Mắc bệnh tâm thần do nghiện ma túy tổng hợp

23/10/2012 09:45 GMT+7 | Pháp luật

Tại Tp. Hồ Chí Minh, số người nghiện ma túy tổng hợp đang có xu hướng gia tăng đặc biệt là hàng đá. Hậu quả mà ma túy tổng hợp để lại cho cả người nghiện và xã hội rất nặng nề: nguy cơ lây nhiễm HIV, tổn thương não, tâm thần, giết người trong cơn bất loạn . Nhưng đến nay, ngành y tế vẫn chưa có phác đồ điều trị cụ thể cho người nghiện ma túy tổng hợp.

Nghiện ma túy để lại rất nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội. Ảnh minh họa.

Từ nghiện ma túy tổng hợp đến... bệnh tâm thần

Có nhiều nguyên nhân khác nhau để đưa những con người bình thường đến với ma túy tổng hợp nhưng rồi họ có một cái kết chung là bị tâm thần. Nhiều người may mắn có thể điều trị hết bệnh sau một thời gian dài nhưng cũng có những người phải chung sống với bệnh này suốt cuộc đời.

Trần Hữu H, 20 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế - trường hợp nghiện ma túy tổng hợp (do bạn bè rủ rê) bị tâm thần nặng. Dù đã được điều trị hơn bốn tháng nhưng H vẫn không kiểm soát được hành động của mình. Ai nói gì H cũng làm theo răm rắp mà không ý thức được mình đang làm cái gì. Chẳng hạn, khi nhân viên y tế nói H đứng lên chào cờ, ngay lập tức, H đứng dậy, chào cờ và hát bài Quốc ca. H cứ hát như thế, chỉ đến khi có người bảo dừng lại, H mới ngưng hát và ngồi xuống. Được biết, do sử dụng ma túy tổng hợp thường xuyên, liều lượng dài và trong thời gian dài nên não bộ của H gần như bị phá hoại gần hết.

Khác với H, Hoàng Trà M 27 tuổi, sống và học ở Đức về Tp. Hồ Chí Minh làm việc tại một công ty tài chính lại tự tìm đến ma túy tổng hợp do phát hiện chồng sắp cưới lừa dối mình. M kể: “Trước khi sử dụng ma túy đá, em cũng rất sợ và không muốn “dính” tới nó. Nhưng đến khi bị phụ tình, em buồn chán và lại muốn chơi đá để hết quên hết mọi thứ trên đời. Lúc mới “chơi” ma túy đá, em cảm thấy hết buồn, rất tỉnh táo, đi làm việc vẫn đạt hiệu quả. Nhưng qua tuần thứ hai, em bắt đầu có suy nghĩ tiêu cực. Cảm thấy không yêu đời và muốn chết. Em đã uống thuốc ngủ để tự tử, nhưng may mắn em được ba phát hiện và đem đi bệnh viện kịp thời sau đó được đưa vào trung tâm để cai nghiện. Thời gian đầu, sau khi cắt được cơn nghiện, em lại có cảm giác hoảng loạn, thường xuyên nghe giọng nói của người chồng sắp cưới.”

Đỗ Lê Tr, 26 tuổi quê ở Vũng Tàu, từng làm nhân viên lễ tân cho một khách sạn lớn tại Tp.Hồ Chí Minh lại sử dụng ma túy tổng hợp để…cai nghiện heroin. Tr chia sẻ: Em nghe bạn bè nói, muốn cai được heroin thì phải dùng ma túy đá. Do vậy, em muốn dùng thử ma túy đá để xem kết quả như thế nào. Đúng là mỗi lần em sử dụng ma túy đá thì những cơn nghiền heroin giảm bớt đi. Nhờ đó, em cũng cai được cả ma túy đá và heroin trong một khoảng thời gian. Nhưng sau đó, em lại quay lại sử dụng ma túy đá. Cũng từ đó em đã có những biểu hiện không bình thường, múa hát, đập đầu tự tử... Khi mới vào trung tâm cai nghiện em đã bị mất trí tạm thời.

Gian nan việc điều trị

Có thể thấy, việc điều dưỡng và cai nghiện cho người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng bức thiết, nhưng đến nay tại Tp Hồ Chí Minh có rất ít trung tâm cai nghiện ma túy “can đảm” nhận người nghiện ma túy tổng hợp. Sở dĩ, các trung tâm ngần ngại như vậy, bên cạnh lý do điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp phức tạp hơn nhiều so với người nghiện heroin... thì còn một nguyên nhân khác là đến nay, Bộ y tế chưa có phác đồ điều trị chính thức đối với người nghiện ma túy tổng hợp.

Ông Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (Tp. Hồ Chí Minh): Số lượng học viên nghiện ma túy tổng hợp đến điều trị tại trung tâm mỗi năm mỗi tăng, năm này tăng gấp đôi năm trước. Trong khi đó, phác đồ điều trị chính thức lại chưa có. Vì vậy, cùng với việc tuân theo các tiêu chuẩn về điệu trị bệnh cho người nghiện ma túy nói chung, trung tâm vẫn phải điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp theo những phương pháp riêng của mình. Chẳng hạn, tại trung tâm đã áp dụng một số phương pháp theo các tổ chức y tế quốc tế. Trước hết, cách ly bệnh nhân, rồi tiến hành an thần kinh bằng việc gây ngủ cho bệnh nhân để tạm thời quên đi những cơn đau đầu và ảo giác. Sau đó, giải độc, phục hồi lại não bằng thuốc... Tuy nhiên, trung tâm lo ngại những phương pháp này không được Bộ Y tế cho phép. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Y tế, nhiều thuốc để điều trị người bị tâm thần chỉ được điều trị tại bệnh viện tâm thần mà không được sử dụng tại các trung tâm cai nghiện. Điều này khiến việc chữa trị bệnh tâm thần của học viên tại các trung tâm gặp nhiều khó khăn.

Theo Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề Bình Triệu Tp.Hồ Chí Minh: Không phải bất cứ trường hợp nào nghiện ma túy tổng hợp phát bệnh tâm thần cũng được bệnh viện có khoa tâm thần tiếp nhận. Bệnh viện chỉ nhận những trường hợp nào thật nặng và với điều kiện trung tâm cai nghiện đó phải cử người của trung tâm chăm sóc cho các em. Tuy nhiên, không phải trung tâm nào cũng đủ nhân lực để cử người “bám trụ” tại bệnh viên. Ngoài ra, các bệnh viện chỉ điều trị trong một thời gian ngắn, sau đó cấp thuốc và “trả” bệnh nhân về cho trung tâm để theo dõi tiếp. Đây là những khó khăn gây cản trở lớn cho việc điều trị người nghiện ma túy tổng hợp. Do đó, các trung tâm cai nghiện rất cần phác đồ điều trị dành cho người nghiện ma túy tổng hợp, quy định rõ, những thuốc được dùng, liệu lượng ra sao...

Lan Phương
Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm