Đưa Vovinam vào trường học: Một quyết định vội vàng?

31/07/2010 12:16 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Báo Thể thao & Văn hóa tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp về việc Bộ Giáo dục & Đào tạo mới đây chỉ đạo các trường học trên cả nước đưa môn võ Vovinam vào trong chương trình giảng dạy nâng cao thể chất. Chúng tôi xin được đăng tải một ý kiến cũng rất đáng xem xét và lưu tâm.

* Điểm xuất phát của một quyết định

Có lẽ, chính thành công vang dội của Vovinam tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần 3 (AIG 3), năm 2009 đánh dấu bước ngoặt phát triển của môn võ dân tộc này. Chỉ sau 3 năm sau khi Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) được thành lập, Vovinam đã trở thành môn võ phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới và bằng chứng là ra đời Liên đoàn Vovinam thế giới (WVVF) do ông Nguyễn Danh Thái- nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ VH,TT&DL làm Chủ tịch, kéo theo sự ra đời Liên đoàn Vovinam châu Á (AVF) với 12 hiệp hội quốc gia là thành viên.  Theo vị chủ tịch WVVF, thông qua Vovinam, Việt Nam mong muốn tập hợp được những Việt kiều, người nước ngoài… và từ đó tăng thêm tình đoàn kết dân tộc và tiến tới việc quảng bá Vovinam trở thành thương hiệu như judo của Nhật Bản hay taekwondo của Hàn Quốc. Lãnh đạo WVVF bày tỏ mong muốn sớm đưa Vovinam vào các kỳ SEA Games và thậm chí là ASIAD. Cũng có nhiều người sớm ủng hộ quyết định này và cho rằng đó là một trong những phương thức giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho tuổi trẻ Việt Nam, tuy nhiên cũng còn đó những băn khoăn trước khi quyết định trên được đưa vào cuộc sống.
Vovinam đang làm rạnh danh võ thuật Việt Nam, nhưng có nên đưa vào trường học một cách bắt buộc?
* Một cách nhìn

Khi định đưa một môn thể thao nào đó vào học đường là người ta đã phải tính toán rất kỹ mọi chuyện. Việc giáo dục thể chất trong nhà trường trước nay vẫn được hiểu là một nội dung cụ thể trong sự nghiệp giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó người ta quan tâm nhiều nhất đến những môn cơ bản nhằm tăng cường thể lực và trí lực, chẳng hạn điền kinh, bơi lội và vài môn bóng, hơn là việc đi sâu vào các kỹ năng ở các môn thể thao khác. Câu hỏi được đặt ra là, liệu Vovinam đã được xem là môn thể thao “thuần Việt” và là thứ quốc hồn, quốc túy đến mức cần đưa vào nhà trường? Cách đây không lâu, tại TP.HCM đã kết thúc khá hoành tráng giải quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam có sự tham dự của 21 đoàn võ sinh nước ngoài, đủ thấy Võ cổ truyền là một nội dung được phổ cập rộng rãi đến đâu. Các sử gia Việt Nam cho hay, nhiều danh tướng đời Đinh, Trần, Lý …đã sử dụng những đòn thế của Võ cổ truyền trong chiến đấu và đã chiến thắng quân xâm lăng. Chưa hết, ngay như Vovinam hay Võ cổ truyền có được xem là “quốc võ” đi nữa, nó có nên trở thành môn học ở nhà trường hay không lại là vấn đề. Được biết ở Đông Nam Á, một số môn thể thao độc đáo đại diện cho các quốc gia này như Muay (Thái Lan), Pencak Silat (Indonesia) đâu có được đưa vào nhà trường và tại những quốc gia đó. Điền kinh, bơi lội vẫn là những môn học hàng đầu ở khối giáo dục thể chất. Cùng lắm, và cũng là ý kiến của chúng tôi, Vovinam chỉ nên xuất hiện tại các CLB hay các giờ ngoại khóa, nhằm giới thiệu với tuổi trẻ sự phát triển của các trò chơi vận động ở Việt Nam. Các CLB có thể của nhà trường và cũng có thể của đơn vị khác tại địa bàn, được sự bảo trợ về chuyên môn của VVF.

* Tìm thày ở đâu?

Ngành GD-ĐT hiện đang còn thiếu những giáo viên Toán, Văn, ngoại ngữ. Nếu có việc đưa Vovinam vào nhà trường, sẽ thật khó giải quyết khâu giáo viên vì hiện nay ở ta việc đào tạo thày cho VVF là quá ít ỏi. Trên một trang web, chúng tôi đọc được nguyện vọng của một số bạn trẻ, theo đó, họ muốn tìm hiểu Vovinam nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất là thiếu thày, không hiểu sẽ tìm đâu cho đủ các thày dạy Vovinam cho các trường trên cả nước! Thứ hai, Vovinam là môn thể thao có yêu cầu khá chặt chẽ về thời gian, người tập phải mất ngót một giờ khởi động trước khi đi vào tập các đòn thế, và với quỹ thời gian như thế càng thấy rất khó triển khai ở diện rộng. Thứ ba, đưa Vovinam vào nhà trường tất yếu xuất hiện một khoản tiền không nhỏ dành cho việc đầu tư ban đầu cho việc học tập, từ sân bãi, thảm tập và các loại binh khí…và đây là vấn đề không đơn giản.
Hiện một số trường trên cả nước đang tập võ cổ truyền, nhưng chỉ là dạng “thể dục tự chọn”
* Những nỗi lo khác

Sẽ là không thừa, nếu nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự lo lắng của họ nếu con em mình lại có thêm một môn học nữa trong nhà trường, cho dù đó chỉ là thứ ngoại khóa. Bức tranh giáo dục của chúng ta hiện là một trong những băn khoăn của xã hội, trong đó hiện tượng lộn xộn và bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, bạo lực thông qua trò chơi điện tử đã gây nhiều rắc rối, nếu lại có thêm một môn võ thuật, liệu mọi việc có nằm trong tầm kiểm soát?

Tôi nghĩ rằng Bộ GD-ĐT nên tìm sáng kiến khác, hơn là vội vàng đưa Vovinam hay bất kì môn võ nào vào chương trình giáo dục trong nhà trường.

Hiện nay, hàng loạt chương trình nhằm nâng cao tầm vóc và sức khỏe người Việt Nam đã được soạn thảo, với sự hiện diện của các môn thể thao cơ bản và chưa thấy có dấu hiệu xuất hiện những môn võ. Phải chăng bây giờ, người ta vẫn cho rằng “có phúc đẻ con biết lội…” hơn là “sinh tội đẻ con biết võ”?

Ama Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm