Một ngày ở thượng nguồn sông Thu

14/05/2009 17:54 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Thượng nguồn sông Thu Bồn bắt nguồn từ vô số những con suối nhỏ róc rách chảy xuống từ ngọn núi Ngọc Linh (phần tiếp giáp giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon - Tum). Dòng sông được ví như dòng mạch tràn đầy sinh lực chảy qua vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, len lỏi qua những vùng núi non hiểm trở mạn Tây Quảng Nam rồi đổ xuống những cánh đồng phì nhiêu, những làng mạc trù phú rồi ghé qua những vùng kỹ nghệ trứ danh của xứ Quảng.


Một ngày ở thượng nguồn sông Thu - Thảo Nguyên
Bài viết này đã được chương trình Let’s Càphê của
Kênh truyền hình Let’s Việt - VTC9 giới thiệu vào ngày 25/02/2009

Bạn có thể nhấn vàođâyđể xem từ nguồn



Dù ở mỗi vùng đất, Thu Bồn vẫn mang hình hài và vóc dáng riêng nhưng khúc sông nào cũng đẹp, cũng hài hoà với cảnh sắc của đất trời, non nước quê tôi. Trên chặng hành trình hàng trăm cây số ấy, có khi dòng sông ầm ầm băng qua các ghềnh thác, lúc nhẹ nhàng uốn lượn qua những làng quê yên bình...

Từ Trà Mi, dòng sông đổ về Tiên Phước, qua khỏi Trà Linh, sông lượn mình giữa hai ngọn núi cao sừng sững như bức tường để tạo nên địa danh Hòn Kẻm Đá Dừng. Địa danh mà ngày bé, tôi vẫn thường được nghe bà, nghe mẹ nhắc đến qua câu hát ru: “Ngó lên Hòn Kẻm Đá Dừng. Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi” hay “Ai về nhắn với nậu nguồn. Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Khi đến Giao Thủy, dòng Thu Bồn hòa vào dòng Vu Gia từ Hà Tân đổ về phía Nam rồi chia làm 2 nhánh bao bọc lấy Gò Nổi (Điện Bàn - Quảng Nam). Cũng từ đây, hai dòng sông sẽ chảy qua Chợ Củi, Câu Lâu và cuối cùng hòa làm một để tiến về Cửa Đại - Hội An, kết thúc cuộc hành trình “về với biển”.

Khởi hành từ Đô thị cổ Hội An lúc 7 giờ 40 phút sáng, chúng tôi lên chiếc Daewoo LANOS SX, theo lộ trình vạch sẵn của ba rồi nhắm ngã ba Nam Phước (Duy Xuyên) hướng về Trung Phước - nơi có địa danh Hòn Kẻm Đá Dừng. Nhưng để đến được chợ Trung Phước và lên thuyền ngược sông Thu, cả bọn phải băng qua đoạn đường gồ ghề, lởm chởm đá dăm dài hơn 12 km đường đèo, băng qua những xóm làng thưa thớt dân cư. Dù rằng, vẫn có một con đường bằng phẳng và dể dàng hơn để đến Kẻm nếu ta theo Quốc lộ 1A, qua đèo Le về Trung Phước (Quế Sơn) chỉ khoảng 30 km… nhưng chúng tôi vẫn chọn con đường khúc khủy để bước vào cuộc hành trình khám phá thượng nguồn sông Thu.

Ngày còn bé, tôi cứ nghĩ Kẻm (tên mà người bản địa gọi Hòn Kẻm Đá Dừng) xa xôi lắm, chẳng thể chạm đến được. Vậy mà chỉ cần khoảng 3 giờ đồng hồ đi ô tô, băng qua con đường khúc khủy, hoang vu, rực sắc hoa rừng đó là ta đã chạm tay đến được Kẻm, đến thượng nguồn của dòng sông mà một nhà thơ xứ Quảng nổi tiếng đã chọn tên nó làm bút danh - Thu Bồn.

Tội nghiệp bác tài khi phải vận hết “sở học” mới "cứu" chiếc xe cưng không bị đụng gầm, vậy mà phải hơn hai lần nhăn mặt xuýt xoa vì đá quất vào gầm xe chan chát. Có những đoạn hành khách trên xe phải nín thở như "đi vào vùng địch" còn bác tài thì đánh vật với vô - lăng, hết qua phải, qua trái, sang số, lên ga ... và thở phào nhẹ nhỏm khi đi hết “đoạn đường đau khổ” đó. Bị "massage miễn phí" mà chẳng ai than vãn vì đã được cảnh báo trước đường đi không mấy dễ dàng nên phải thường xuyên khích lệ bác tài: "Tay nghề cao.Chạy rứa mới ấn tượng chớ". Mà ấn tượng thiệt khi đường vắng, xe ta cứ chạy bon bon, được tự do dừng đến 3 lần cho anh em nghỉ ngơi, tranh thủ chụp hình, ngắm chim bói cá và hoa dại hai bên đường. Phải nói rằng, tuy đất đồi không màu mỡ nhưng những loài hoa dại mà ta biết tên như hoa mua, trinh nữ, ổi đất,... và cả những loại hoa ta chỉ được thấy lần đầu tiên trong đời cũng mang những sắc màu rực rỡ, tươi nguyên.

Đến được Trung Phước lúc 10 giờ 30 phút - xem như ta đã hoàn tất được 1/3 cuộc hành trình. Ta cần nghỉ mệt một chút vì cuộc hành trình sẽ được tiếp tục ngay sau đó. Ta sẽ lênh đênh trên thuyền máy khoảng 3 giờ đồng hồ để đến được Kẻm. Giữa bầu trời đầu Xuân đầy nắng, ta khoanh chân ngồi "bán già" trên boong thuyền và phóng tầm mắt nhìn cảnh vật đẹp như tranh vẽ từ từ "trôi tuột" lại phía sau và để lòng ngân nga câu hát "Đất trời bao la, đẹp như gấm hoa..."

Dòng sông Thu bên bồi, bên lở chốc chốc khiến người khách lạ phải ngẫn ngơ vì mắt ta bất ngờ chạm đến những dãi cát trắng, cát vàng mịn màng như dáng hình người thiếu nữ xuân thì đang đắm chìm trong giấc ngủ ban trưa đầy mộng mị bên những nương dâu, ruộng bắp xanh rờn. Thi thoảng có những chiếc thuyền máy nhỏ chạy lướt qua, tiếng cười nói của các em bé và những người dân chài vì những mẻ lưới nặng tay… làm rộn rã cả một khúc sông. Và khi tiếng cười trong trẻo đó vừa dứt thì sự tĩnh lặng lại bàng bạc trên suốt chiều dài của con sông đoạn chảy qua các xã Đại Bình, Xuân Hoà, Bình Yên, Phú Gia, Dùi Chiêng, Tý, Sé, Đá Ngang... khiến ta có thể nghe được tiếng sóng vỗ lăn tăn vào mạn thuyền, tiếng chim rừng và tiếng vượn hú gọi nhau ở những cánh rừng bạc ngàn trước mặt khiến lòng ta tràn ngập tràn bao cảm xúc yêu quê hương mình. Một cô bạn đi cùng thốt lên: “Quê mình đẹp và bình yên quá”!

Thuyền đang dập dìu trôi trên dòng nước cuồn cuộn chảy, bỗng xa xa, ta phát hiện một chấm nhỏ di động trên mặt nước phía trước để rồi khi đến gần ta ngạc nhiên nói như reo: "A, thuyền độc mộc". Khi thuyền ta đến gần thì chiếc thuyền nhỏ cũng chòng chành, người ngồi trên thuyền cũng chòng chành theo vì luồng nước giao thoa. Khi ta hỏi: "Không sao chứ ?" thì liền sau đó, bên tai ta vọng lại tiếng mình mà như ai đó trả lời: "Không sao". Ta phát hiện ra giọng mình vang hơn, to hơn trong không gian tưởng chừng như chỉ có ta với ta ấy. Rồi ta như phát rồ lên vì vui sướng khi người đánh cá trên sông chìa cho ta xem mấy con cá Dềnh to bằng bàn tay, lóng lánh vẫy bạc. Và chỉ vài mươi ngàn là chắc chắn ta sẽ được thưởng thức món cá Dềnh nướng vào buổi trưa khi cha con ông Tám lái đò tấp thuyền vào một bến vắng dưới chân Kẻm.
 

Ở thượng nguồn, lòng sông Thu rất sâu, đầy bất trắc vì tốc độ dòng chảy rất cao...Dù chỉ được tắm gần bờ, phải tắm dưới sự kèm cặp của 2 cha con ông Tám thì cũng thật thú vị khi ta được trát bùn lên mặt mũi, tay chân, được ngâm người dưới làn nước mát lạnh... Nhưng thú vị hơn thế là khi tắm xong, ta được tự tay nướng cá và thưởng thức món cá nướng thơm lừng, được nhâm nhi ly rượu gạo thơm cay cay mà ông Tám trao tận tay; được nghe ông Tám kể về câu chuyện xoay quanh con cá Dềnh. Ta sẽ hết sức ngạc nhiên vì tại vùng đất xa xôi, cách trở đò ngang này vẫn có 1 loài cá mà vòng đời của nó cũng có đoạn "hồi hương" như giống cá Hồi của vùng Alaska - Mỹ, được chạm đến thượng nguồn con sông làm nên những bản tình ca ngọt ngào của xứ Quảng, để được xem những phiến đá trắng dưới chân hòn Kẽm – nơi vẫn lưu giữ nhiều chữ cổ Chiêm Thành, để được nghe những câu chuyện nên thơ và cảm động về tình yêu, về những huyền thoại của các cư dân vùng đất Quảng Nam. Ta chắc mình sẽ cảm động vì sự tiếp đón nồng hậu, ân cần của những người dân mà ta chỉ mới gặp lần đầu.

Ăn trưa xong là ta lại lên thuyền xuôi dòng Sông Thu, về với Đại Bình, Trung Phước, với thôn Nà Trăng…Đây cũng là lúc ta cảm nhận rõ hơn về hai chữ "tốc độ" bởi lúc đó thuyền sẽ chạy nhanh hơn gấp đôi vì xuôi dòng nước. Bằng chứng là ta chỉ mất một nửa thời gian (1 giờ 30 phút) để về đích. Dù vậy, ta vẫn có đủ thời gian để nhìn ngắm cảnh hoàng hôn trên thượng nguồn sông Thu, nhìn khói lam chiều lan toả trên những mái tranh nghèo và cảm nhận cuộc sống dẫu nghèo nhưng rất đỗi bình yên của những xóm làng lẫn khuất trong sương. Những xô bồ của cuộc mưu sinh nơi thành phố lớn giờ như hoài niệm khi ta được sống trong không gian tĩnh lặng này.
 

Con thuyền xuôi mái băng qua những xóm nhỏ lẫn khuất sau những rặng tre già soi mình trên mặt nước xanh ươm. Cảnh vật xung quanh ta dường như đẹp hơn với nắng chiều với "lớp lớp mây cao đùn núi bạc" khiến màu chiều như tím thẫm như màu núi, lưu luyến nhìn những vùng đất mà ta đã đi qua. Mắt ta bỗng chạm phải dãy núi Cà Tang, chạm phải cơ ngơi tươi đẹp của Xí nghiệp Than Nông Sơn, chạm tới cầu Nông Sơn và mắt như "dán chặt" với ngôi miếu nhỏ nằm lặng lẽ bên bến đò Cà Tang - nơi 18 em học sinh đã vĩnh viễn nằm lại với dòng sông tại những khúc quanh hung hãn. Và đó chính là “dấu lặng” khiến ta suy tư khi nghĩ về vùng đất xinh đẹp nhưng còn nghèo khó này. Xa xa tầm mắt ta, vầng trăng lưỡi liềm từ từ xuất hiện…

Nhìn mặt sông dội lên những cột sóng lớn làm con thuyền nhỏ chao nghiêng và mặt nước xanh thẫm khiến ta thấy rợn rợn người khi chốc chốc có một vài chiếc thuyền con đang đạp sóng hướng về Hòn Kẻm mà dẫu có đỏ mắt tìm, ta cũng chẳng thấy áo phao đâu. Một cảm giác sợ hãi xâm chiếm lòng khi nghĩ về ngôi miếu nhỏ và cảm giác bình yên chỉ trở lại khi mắt ta nhìn thấy dãy núi Nanh Mèo, thấy chú Hồng - những người bạn mới quen và ngôi nhà nhỏ của cô chú thấp thoáng sau rặng tre thì ta biết: Cuộc hành trình ngược thượng nguồn sông Thu gần như hoàn tất.
 

Về lại Thành phố mà lòng ta cứ vấn vương hoài bởi câu hỏi: "Vì sao ngành du lịch lại lãng phí một địa danh đẹp đến nao lòng như thế được nhỉ? - Bao giờ thì Hòn Kẻm đá dừng mới có tên trên bản đồ du lịch Quảng Nam đây? Bao giờ vùng đất đó mới thoát nghèo đây? …Và bao giờ ta mới có dịp trở lại?
Tôi mong ngày trở lại để thấy nơi đó đổi thay, người dân sống bên dòng sông xinh đẹp đó được giàu có…Và tôi biết, cuộc hành trình khám phá dải đất có hình chữ S này của mình vẫn sẽ tiếp tục. Phải đi để đến và để biết quê hương mình đẹp biết bao nhiêu!

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm