Càng bị nghi ngờ, Murray càng đáng sợ

05/06/2017 06:18 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Quyết tâm vượt qua cái bóng của Roger Federer, Rafa Nadal và Novak Djokovic đã giúp Andy Murray gặt hái những thành công. Còn bây giờ, trong thời điểm khó khăn về phong độ, chính việc bị chỉ trích và ngờ vực lại là động lực lớn đối với anh.

Đó có lẽ cũng là bí quyết chính giúp Andy Murray đánh bại đối thủ khó chịu Juan Martin Del Potro (hạt giống số 29) ở vòng ba Roland Garros năm nay chỉ sau 3 set đấu với tỷ số 7-6 (8), 7-5, 6-0.

Murray và “thuốc thử” Del Potro

Cuộc so tài của hai nhà vô địch Grand Slam ấy chắc chắn là trận đấu tâm điểm của vòng ba nội dung đơn nam. Tháng Tám năm ngoái, Murray đánh bại Del Potro để giành tấm HCV Olympic Rio 2016. Một tháng sau, tay vợt người Argentina đòi nợ khi hạ đối phương ở bán kết Davis Cup. Cuộc đấu này còn được chờ đợi bởi sự đối nghịch về phong cách giữa hai tay vợt. Murray thiên về phòng thủ trong khi Del Potro tấn công chủ động.

Tại sao Andy Murray là hạt giống số 1 thảm họa nhất ở Roland Garros 2017?

Tại sao Andy Murray là hạt giống số 1 thảm họa nhất ở Roland Garros 2017?

Andy Murray chưa bao giờ có duyên với Roland Garros, và dù là hạt giống số một tại giải năm nay, anh lại quá lép vế so với những tay vợt xếp dưới như Rafael Nadal, Novak Djokovic và Stan Wawrinka...

Del Potro mới trở lại Roland Garros lần đầu tiên sau 5 năm, và rõ ràng anh khá xui xẻo khi đụng hạt giống số một của giải ngay vòng ba, bất chấp Murray hiện tại không có được phong độ tốt nhất. Về phần mình, dù thừa nhận rằng việc phải đụng Del Potro sớm thế này là nhiệm vụ chẳng dễ dàng gì, nhưng Murray tin rằng đó sẽ là một dấu hiệu tích cực: “Khi bạn thi đấu với một tay vợt giỏi, có thể bạn sẽ có động lực hơn, sự tập trung của bạn sẽ cao hơn một chút”.

Những gì diễn ra ở sân Philippe Chatrier cuối tuần qua, minh chứng rõ cho những gì mà Andy Murray vừa phát biểu. Anh bị mất break ở game thứ 3, nhưng sau đó đã đòi lại ở game thứ 10 và trong loạt tie-break, sự lì lợm và bản lĩnh đã giúp anh thắng 10-8. Set thứ hai có kịch bản gần giống thế, nhưng không cần đến loạt tie-break, bởi break duy nhất ở game 11 của Murray đã giúp anh thắng 7-5. Còn ở set cuối cùng, đó là show của Murray khi anh khiến đối phương chỉ biết chống đỡ và thua trắng 0-6.

“Murray đã lấy lại phong độ bản thân và đây là tuần đầu tiên gần như hoàn hảo của anh ấy”, chuyên gia phân tích Patrick McEnroe của ESPN nhận xét. “Ban đầu, tôi không nghĩ anh ấy sẽ là một nhân tố quan trọng ở giải đấu này. Nhưng bây giờ, sau những gì chứng kiến, tôi sẽ phải đánh giá lại. Điều tuyệt vời nhất với Murray là cách anh kết thúc. Nó giúp anh tự tin lên rất nhiều”.

Khi Murray biết mình, biết người

Trong khi đó, Mary Carillo của Tennis Channel thì khẳng định “phong độ của hiện tại của Andy Murray là tốt nhất trong khoảng một thời gian dài, về kỹ chiến thuật và cảm xúc”. Trừ cú giao bóng chưa ổn lắm, mọi cú quả của Murray là khá chắc chắn.

Đối thủ kế tiếp của Murray ở vòng 4 sẽ là hiện tượng Karen Khachanov, người vừa bất ngờ đánh bại John Isner (24) 7-6 (1), 6-3, 6-7 (5), 7-6 (3) tối qua. Tay vợt 21 tuổi người Nga có chiều cao 1m98 và những cú giao bóng khá nặng, tuy nhiên, theo Carillo, đó không phải vấn đề lớn: “Anh ấy có thể đọc những cú giao bóng một cách rất tốt”.

Hành trình lên đỉnh thể giới của Andy Murray

Chính phong độ không tốt trước thềm Roland Garros giúp Murray không huyễn hoặc về bản thân. Và đó là một điều hết sức thuận lợi về mặt tâm lý cũng như cách thức đối phó với các đối thủ sắp tới. “Tôi biết mình đang ở đâu. Tôi vẫn đang chơi không tốt”, Murray tự chỉ trích bản thân, dù chiến thắng sau vỏn vẹn 84 phút trước Del Potro được giới chuyên môn đánh giá khá cao. Đây là lần thứ 25 liên tiếp, Murray lọt vào vòng 4 Grand Slam.

Hãy nghe bại tướng của anh thú nhận. “Anh ấy buộc tôi phải di chuyển, buộc tôi phải đánh trái tay trước, rồi cắt bóng. Thỉnh thoảng, những cú bạt chéo của anh đi cực khó. Chỉ một số ít những tay vợt thông minh, mới làm được như thế”.

Phương Chi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm