Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: ‘Cần ủng hộ và tôn trọng quyết định của Ánh Viên’

10/10/2021 09:34 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã đưa ra quyết định chia tay đội tuyển bơi lội quốc gia, từ giã thi đấu đỉnh cao. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (UB TDTT trước đây, Tổng cục TDTT hiện tại), đã chia sẻ góc nhìn của mình về những cống hiến cũng như về quyết định đột ngột này của Ánh Viên.

Thể thao Việt Nam thiệt thòi lớn nếu Ánh Viên giải nghệ

Thể thao Việt Nam thiệt thòi lớn nếu Ánh Viên giải nghệ

Việc “Cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên tuyên bố giải nghệ sẽ khiến thể thao Việt Nam thiệt thòi lớn, trước mắt ở SEA Games 31 dự kiến sẽ diễn ra trên sân nhà vào tháng 5 năm sau.

Trân trọng những cống hiến của Ánh Viên đối với thể thao Việt Nam

* Thể thao&Văn hóa: Thưa ông, VĐV Ánh Viên vừa đưa ra quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, ông có thể nhìn lại quãng đường cống hiến của Ánh Viên dưới góc nhìn của mình?

- Ông Nguyễn Hồng Minh: Trước hết, là một người gắn bó nhiều năm cùng thể thao nước nhà, tôi trân trọng tất cả những đóng góp của các thế hệ VĐV chúng ta từ trước đến nay cho Thể thao Việt Nam. Xin được nhắc lại là tôi rất trân trọng.

Trong suốt cuộc đời công tác của tôi, tôi đều gắn bó và rất trân trọng họ. Tất cả VĐV các môn thể thao đều được trân trọng như thế. Tư tưởng của tôi về thể thao vẫn theo tinh thần, tư tưởng của Hiến chương phong trào Olympic.

Đó là không có VĐV thì không có phong trào Olympic thế giới. Chính VĐV là nhân vật trung tâm, mang lại tất cả những cảm hứng, sáng tạo hay niềm tự hào của mỗi quốc gia về thể thao.

Công sức của họ đóng góp cho thể thao luôn lớn lao với những nỗ lực để chứng minh về năng lực con người. Chính từ tinh thần Olympic như vậy, với mỗi thế hệ VĐV Việt Nam từ thế hệ trước tôi, đến cùng với chúng tôi hay những thế hệ sau này, tôi đều trân trọng.

Còn Ánh Viên là một VĐV có nhiều công lao cho thể thao Việt Nam, mang lại nhiều thành tích cho bơi lội Việt Nam. Bơi lội Việt Nam trước thời kỳ của Ánh Viên không đạt được những thành tích ở khu vực chứ chưa nói đến châu lục.

Đơn cử như SEA Games 21-2001 mới có được tấm HCB của Trần Xuân Hiền. Sau đó mãi đến năm 2005 mới có HCV bơi ếch của Nguyễn Hữu Việt (Hải Phòng) ở SEA Games 23.

Sau này, các em, các cháu VĐV thế hệ của Ánh Viên mới tạo ra được sự bùng nổ cho bơi lội Việt Nam ở vào vị thế hàng đầu Đông Nam Á và có thể giành đến 6-7 hay hàng chục HCV ở 1 kỳ SEA Games.

Đó là công lao của Ánh Viên, Huy Hoàng, Quý Phước cùng những VĐV nổi bật khác. Vì thế, đối với tôi, tôi đánh giá rất cao công lao của Ánh Viên cho thể thao và bơi lội Việt Nam.

Tôi theo dõi suốt quá trình của Ánh Viên từ lúc tập bơi ở Cần Thơ, bể bơi của Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Quân khu 9) rồi đến tập trung cho VĐV trẻ, VĐV quốc gia.

Cùng với đó những năm tháng sau này, suốt 7 năm dài lặn lội ở Mỹ với người thầy của cô ấy là HLV Đặng Anh Tuấn. Với chặng đường như thế, quãng thời gian như vậy, nói lên sự hy sinh không thể nào đánh giá hết được của Ánh Viên cũng như người thầy của cô, HLV Đặng Anh Tuấn.

Chúng ta thử hình dung xem một đứa trẻ lớn lên xa nhà, xa bạn bè rồi xa tất cả những điều cần thiết của cuộc sống thiếu nữ để cống hiến cho thể thao, chỉ biết đến bơi lội thì đó là sự hy sinh vô giá. Sự hy sinh, cống hiến đó phải được đánh gia cao và rất đáng trân trọng.

Thành tích của thể thao là những tấm huy chương vàng, bạc hay giải nhất nhì. Nhưng những hy sinh, cống hiến cả tuổi trẻ như thế không có tấm “huy chương” nào có thể tôn vinh, đánh giá hết được.

Không chỉ riêng Ánh Viên, thể thao nước nhà không thiếu những tấm gương VĐV như vậy. Đó là điều chúng ta cần chia sẻ và trân trọng.

Chúng ta cần chia sẻ, tôn trọng quyết định của Ánh Viên

* Ánh Viên đã đưa ra quyết định của mình, ông nghĩ gì về quyết định giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của cô ấy, thưa ông?

- Đối với Ánh Viên hay bất cứ VĐV nào khác, tất cả đều đối mặt với những quy luật trong thể thao. Quy luật đó xuyên suốt cả quá trình tập luyện gian khổ, chịu đựng hy sinh để giành lấy thành tích, nâng cao thành tích rồi thoái trào.

Trong mỗi cuộc thi đấu thể thao đều có thắng có thua, có vinh quang có cay đắng, có thất bại có thành công, có những niềm vui và cả nỗi buồn, kể cả những đau đớn.

Tất cả đều ở vào đỉnh điểm tột cùng của tâm lý con người với ê chề thất bại hay vỡ òa niềm vui của mỗi VĐV. Ánh Viên cũng vậy thôi ở những ngày tháng đã qua trong sự nghiệp thi đấu của mình. Chúng ta cần phải hiểu, đồng cảm và chia sẻ điều này.

Ai cũng biết tuổi tác chính là kẻ thù của thể thao. Cũng không ai giữ mãi đỉnh cao của mình. Đến một lúc nào đó, theo tuổi tác, năng lực vận động của con người, thể chất của con người sẽ giảm sút. Chính từ đó, thành tích cũng giảm sút.

Những VĐV thế hệ sau, trẻ khỏe, tài năng hơn sẽ vượt lên. Đấy là quy luật của tất cả các VĐV thể thao đều trải qua và chịu đựng. Đã là quy luật thì cũng không có điều gì để người ta luyến tiếc, hay trách cứ mà phải chấp nhận.

Từ những điều như thế, tất cả chúng ta, những người gắn bó với thể thao như chúng tôi, đến những nhà quản lý thể thao hiện tại và những người yêu mến thể thao nên chia sẻ với Ánh Viên.

Đã gọi là chia sẻ tức là phải đồng ý với quyết định của cô ấy, ủng hộ cô ấy. Bởi vì chính Ánh Viên đã nhận thức được về một quãng thời gian dài đã phấn đấu, nỗ lực cống hiến hết sức của mình. Bây giờ tuổi tác đã lớn theo quy luật, thành tích phải đi xuống.

Cho dù là VĐV chuyên nghiệp nhưng cuộc sống đâu chỉ mỗi thể thao hay chỉ mỗi mục tiêu trong thể thao như thế. Ánh Viên cần những nhiều điều bình dị, đời thường khác của cuộc sống, của con người. Cuộc sống đời thường của Ánh Viên còn có gia đình, tình yêu, bạn bè, xã hội cùng những điều thú vị, những hiểu biết, những mục tiêu khác ngoài thể thao.

Do đó, tất cả chúng ta cần hiểu, chia sẻ, đồng ý cũng như ủng hộ quyết định của Ánh Viên. Chia sẻ cũng chính là lời động viên để Ánh Viên cảm thấy an tâm hơn, nhẹ lòng hơn về quyết định của mình.

Tôi nghĩ rằng để đi đến quyết định như thế này, Ánh Viên cũng đã suy nghĩ rất lâu, day dứt rất nhiều về quyết định này. Chắc hẳn Ánh Viên cũng cân nhắc xem mình còn làm được đến đâu và những điều mình còn thiếu, mình phải làm.

Tất cả chúng ta dù sao chăng nữa cũng không thể làm thay Ánh Viên những việc của cô ấy. Những nhà quản lý thể thao nước nhà nên tạo điều kiện cho Ánh Viên khắc phục những khó khăn, tìm lại được những điều cần có trong cuộc sống của cô ấy, trở lại cuộc sống bình thường sau những năm tháng dài cống hiến cho thể thao Việt Nam.

Tóm lại, tôi trân trọng những cống hiến của Ánh Viên, tôn trọng quyết định của cô ấy. Cũng mong chúng ta chia sẻ, động viên, tôn trọng đề xuất của Ánh Viên, để cô ấy an tâm hơn cho quyết định của mình.

* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Trần Tuấn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm