mớ phép tính ấy là tư duy toán học. Người ta chỉ xếp tính nhẩm vào kỹ năng tính toán. Còn về tư duy, con người đã phân loại rõ, có tư duy tổng hợp, tư duy phân tích... Mỗi tư duy như vậy người ta có một giải pháp để rèn luyện. Tính nhẩm không hề rèn luyện tư duy, nó chỉ là kỹ năng. Trong kỹ năng đó người ta sẽ kết hợp với các công cụ như máy tính gảy, máy tính cầm tay… Để luyện sự tập trung khi suy nghĩ có nhiều cách khác hấp dẫn hơn.

Gõ văn bản nhanh chưa chắc hiểu nội dung văn bản

* Vậy theo ông, công cụ bàn tính trong "học toán siêu tốc" có ưu việt gì?

“Tư duy phát triển khi người ta dạy cho các cháu tìm ra lời giải chứ không phải là dạy các cháu nhẩm ra đáp số” (TS Lê Thống Nhất).

- Bàn tính gảy ấy có nguồn gốc từ Trung Quốc. Xa xưa, khi chưa có máy tính hiện đại, người ta dùng máy tính gảy như vậy để tính toán. Khi các loại máy tính hiện đại ra đời, người ta ít dùng bàn tính gảy, loại bàn tính này tự nhiên biến mất. Ngay cả trong chương trình môn Toán của Bộ GD&ĐT cũng không còn bàn tính gảy mà thay vào đó là máy tính cầm tay.

Thời tôi học, bàn tính gảy có trong chương trình, nhưng cũng là để thực hành, không phải để tìm đáp số thật nhanh. Tuy nhiên, sau đó, công nghệ phát triển, xã hội phát triển, chương trình giáo dục bỏ cách tính này. Bây giờ, tự nhiên lại áp dụng nó với các cháu là tiêu tốn thời gian và tiền bạc. Chúng ta nên tuân thủ và sử dụng những tiến bộ kỹ thuật ấy. Việc cho trẻ em ta luyện lại bàn tính ấy chẳng khác nào bước thụt lùi.

* Vậy hiện tại, các nhà trường dạy các em sử dụng những công cụ gì để hướng dẫn tính toán thưa ông?

- Ở lớp 1, hiện tại, khi cần dạy những phép tính đơn giản, ta chỉ cần dùng những que tính thôi. Rồi sau đó, các em sẽ được hướng dẫn chuyển sang dùng các máy cầm tay chứ không dùng bàn tính gảy. Suy cho cùng, bàn tính gảy nặng về kỹ năng ngón tay chứ không phải tư duy trí tuệ. Có người gõ văn bản rất nhanh nhưng không hiểu gì văn bản.

* Tuy nhiên, nhiều cháu sau khi luyện quen với bàn tính, các cháu có thể hình dung "bàn tính ảo" trong đầu và nhẩm tính mà không cần dùng bàn tính?

- Trường hợp này cũng như trường hợp những người thợ gõ văn bản, gõ cực nhanh cực chuẩn mà không cần nhìn bàn phím và cũng chẳng cần hiểu nội dung. Chuyện gõ văn bản nhanh và hiểu được nội dung văn bản là khác hẳn nhau. Cũng như chuyện gảy bàn tính thuần thục để nhẩm nhanh trong đầu với chuyện hiểu bản chất con tính là khác hẳn nhau.

* Vậy với trẻ 4 - 5 tuổi, để các em yêu thích môn toán và phát triển tư duy, theo TS cần giáo dục như nào?

- Giờ có rất nhiều trò chơi phù hợp lứa tuổi. Và những trò chơi này được Vụ Mầm non của Bộ GD&ĐT đưa vào nhà trường. Đó là những trò chơi để tạo mầm mống yêu thích môn toán. Ví dụ như trò chơi nhận diện các hình rồi xếp chúng vào những ô trống sao cho đúng. Đó là những trò chơi bổ ích, khích lệ tình cảm của trẻ với môn toán.

* Vâng, xin cảm ơn ông!

Mời bạn làm toán siêu tốc của trẻ mẫu giáo (chỉ dùng ngón tay):

* 23-9-9+4=? (Bài 8, chương trình Finger Arithmetic (book B)

* 71-58-8=? (Bài 9)

Phú Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm