“Mục sở thị” bệnh viện quá tải

30/11/2011 13:35 GMT+7 | Y tế

(TT&VH) - Đó là khẳng định của ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bên lề cuộc họp giữa UBND TP với đoàn công tác của Bộ Y tế về tình hình công tác y tế TP.HCM vào ngày 29/11.

Trước đó, ngày 28/11, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi thực tế để “thực mục sở thị” tình trạng quá tải tại 3 bệnh viện Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình và Nhi Đồng 1, những bệnh viện được xem là những điểm “nóng” quá tải từ nhiều năm qua.

Quá tải trầm trọng

Sáng ngày 28/11, tại BV Ung Bướu, quận Bình Thạnh, những hình ảnh đầu tiên mà đoàn thấy được là sự quá tải ở mọi khu vực khám chữa bệnh. Ngay từ khu nhận bệnh cho đến  các khoa điều trị nội trú đều đông nghẹt người, bệnh nhân và cả thân nhân của người bệnh nằm, ngồi la liệt. Chỉ trên một giường bệnh, nhưng có đến 2 - 3 bệnh nhân ung thư phải nằm chung và đó là hình ảnh thường thấy từ nhiều năm qua.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu cho biết: “Định biên có đến 1.300 giường nhưng thực tế không tới 700 giường. Nếu có đủ định biên thì cũng không kham nổi, hiện số bệnh nhân nội trú đã lên đến gần 1.800 người, ngoại trú hơn 8.000 bệnh nhân. Theo bác sĩ Minh, đến nay BV đã “bí”, không còn cách nào để giảm áp lực quá tải. Nguyên nhân là do bệnh nhân ở các địa phương khác đổ về, chiếm khoảng 60% so tổng số bệnh nhân đang điều trị. Còn dự án cơ sở 2 của BV thì đang “treo” do vướng giải phóng mặt bằng không biết còn kéo dài đến bao lâu nữa”.

Bệnh viện Nhi đồng 1 luôn trong tình trạng quá tải

Tương tự tại 2 BV là Nhi Đồng 1 và BV Chấn thương Chỉnh hình, tình trạng bệnh nhân quá tải cũng không kém gì so với BV Ung Bướu. Các bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang ở các khu điều trị tại BV. Theo thông tin từ BV Chấn thương Chỉnh hình, mỗi ngày trung bình tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh và mỗi năm có gần 34.000 bệnh nhân điều trị nội trú, trong khi trước đây mỗi năm chỉ có khoảng 8.000 người điều trị nội trú. Còn BV Nhi Đồng 1, theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV, tỷ lệ bệnh nhân quá tải điều trị nội trú tăng từ 136% đến 200% ở từng khoa như: hô hấp, nhiễm, tiêu hóa, sơ sinh…

Bên lề buổi làm việc ngày 29/11, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, vấn đề quá tải BV không phải bây giờ mới nói. Dân số thành phố ngày càng tăng nhanh, hiện nay các đơn vị y tế không chỉ phải chăm sóc sức khỏe cho 8 triệu người dân TP mà còn 60% dân số của các tỉnh đến TP.HCM để khám và điều trị. Hiện thành phố đang có 9 dự án xây dựng mở rộng các BV cửa ngõ và xây mới các BV khác, thế nhưng các dự án này đều đang phải xếp hàng vì người dân chưa đồng tình với chính sách đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện các dự án BV cửa ngõ đều bị vướng. Như tại cụm BV cửa ngõ Tây Bắc gồm BV đa khoa khu vực Củ Chi, Hóc Môn đã hoàn thành thiết kế nhưng vướng đền bù. Cụm cửa ngõ Tây Nam, BV Nhi Đồng TP, BV Mắt, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Chấn thương Chỉnh hình cũng vướng đền bù giải phóng mặt bằng. Còn cụm hướng Đông, BV Đa khoa khu vực Thủ đức đã hoàn tất quy hoạch 1/500 nhưng lại vướng giá thiết kế nước ngoài.

Đến 2015 sẽ hoàn thành 6 BV cửa ngõ

Trong buổi làm việc giữa UBND TP.HCM và đoàn công tác Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá: TP.HCM và các thành phố lớn khác, tình trạng quá tải bệnh viện hiện là vấn đề “nóng” của xã hội và “nóng” trong nghị trường Quốc hội. Do vậy, TP.HCM cần phải nhanh chóng hoàn thành các dự án BV cửa ngõ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng đề án liên quan nội dung này trình Chính phủ.

Bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Giải pháp trước mắt là cải thiện các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, tổ chức khám chữa bệnh như: thông tầm, tăng ca, các loại hình khám dịch vụ vào những ngày nghỉ, giảm điều trị nội trú, tăng điều trị ngoại trú. Nhưng giải pháp lâu dài là phải tăng cường  chỉ tiêu đào tạo y bác sĩ và quan trọng nhất là đẩy nhanh tiến độ các cụm y tế cửa ngõ.

Bên cạnh đó, ông Hứa Ngọc Thuận cho rằng: “Khi UBND TP.HCM và Sở Y tế đi khảo sát đã nhận thấy hoạt động tại các BV quận, huyện chỉ khoảng 60% khả năng. Trong khi các BV đa khoa, chuyên khoa sâu thì đang quá tải trầm trọng. Điều này cho thấy là người dân không tin tưởng các bác sĩ ở tuyến dưới. Một giải pháp trước mắt là cần phải tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế để hoạt động tốt hơn, phải có bác sĩ chuyên môn giỏi. Nên thành lập chuyên khoa tại các bệnh viện ở các quận, huyện cửa ngõ, những việc này sẽ giúp cho các BV tuyến trên sẽ giảm tải và người dân sẽ tin tưởng vào các BV quận, huyện hơn. Ngoài ra đào tạo thêm 300 tiến sĩ, bác sĩ. Phấn đấu đến năm 2015 phải đạt 15 bác sĩ trên/1 vạn dân”.

Cũng bên lề buổi làm việc, ông Hứa Ngọc Thuận khẳng định về việc giải quyết tình trạng “đóng băng” các dự án BV cửa ngõ: “Theo Nghị quyết của TP thì chúng tôi sẽ hết sức cố gắng đến năm 2014 sẽ có 3 BV cửa ngõ ra đời như: BV Chấn thương Chỉnh hình, Ung Bướu cơ sở 2, BV tâm thần quận 9… Đến năm 2015, sẽ có thêm 3 BV nữa sẽ hoàn thành. Như vậy điều này dám khẳng định sẽ chắc chắn giảm tải cho các BV ở trung tâm TP vì sẽ có thêm khoảng 5.000 giường bệnh”.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm