Mẹ đã gieo mầm

14/05/2009 17:56 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Cận tết năm 2000, từ Hà Nội về Vinh, tôi đã gặp mẹ từ quê ra hôm trước. Sáng sớm, vợ kêu tôi dậy và báo hung tin: bệnh viện cho biết mẹ đang bị bệnh nan y. Sau đó là chuyến đi tôi đưa mẹ ra Hà Nội điều trị.

Một chiều, ở bệnh viện Việt Nam - Cu Ba. Cô y tá, do thiếu ý tứ đã hỏi tôi trước mặt mẹ: Mai sẽ mổ cho cụ, người nhà muốn dùng loại thuốc gây mê nào đây? Tôi chưa kịp phản ứng gì, mẹ hỏi lại, cô giải thích: loại tốt êm hơn, 280 ngàn một lọ, loại bình thường chỉ 70 ngàn. Nghe xong, mẹ nói luôn: Bác sĩ ơi, mẹ nhà quê nghèo lắm, cho mẹ loại 70 ngàn, mẹ là dân lao động, mẹ chịu đau được. Những ngày sau mổ, được người ta mách, mẹ một mực bắt tôi dẫn vào chợ 19 tháng 12 gần bệnh viện để “ăn cơm trong nớ đỡ tốn tiền, vì rồi đây còn nhiều thứ chi tiêu lắm!”.

Trên đường về trường - nơi tôi đang học cao học - tôi nói mẹ chờ tôi ghé Cầu Giấy để cắt tóc. Đang cắt dở chừng thì mẹ trở cơn đau dữ dội.  Thấy tôi cuống cuồng giục thợ, mẹ gượng cười để tôi an tâm và bảo: Con cứ cắt cho xong đi, mẹ chờ được. Mỗi sáng, tôi phải lên lớp nhưng lo mẹ ở nhà một mình. Thấy tôi nấn ná, mẹ gượng dậy, tựa lưng vào tường rồi nói: Mẹ ở nhà một mình được, con cứ lên học đi kẻo thầy dức (trách).
 
Ngày cuối tuần, tôi chở mẹ đi phố. Đến phố Tràng Tiền, thấy người ta bán bánh nướng, mẹ tỏ ý thích lắm. Nhưng khi hỏi giá, mẹ kêu đắt quá, kiên quyết không mua, còn bảo tôi “Giờ mẹ không thích nữa”. Ở quê, mẹ được tiếng là người rộng rãi, ai túng thiếu đều cho vay hay bán chịu, ai ốm đau khó khăn mẹ đều sẵn lòng giúp đỡ. Nhà có giỗ chạp, mẹ thường mua bán, nấu nướng ê hề rồi sai con cái đi biếu khắp xóm. Với con cái, mẹ không tiếc tiền triệu khi con cái gặp khó khăn, dù ở quê và cách nay mười mấy năm, tiền triệu thật lớn. Tôi kịp nhận ra, mẹ chỉ “hà tiện” với riêng mình.

Một chiều, khi từ bệnh viện về, đang ngồi nghỉ bên vỉa hè, bất chợt mẹ nhìn tôi và bảo: Bữa ni mười ta rồi, hai ngày nữa là sinh nhật con… Tôi sững người vì chính mình cũng không nhớ, nhất là khi tôi kịp nhận ra một điều hết sức đơn giản - năm nay đã 65 tuổi đời, mẹ chưa hề có ngày sinh nhật, tôi cũng không nhớ đó là ngày, tháng nào. Còn mẹ, 6 đứa con, mẹ nhớ vanh vách từng đứa sinh vào thứ mấy, ngày, tháng nào, thậm chí cả giờ sinh.

Mẹ là người nghiện ăn trầu có tiếng. Nhưng khi nghe bác sĩ khuyên nên hạn chế ăn trầu (vì mẹ cũng không hề biết mình đang bị ung thư vòm họng). Thế rồi từ chiều đó, mẹ bỏ hẳn ăn trầu. Sau này, các bạn mẹ tới thăm, thấy họ ăn trầu, mẹ nhìn có vẻ thèm lắm. Thương quá, tôi nói: mẹ cứ ăn đại một miếng, không sao đâu. Không ngờ mẹ phản ứng: bác sĩ dặn rồi, không chi bằng sức khỏe, thèm cũng phải nhịn. Và mẹ đã kiên quyết như vậy cho tới giờ khắc cuối cùng!

Trên đường đưa mẹ về quê, trên xe, mẹ nói như dặn dò: Ở phố, mẹ thấy người ta tiêu pha phung phí lắm! Giữa thiên hạ, từ cái tăm, hạt muối là mồ hôi của muôn dân góp lại. Rồi đây, trời có cho các con được đủ đầy, con đừng phung phí mà có tội. Mà con cũng phải luôn làm gương để nhắc nhở các em, các cháu chăm chỉ học hành. Thời giờ, nỏ chi bằng học, đừng theo nghề buôn bán như mẹ vất vả mà dễ hư người lắm!

Một tối, như linh cảm được bệnh tình, mẹ nhìn chúng tôi khắp lượt rồi nói: Mẹ đau ốm đến nay cả năm trời rồi. Tất cả các con, lớn bé, xa gần, đứa có của, đứa có công đều hết sức hết lòng chăm sóc mẹ. Giờ mẹ thấy thỏa mãn rồi, cũng không tiếc mấy chục năm đêm hôm lặn lội, trên bom dưới đạn nuôi các con. Mẹ xin cảm ơn các con! Rồi mẹ nghẹn lời và khóc. Mẹ cũng dặn riêng tôi: Người ta sinh tử vô kỳ, đến lãnh tụ cũng không cứu được. Mẹ mệnh hệ gì cũng không có chi phải buồn. Con là trai lớn, nếu rồi đây mẹ có về với tổ tiên, đừng bày vẽ nhà mồ nhà mả như người ta mà tốn kém, cứ hỏi theo phép nhà Phật mà làm là đơn giản, tiết kiệm mà thanh thoát nhất. Lần cuối, tôi từ Hà Nội về quê, mẹ hỏi: “Con học hành xong chưa?” Tôi nói: Con đã bảo vệ xong luận văn cao học rồi, giờ về ở đây với mẹ. Mẹ không nói gì, chỉ cố gật gật đầu rồi ứa nước mắt. Thế rồi, hai hôm sau, mẹ mất!

Vậy là mấy tháng trời bên mẹ, giữa phố phường xa lạ. Dù đã tuổi 35, nhưng chuyến đi này, rất tự nhiên, mẹ đã gieo vào lòng tôi những bài học lớn. Sự cần kiệm, đức hy sinh, lòng tự trọng, sức chịu đựng, sự biết ơn và cả niềm lạc quan trước quy luật nghiệt ngã của đời người…

Những gì tôi nhận được từ mẹ trong những ngày tháng cuối cùng ấy đã giúp tôi lớn lên thật nhiều, không riêng thời điểm ấy mà suốt cả cuộc đời này. Gần mười năm mẹ đi xa, tôi đã tốt nghiệp thêm 1 đại học, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; đã miệt mài làm việc, tích lũy để từ tay trắng, tôi có nơi ăn ở ổn định giữa Sài Gòn; đã khắc phục được tính nóng nảy, dễ chán nản; biết sống vì mọi người; lạc quan, yêu đời hơn, dù đã gặp không ít nhọc nhằn, thử thách… Mẹ đã cho tôi nhiều lắm!

Mẹ mất! Tôi đau đớn tột cùng! Nhưng đó là quy luật của tạo hóa. Tôi cũng thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một chuyến đi bất đắc dĩ nhưng có những tháng ngày như thế bên mẹ, khi mà tôi đã rời xa vòng tay mẹ và đã qua gần nửa đời người.

Một nhà hiền triết nào đó từng nói, đại ý là: có những cái chết có giá trị gieo mầm! Với tôi, mẹ đã là người như thế! Mẹ đã gieo vào tôi những mầm sống xanh tươi và thánh thiện về nhân, nghĩa, lễ, trí… của cuộc đời!

Triều Hải Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm