Đặng Nguyên Hào – “Nghệ nhân" của dương cầm

20/02/2010 13:39 GMT+7 | Người Hà Nội


Ông Đặng Nguyên Hào với chiếc âm thoa, một trong những dụng cụ làm nghề của mình
 

Và tại đất Hà thành, dân trong nghề đều biết đến cái tên Đặng Nguyên Hào, người đã gắn bó cả đời với công việc nắn nót từng giọt âm thanh ấy.

Piano không chỉ kén người chơi, nhạc cụ sang trọng này còn kén cả người lên dây. Nếu như lên dây ghita hay violon là chuyện đơn giản đối với những nhạc công, thì piano cần một chuyên gia thực thụ. Ở Hà Nội, chỉ riêng phố Hào Nam đã có đến hơn 30 cửa hàng lớn nhỏ bán đàn piano, điều đó cho thấy có một số lượng lớn đàn piano tại Hà thành, và số lượng các thợ lên dây đàn cũng không phải là ít.

Đặng Nguyên Hào xứng đáng được coi là một nhân vật số 1 trong nghề này. Ở Học viện âm nhạc quốc gia, ông được xem như một “nghệ nhân” thực sự bởi đã lên dây cho hơn 40 chiếc piano tốt nhất, những cây đàn đã gắn bó với rất nhiều thế hệ nghệ sĩ trong suốt hơn 3 thập kỷ qua. Ngoài ra, ông còn lên dây đàn cho những buổi trình diễn lớn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Khán giả có thể không biết đến Hào, song những nghệ sĩ danh tiếng thì lại rất quan tâm đến ông bởi đơn giản, chất lượng âm thanh của cây đàn gắn liền với thành công của buổi biểu diễn.

Đàn piano phải lên dây khá thường xuyên. Lý do là nếu không vì người sử dụng chơi nhiều, thì bản thân cây đàn để lâu cũng tự xuống dây. Ở Việt Nam, độ vang của piano khi nhập về cũng bị hạn chế. Với chất liệu bằng gỗ, sử dụng keo dính, có những khớp gỗ trong máy đàn khi gặp khí hậu nóng sẽ nở ra, lạnh sẽ co vào, dẫn đến hoạt động không đều nhau. Ngay cả những chiếc búa gõ cũng sẽ bị nở ra và tạo nên những âm thanh không như mong muốn.

Để lên dây một cây đàn piano, người thợ không chỉ cần một đôi tai nghe chuẩn xác về mặt âm học mà còn phải có độ nhạy bén, tinh tế trời cho về mặt cảm xúc. 100 người được đào tạo về nghề này, đôi khi chỉ có 10 đến 20 người có thể làm được việc. Còn để trở thành một người làm việc đạt đến độ nhạy cảm và tinh tế về âm thanh của cây đàn piano chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên cũng chính vì yếu tố trời cho ấy mà có cả những người đôi khi không cần học về nghề mà chỉ cần có năng khíếu cũng có thể làm được.


Chiếc cặp đồ nghề của ông Hào
Dụng cụ của một thợ lên dây đàn piano là một cặp đồ gồm âm thoa, búa, kìm, cờ lê và cả dây đàn (trong trường hợp đàn bị đứt dây cần thay thế). Đàn piano được lên dây theo cách thức “nốt so sánh nốt”, mở rộng ra là sự so sánh các quãng tám với nhau. Đầu tiên là lấy một nốt gốc làm chuẩn (thường là nốt Đô quãng tám một hoặc nốt La quãng tám một). Từ một nốt gốc này người ta lên dây cho một quãng tám – gọi là quãng tám gốc, và người thợ sẽ lấy đó làm chuẩn để lên dây các nốt còn lại, bằng cách tính sang hai phía, bên phải và bên trái so với quãng tám gốc.

Tuy ngày nay việc sử dụng máy đo điện tử trong khi lên dây đàn đã trở nên phổ biến, nhưng có một điểm máy không thể làm được so với tai người là không lọc được tạp âm (âm thanh giả). Tai có độ "sạch" mà máy không có được. Bên cạnh đó, quá trình lên dây cần có “khoảng đúng”, một khái niệm khá trừu tượng đối với máy, nhưng lại có thể xác định được bằng tai người. Cũng là một nốt nhạc ấy, nhưng người chỉnh dây đàn thượng thặng có thể khiến cho tiếng đàn mềm hơn hoặc nghe lãng mạn hơn. Độ tinh tế, tình cảm, đẹp đẽ và nuột nà mà tai con người cảm nhận ra thì máy không bao giờ đạt được.

 Sinh ra trong một gia đình có các cụ thân sinh đều công tác tại Nhạc viện, Đặng Nguyên Hào có 10 năm theo học chuyên ngành biểu diễn piano tại trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia (1965-1975). Sau đó, ông được cử đi học một khóa 2 năm về lên dây đàn piano tại Nhà máy Tháng Mười Đỏ ở Moskva. Bắt đầu gắn bó với công việc này ngay khi về nước, nhưng theo tâm sự của Hào thì thực ra đến tháng 8/1978 ông mới thực sự hoàn thiện về nghề.

Ông Hào coi nghề này như một cơ duyên của mình. Khác biệt giữa ông với những người khác khi làm công việc này có lẽ là ở sự đam mê, một công việc bắt buộc phải động não. Như một cặp bài trùng, nghệ sỹ piano mà ông Hào hay lên dây đàn nhất chính là người bạn học lớp 1 thời sơ tán, NSND Đặng Thái Sơn. Nhắc đến người nghệ sĩ lớn này, ông Hào không chỉ kể với tư cách một người bạn đồng môn mà còn xuất phát từ một người học và hiểu âm nhạc. Theo ông, phải có được sự hiểu biết sâu rộng về âm nhạc mới có thể cảm nhận được những gì tinh túy nhất từ tiếng đàn của người nghệ sỹ tài năng này. Đây cũng là một trong số các nghệ sỹ để lại nhiều ấn tượng trong ông nhất, cùng với vĩ nhân kéo Violoncell lừng danh người Nga Rostopovich.

Vì sao Đặng Thái Sơn về nước biểu diễn luôn chọn Đặng Nguyên Hào là người lên dây? Vì sao các chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển lớn không thể thiếu người đàn ông thầm lặng ấy? Có lẽ các bạn đã có câu trả lời của riêng mình.

Lưu Ngọc Minh

 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm