Đồ thể thao Việt Nam lên ngôi: Từ chuyên nghiệp đến sới phủi

10/04/2021 18:01 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - 100% Có hàng chục, thậm chí hàng trăm thương hiệu áo đấu và đồ thể thao thương hiệu Việt, nhưng chính thức và 100% nguồn nguyên liệu, nhân công, máy móc vận hành, phân phối xỉ - lẻ thực của Việt Nam, thì không nhiều.

Lịch thi đấu V-League: HAGL vs Nam Định. BĐTV, VTV6 trực tiếp bóng đá Việt Nam

Lịch thi đấu V-League: HAGL vs Nam Định. BĐTV, VTV6 trực tiếp bóng đá Việt Nam

Lịch thi đấu V-League 2021: HAGL vs Nam Định. BĐTV, VTV6 trực tiếp bóng đá Việt Nam. Hà Nội vs Quảng Ninh. Bảng xếp hạng V-League. BXH bóng đá Việt Nam mới nhất vòng 8. 

“Hơn mấy ngàn sản phẩm, chưa hay chính xác là không dùng hết, lại chẳng bán kịp vì hết hợp đồng, giờ còn chất trong kho kia anh. Nhưng, không vấn đề gì cả. Kinh doanh mà. Tôi lại là tân binh, vốn không am hiểu chút gì về các chiến lược marketing. Trong vấn đề tài trợ, tôi chỉ xác định một điều, đã đồng hành thì phải đi xa”, CEO của hãng đồ thể thao MASU Việt Nam, Nguyễn Tuấn Thanh, đã chia sẻ với Thể thao & Văn hóa như thế.

MASU Việt Nam vừa đạt được thỏa thuận hợp tác tiếp theo với CLB hạng Nhất Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), trong việc tài trợ trang phục tập luyện và thi đấu, mùa giải 2021. Năm ngoái, tính từ giai đoạn 2, MASU Việt Nam mới bắt tay với BR-VT, để mở ra một chương rất mới, cũng là một chặng đường đầy chông gai với vị CEO trẻ này. Và câu chuyện của Thanh Masu cũng là câu chuyện lên ngôi của đồ thể thao Made in Việt Nam không chỉ với thể thao chuyên nghiệp, mà còn đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu của dân thể thao nghiệp dư, vốn quen bị gọi là "phủi".

Lấn chiếm lề đường để… khởi nghiệp

5 năm trước, không ai biết MASU là cái gì. Đến bộ nhận dạng thương hiệu, tức cái nhãn mác, cũng không có nốt, phải mượn lá cờ của Italy, để đính sau cổ áo. Thanh “Masu” vào thời điểm 2016, cũng mới ngoài đôi mươi, vừa tốt nghiệp Đại học, đi đá bóng dạo và bán áo dạo, khi thấy các đội bóng phủi có nhu cầu rất lớn. Nhưng, là một người trẻ say mê lý tưởng, dám chơi và dám làm. Đã làm thì thất bại, thất bại rồi lại đứng lên và làm tiếp.

Từ lấn chiếm lòng lề đường, góc ngã tư Hoàng Hoa Thám – Cộng Hòa, thuộc Tân Bình, TP.HCM, đến mở những Shop đồ thể thao đầu tiên, rồi tuyển nhân viên đầu tiên mà trong bụng sợ không có tiền trả lương, phải tích trữ mì gói trong nhà vì sợ… đói, ở mạn Quang Trung, Gò Vấp; từ lễ tân, bưng bê, tăng ca đến độ lao lực, thổ huyết…, chàng trai trẻ tỉnh lẻ không thiếu việc gì chưa làm, để tìm kiếm cho mình một cơ hội. Và cơ hội đã đến…

Giờ thì không chỉ có BR-VT mặc trang phục MASU Việt Nam, mà còn CLB Cần Thơ cũng mang trang phục của Thanh “Masu”. Bóng đá chuyên nghiệp là ước vọng và tham vọng của chàng trai quê Tây Ninh, người đã có 2 con chia đều cho mỗi vợ, nhưng sới phủi, bóng đá phong trào và học đường, bóng đá cộng đồng…, mới chính là thị phần chính để anh tung ra các phân khúc sản phẩm “made in Vietnam” chất lượng, đã mặc một lần thì mặc mãi.

Chú thích ảnh
MASU tài trợ trang phục cho CLB bóng đá Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: NVCC

Không có điều gì tự nhiên đến cả. Hôm kỷ niệm 5 năm cái shop đồ thể thao nho nhỏ ở mạn Tân Sơn, phường 15, Tân Bình, Nguyễn Tuấn Thanh mới kể, cũng chính là cái cửa hàng tử tế thứ hai. Cái Shop chừng 50 mét vuông này, chật ních những giầy tất, nón mũ, quần áo thể thao đủ loại, với mấy nhân viên váy ngắn xinh tươi…, nhưng nó chỉ là ước lệ cho việc trưng bày và hệ thống bán lẻ của MASU Việt Nam mà thôi. Trụ sở chính, cách đó chừng 1km.

Người viết, 10 năm trước cũng từng đánh liều mở một shop thể thao và… thất bại, từng nhiều lần bước vào các kho hàng, phân xưởng làm đồ thể thao, và một cảm giác chung là rất ngộp thở. Toàn những vải và vải, các cột quần áo thành phẩm chất đống, bao tải hàng chuẩn bị chuyển đi, xe tải, xe máy tấp nập, nhân viên khuân vác…, sao mà lắm thế. Đấy là chưa kể các đơn bán lẻ, giao bằng đường bộ, hàng không hoặc shipper, nếu trong nội ô.

“Bán lẻ vẫn là chủ đạo với MASU Việt Nam. Nhưng tôi đang cố gắng tạo một mạng lưới kinh doanh, với các đại lý – nhà phân phối ở khắp cả nước, cũng là rất tiện cho việc đưa từng sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, lại tiết kiệm được chi phí”, Thanh “Masu” nói.

.... Và ước mơ trở thành sự thật

Hệ thống các giải bóng đá do Công ty Thể thao Thiên Long, TP.HCM, vắt qua 7 năm tuổi, chính là sới phủi lớn nhất miền Nam, trên sân 11 người. Họ đã từng gắn với rất nhiều thương hiệu áo đấu thể thao hàng đầu của Việt Nam, nhưng bền nhất và chì nhất, có lẽ là MASU Việt Nam. “Để có thể đồng hành với Thiên Long, thì hiện vật thôi là chưa đủ, mà còn phải tài trợ thêm hiện kim nữa. MASU Việt Nam còn tiền không”, đại diện của Thiên Long "khích".

Là nói vui thế thôi, nhưng thực ra là thật đấy. Bóng đá phong trào, suy cho cùng, không phải mảnh đất để nhà tổ chức kiếm lợi. Mỗi người một tay, người góp công, kẻ góp của, cùng nhau duy trì sân chơi và cũng là cách tiếp thị tốt nhất các mặt hàng đính với sới phủi. Không do dự, Thanh “Masu” gật luôn, từ Giải Thiên Long các đội mạnh TLS6, đến giải Tập huấn cho các CLB chuyên nghiệp mùa 2020-2021 ở Bình Dương, với HAGL, SHB Đà Nẵng…

Chú thích ảnh
Dù đã là nhà tài trợ áo đấu chính thức cho CLB hạng Nhất BR-VT, nhưng CEO của hãng đồ thể thao MASU Việt Nam, anh Nguyễn Tuấn Thanh vẫn sẵn sàng tự mình đi giao hàng bằng xe máy. Ảnh: NVCC

Tức thì những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn…, cho đến các ngôi sao hàng đầu của làng túc cầu, từ nội binh đến ngoại binh…, đều từng cầm chiếc áo MASU Việt Nam mà chụp ảnh; báo đài từ Trung ương đến địa phương, truyền thông từ chính thống đến mạng xã hội…, đều đưa tin rầm rộ. MASU Việt Nam "một bước lên hương", trước sự ngỡ ngàng của tất cả. Nhưng, tham vọng của Thanh “Masu” đâu chỉ dừng lại ở hư danh.

“Một người Việt Nam, sản xuất ra đồ Việt Nam, tôi muốn khách hàng cảm nhận chất lượng bằng sự trải nghiệm, chứ không phải sự đồn thổi. Tôi cố gắng mở rộng mạng lưới, là để càng ngày càng có nhiều người được dùng các dòng sản phẩm của MASU Việt Nam, chứ không phải khuếch trương. Tôi trân trọng từ khách hàng đầu tiên, cho đến cuối cùng; từ nhỏ lẻ đến xỉ, bởi họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Không có họ, thì không có Thanh “Masu””.

Đến giờ, Thanh “Masu” vẫn tự nhận đơn, lên size, giao hàng…, nói chung là làm tất, dù công ty không hề thiếu nhân viên. Đơn giản, vì trót yêu và trót mê rồi, không bỏ được. Đúng câu, có làm nhiên hậu mới có ăn.

Thương hiệu áo đấu thể thao Việt Nam

Cách đây ít tháng, CP Sport từng tung ra thị trường và rất thanh công sản phẩm ALPHA-TD04, với việc hợp tác cùng trung vệ ĐTQG và CLB Viettel, Bùi Tiến Dũng. Theo chia sẻ của CEO Trần Hoàn, nó bắt đầu từ cảm hứng của những người linh, với phong cách ăn mừng nhà binh của Bùi Tiến Dũng, sau loạt sút penalty thành công đem lại chiến thắng cho Việt Nam trước Jordan ở VCK AFC Asian Cup 2019. Trước đó, trong nhiều năm, CP Sports với phân khúc truyền thống dành cho dân chơi bóng đá phong trào là dòng Egan.

Với MASU Việt Nam, không có tuổi đời, tài nguyên, cũng như thị phần được như CP Sport, nhưng các sản phẩm của thương hiệu này giờ cũng đã phủ toàn bộ khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Mới đây, MASU Việt Nam đã công bố nhà phân phối tại miền Bắc, trụ sở ở Hà Nội. Phủi bây giờ cũng rất khắt khe, cũng ăn ngon mặc đẹp, chứ không luộm nhuộm như trước. Nhiều đội bóng – giải đấu đã chọn MASU Việt Nam, cũng là có lý do của họ.

Trong số các nhãn hàng – trang phục thể thao thương hiệu Việt, thì Keep&Fly của “ông bầu” Lê Quý, là một dị biệt. Quý “rambo” không ồn ào với những chiến lược tầm vĩ mô, bởi đó cũng không phải là tính cách của anh, mà âm thầm phục vụ cho cộng đồng. Chỉ mới khoảng chưa đầy chục năm, giờ Keep&Fly đã sở hữu đầy đủ chuỗi cửa hàng – đại lý khắp cả nước, hàng chục phân xưởng, kho vận logictic, hàng trăm công nhân hoạt động hết công suất, mà vẫn không thể nào đủ cung cho thị phần của mình.

“Tôi thực không muốn ồn ào. Khi thị trường áo đấu bóng đá vẫn cứ là thời thượng, thì tôi hợp tác với các đội tuyển bơi lội và các môn thể thao đỉnh cao. Tôi luôn muốn thử sức mình, từ ngày chập chững khởi nghiệp, cho đến bây giờ. Tôi chỉ tâm niệm, mình đã, đang và sẽ làm được những gì, cho mình và cho cộng đồng mà thôi”, Lê Quý chia sẻ.

Chú thích ảnh

Có hàng chục, thậm chí hàng trăm thương hiệu áo đấu và đồ thể thao thương hiệu Việt, nhưng chính thức và 100% nguồn nguyên liệu, nhân công, máy móc vận hành, phân phối xỉ - lẻ thực của Việt Nam, thì không nhiều. Một số thương hiệu Việt, hoàn toàn có đủ năng lực phủ sóng hay ít nhất bắt tay hợp tác với vài ĐTQG, hoặc các CLB chuyên nghiệp, nhưng họ vẫn còn rụt rè, lý là bởi chưa được ý thức như các thương hiệu nước ngoài. Nó là vấn đề cầu thị và hậu mãi của người sử dụng, tức là người được tài trợ, vẫn cái kiểu “bụt chùa nhà không thiêng” vậy. Ngoài ra, đến hàng Việt giờ cũng bị làm nhái.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm