Cao Việt Dũng: Thiếu một kiệt tác văn chương về Hà Nội

21/07/2010 20:34 GMT+7 | Người Hà Nội

Cao Việt Dũng tâm sự như vậy. Với khoảng 20 đầu sách văn học và rất nhiều tài liệu đã địch, Cao Việt Dũng vẫn đang liên tục dịch thêm những tác phẩm khác, anh vẫn bước vững chãi trên con đường đã chọn.
Chàng trai Hà Nội vừa bước vào tuổi tam thập nhi lập này hẳn nhiên còn phải đi một con đường dài, nhiều thách thức, nhưng cũng sẽ có nhiều cơ hội để đóng góp cho cộng đồng.

Nhiều người quen nghĩ, đã là người Hà Nội thì nên làm những việc gì “rất Hà Nội”, duy trì cả những thói quen mà nhiều khi bản thân mình không thích. Thuộc thế hệ 8X, Cao Việt Dũng lại có một thời gian dài du học tại Pháp, nghiên cứu về văn chương và các vấn đề thuộc khoa học xã hội, nên nhìn bề ngoài, có vẻ như anh không có chất Hà Nội cho lắm. Có lẽ là chất “toàn cầu hóa” thì đúng hơn.
 
* Không bói đâu ra người uống nước chè từng ngụm nhỏ

Cao Việt Dũng kể: “Ông nội tôi đã từng đánh cá, câu trộm cá tại rất nhiều cái hồ ở Hà Nội. Bây giờ nhà tôi vẫn hay ăn cá, mặc dù cá không phải là món tôi ưa. Trước ông nội tôi thì tôi cũng không rõ vì không có gia phả, nếu có thì tôi cũng chưa bao giờ xem, nhưng có vẻ như là từ nhiều đời nay gia đình bên nội tôi đã sống ở Hà Nội, cụ thể là Thanh Trì, trước là ngoại thành, nay là nội thành. Tuy nhiên, tôi lại sinh ở Nam Định, từ ba tuổi mới về Hà Nội sống. Nhà bên ngoại tôi trước đây đều sống ở Nam Định, tuy rằng ông ngoại tôi cũng lại là người Hà Nội. Tôi gắn bó với thành phố Nam Định suốt quãng đời tuổi nhỏ, gần như mọi mùa hè (và cả dịp Tết) cho đến năm lên 11-12 tuổi tôi đều về Nam Định và biết khá rõ ngóc ngách các khu vực xung quanh Nhà máy dệt Nam Định. Ngày nay Nam Định tiêu điều, còn Hà Nội mỗi ngày một to hơn, cả hai điều đều làm tôi thấy không thích thú như trước kia.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương với cái bằng “coi như bỏ”, Dũng sang Pháp học trong bốn năm, không bao giờ ở đâu ngoài Paris quá ba tuần. Dũng sang Pháp học theo Hệ Quốc tế của Trường Sư phạm phố Ulm, song song với trường Sư phạm học ở Sorbonne, cả hai đều là chuyên ngành văn chương hiện đại. Dũng hiện là nghiên cứu viên của Viện Văn học Việt Nam.


Cao Việt Dũng

“Lúc nào tôi cũng dịch sách nên người ta hay gọi tôi là dịch giả, thậm chí còn hay gọi là "dịch giả trẻ". Điều này làm tôi thấy ngạc nhiên và không dễ chịu chút nào. Dịch sách chỉ là một công việc phụ trợ cho các nghiên cứu của tôi. Người ta cũng hay tưởng tôi là nhà sưu tầm sách vì tôi có nhiều sách. Điều này cũng không đúng, tôi chỉ tìm sách để phục vụ cho công việc nghiên cứu, vì thư viện và lưu trữ ở Việt Nam không thực sự tốt, muốn nghiên cứu thực sự có chất lượng thì chỉ có cách tự mày mò trong thế giới sách cũ, đào bới cùng các nhà sưu tầm sách chuyên nghiệp” - Cao Việt Dũng nói.

Nhận xét về các thói quen Hà Nội, Cao Việt Dũng rất thẳng thắn: “Ăn phở hằng sáng là một việc rất Hà Nội. Ra quán ngồi uống cà phê trong giờ làm việc là một việc rất Hà Nội. Rong chơi tối ngày, cả đời tiêu phí chút khả năng trí tuệ xơ xác, là một việc rất Hà Nội… Nhưng ăn phở rất khó thấy ngon, cà phê Hà Nội rất nhiều nước mắm, mặn chát vô cùng, khó quen, nhưng quen rồi khó bỏ”.

Trong bối cảnh sống bị “trương phồng” bởi các đô thị đông đúc quá nhanh, tìm một người Hà Nội theo kiểu thanh lịch xưa, đâu phải dễ, nhưng cũng không phải khó. Nhìn về lịch sử, Cao Việt Dũng cho rằng: “Người Hà Nội thanh lịch sống rất gần người Hà Nội nói ngọng. Người Hà Nội nông nổi phổi bò sống cách người Hà Nội nhỏ nhẹ trí tuệ vài số nhà. Cho nên tôi thấy rất bối rối trước những lời khẳng định như đinh đóng cột về sự suy thoái phong hóa của đất Hà Nội. Cứ như là xưa kia thì không có cái đặc điểm “tứ chiếng” ấy, còn ngày nay thì không bói đâu ra được những người uống nước chè từng ngụm nhỏ, chứ không tợp một ngụm hết ngay, dù là uống nước chè trên vỉa hè”.  

Cho nên, những thói quen hay phong thái Hà Nội, suy cho cùng là tùy điểm nhìn và giới hạn nhìn của mỗi người mà thôi.
 
* “Sự thiếu khoảng cách đáng sợ”

Những nhà văn tiền bối như Phan Kế Bính, Phan Khôi, Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân… từng có những cách nhìn độc đáo về đặc tính Hà Nội. Thuộc tuýp người mê đọc, Cao Việt Dũng còn kể ra vô số những cây bút điểm tô Hà Nội khác như Ngọc Giao, Mai Thảo, Hoàng Đạo Thúy, Trần Huy Liệu, Nguyễn Việt Hà, Philippe Papin, hay ngay cả những người đặc vị miền Nam như Trương Vĩnh Ký…

 Anh nói: “Tôi thấy họ viết rất hay, nhưng điều này thì không thể khách quan được. Tôi là người Hà Nội, thành thử cứ ai viết về Hà Nội, dù là nhà văn hạng bét, thì tôi cũng thấy có cái gì đó hay hay, cảm động. Có điều, tôi là người đọc sách văn học, phải nói thật, ngày nay vẫn còn nhiều người viết về Hà Nội, xuất hiện hằng ngày trên sách báo, nhưng người ta viết chán quá. Dẫu rằng với tư cách là người Hà Nội tôi vẫn tìm được một vài điều gì đó thú vị; nhưng với tư cách độc giả văn học, tôi rất mong những ai viết về Hà Nội cố gắng viết cho hay hơn.

Còn với tư cách người nghiên cứu văn học, cá nhân tôi cho rằng kiệt tác văn chương về Hà Nội vẫn còn đang chờ đợi một nhà văn của tương lai. Tôi vẫn chưa được đọc tác phẩm nào đi vào một đặc điểm mà tôi cho là rất đặc trưng của Hà Nội: sự thiếu khoảng cách đáng sợ! Không hẳn ở từng con người thiếu ý thức về khoảng cách, khi bạn rất dễ giẫm chân phải xô nước của nhà hàng xóm, hoặc nếu chiều cao khả quan bạn hay bị vướng mấy thứ đồ lót chăng dây qua ngõ. Mà tính chất thiếu khoảng cách này đã là tinh thần chung của thành phố rồi (ở phương Tây tôi mới chỉ thấy có một thành phố tương tự với Hà Nội ở khía cạnh này: thủ đô Rome của nước Ý). Một đặc điểm nữa là Hà Nội rất có khả năng làm “tha hóa” con người: tôi đã chứng kiến rất nhiều người nước ngoài văn minh lịch sự lúc đặt chân đến đây nhưng chỉ vài tuần sau là phóng xe máy ầm ầm ngoài đường không đội mũ bảo hiểm và cười hề hề với cảnh sát giao thông khi bị chặn lại, thậm chí còn có vẻ rất hãnh diện về năng lực “tự thích ứng” của mình. Xin lỗi, nhưng tôi thấy buồn cười lắm”.

Như một lời hứa lúc chia tay, Cao Việt Dũng nói: “Tôi không nghĩ là mình đủ năng lực để điểm tô gì cho thành phố này, nhưng quả thực là tôi cố gắng làm một số việc có ích. Mặc dù không tự coi mình là một dịch giả, nhưng tôi vẫn sẽ dịch sách, nếu có cơ hội tốt tôi sẽ cố gắng dịch các tác phẩm văn học hoặc khảo cứu về Hà Nội”.

Như Hà (ghi) 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm