Hà Tường & những chân dung Hà Nội "vô tiền khoáng hậu"

26/04/2010 20:35 GMT+7 | Người Hà Nội

9m2 lặng thầm ở khu Hàng Gai

Nhiếp ảnh gia Hà Tường
Được nhà quay phim, NSƯT Trần Hùng (một “ma xó” của Hà Nội) tận tình dắt đến phố Hàng Gai, kiếm chỗ gửi xe, rẽ lối bán hàng để lên gác khoảng 9m2, chúng tôi mới tìm gặp được Hà Tường. Ngay ở khu phố này, cũng chẳng mấy người biết ông Tường làm nghề nhiếp ảnh, vì quan niệm về chụp hình của ông nghe khá kỳ khôi: “Tôi chụp hình chân dung thì chẳng phân biệt người nổi tiếng hay bình thường, miễn sao người đó phải cho tôi cảm nhận rằng họ tốt, tôi thích chơi, thì mới chụp. Ai không tốt, có thuê tiền, tôi cũng không chụp”.

Gia đình ông Tường sống ở đây đã hơn 100 năm. Ông sinh năm 1942, và bước vào nghề chụp hình từ năm 18 tuổi. Sống một cuộc đời bình dị, nhưng tâm hồn phiêu lãng, khó có người bì kịp. Số phim mà ông đã mua để chụp những chân dung Hà Nội, để chụp phong cảnh và con người miền Tây Bắc, có thể tương đương với số tiền mua hai căn nhà vừa vừa tại khu phố này.

Những thế hệ nghệ sĩ sau này như Trần Hùng, nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan, họa sĩ Lê Thiết Cương... khi nhắc tới Hà Tường, đều đồng loạt nhận xét: “Dân chơi, kẻ sĩ và nhà nhiếp ảnh thứ thiệt của Hà Nội đấy”. Lội bộ từ nhà ông ra phố Ngọc Khánh, ngồi uống mấy ly bia hơi Hà Nội - thứ thức uống khó cưỡng với những ai thích khám phá bia hơi - Hà Tường kể rằng ông dạy nghề chụp hình cho nhiều người, nhưng bây giờ không phải ai cũng muốn công nhận điều ấy, nên ông chẳng buồn kể tên.

Rất nhiều ảnh chân dung của những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Đào Duy Anh, Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Trần Văn Cẩn, Trần Dần, Nguyễn Sáng, Đặng Đình Hưng, Thái Bá Vân, Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Kim Lân, Hữu Loan... được nhiều nơi lấy in báo, in sách mà chẳng có một chú thích về người chụp. Khi được hỏi về điều này, ông Tường phán đoán: “Chẳng mấy khi người ta trực tiếp hỏi xin tôi, mà hậu duệ của các bậc tài danh đó không phải lúc nào cũng biết người biết việc, nên khi in ấn, chẳng buồn chú thích cũng là lẽ thường tình. Nhưng ở đời này, người nào việc ấy, khó mà ngoa ngụy, nên cũng chẳng có gì phải băn khoăn”.

Những bộ ảnh khó nắm bắt

Trong số những nhà lãnh đạo, những tướng lĩnh của Việt Nam, Hà Tường đã chụp Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Lê Quang Đạo, Phạm Chuyên, Nguyễn Văn Hưởng... Đặc biệt, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh còn đương chức, ông Tường đã chụp được bức hình rất đời thường, khi vị lãnh đạo giản dị này ngồi uống nước ở vỉa hè.

“Tôi chụp mấy trăm con người, bây giờ nhìn lại ảnh thì 90% trong số họ đã trở thành người thiên cổ, cuộc đời này phù du và ngắn ngủi lắm. Danh với phận, tài với lộc, có và không... cũng chỉ là một chớp mắt; hơn thua, sân si... rồi cũng vậy thôi” - Hà Tường tâm sự. Có những khoảnh khắc như lúc Dương Bích Liên, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Nguyễn Sáng ngồi uống rượu với nhau, mà Hà Tường chụp được, quả là bức ảnh hiếm hoi.

Một bức ảnh hiếm hoi (từ trái sang): Danh họa Dương Bích Liên,
nhà thơ Đặng Đình Hưng, nhà thơ Trần Dần và danh họa Nguyễn Sáng

“Khi đã biết mình muốn chụp ai, nhất là những khoảnh khắc đời thường, thì tôi sẽ “canh” cho đến lúc mình ưng ý nhất”. Xem trong kho tư liệu ảnh của ông, thấy bức ảnh chụp Tào Mạt nằm bên cạnh quyển tạp chí Thế giới mới, thì một thời gian ngắn sau đó, nhà soạn kịch hiện đại này cũng đi qua “thế giới mới”. Chụp Nguyễn Tuân ngồi hút tẩu với vài sợi khói mong manh bay lên, thì một hai tháng sau, nhà văn cũng ra đi. Ông Tường cho xem những bức ảnh chụp 11 người nổi tiếng, thì 10 người trong số ấy cũng đã vào cõi thiên thu. Bước vào nghề hình khoảng năm 1960, những bức hình trắng đen đầu tiên ông chụp thành công, nay còn lưu giữ phim, cũng đã 50 tuổi, nên chuyện ai đó ra đi cũng là hợp với quy luật.

Nhà quay phim Trần Hùng nhận định rằng xem những khoảnh khắc cuối đời của các nghệ sĩ tiền bối, qua cách nắm bắt của Hà Tường, những người trong nghề sẽ biết ngay rằng thật khó để làm được như vậy. “Phải hiểu tính cách, phải thân với con người và phải biết đoán định được hoàn cảnh... thì mới có thể chụp được những chân dung vi tế như vậy. Xem những bức hình ông Tường chụp Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Sáng... những ngày tháng cuối đời, ai hiểu những danh nhân sẽ thấy được sự nhạy cảm của người cầm máy”, Trần Hùng nói.

Có thể triển lãm cá nhân về Võ An Ninh

Hà Tường kể rằng mỗi nhân vật ông thường chụp 3-4 cuộn phim, nhưng cũng có những người ông phải chụp nhiều lần, như Hữu Loan ông phải vào Thanh Hóa mấy lần. Chụp Nguyễn Sáng thì ông vào tận Sài Gòn, dù khi Nguyễn Sáng ở Hà Nội, ông đã chụp rất nhiều. Những người ông chơi thân như Võ An Ninh, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân... ông đều chụp hàng chục cuộn phim. Phần lớn các chân dung tiêu biểu của Bùi Xuân Phái, được in trong các sách sau này và không đề chú thích ảnh, đều do ông chụp.


Võ An Ninh - bức ảnh của Hà Tường đã được dùng ở nhiều nơi

Có thể kể thêm những trí thức, văn nghệ sĩ mà ông đã chụp chân dung thành công, như: Ngân Giang, Hoàng Minh Giám, Văn Giáo, Huy Cận, Lê Quốc Lập, Lê Mạnh Thích, Đặng Nhật Minh, Thế Anh, Đàm Linh, Đinh Đăng Định, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Tạ Tấn, Phạm Tiến Duật, Trần Văn Thủy, Phạm Văn Hạng...

Ông Tường kể rằng có những người hay đến chơi, suốt ngày gặp nhau, nhưng ông không thích, thì không chụp; có người nhờ chụp, ông cũng không. Ông nói rằng bộ tứ Sáng - Liên - Nghiêm - Phái, hay Lưu Công Nhân thì ông đã có thể làm được triển lãm cá nhân về họ. Riêng nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, vì chơi thân từ 1962 đến những giây phút cuối cuộc đời, ông nói mình có thể sẽ thực hiện một triển lãm cá nhân về nhà nhiếp ảnh này, với nhiều ảnh chưa bao giờ công bố.
 
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm