(TT&VH) - Sự thay đổi khí hậu, các tranh chấp về biên giới và sự phản đối từ người dân đang là những mối đe dọa tới rừng Bialowieza của Ba Lan - khu rừng cổ cuối cùng ở châu Âu.
Một cuộc tranh cãi giữa việc cần thiết phải bảo tồn hay phát triển kinh tế đang đe dọa tới tương lai của phần lớn khu rừng Bialowieza. Rộng 380.000 mẫu và nằm giữa biên giới Ba Lan - Belarus, khu rừng này đã được nhận danh hiệu Di sản thế giới từ năm 1979 và là nơi cư ngụ của đàn bò Bizon lớn nhất lục địa già.
Bò rừng Bizon
Cư dân bên phía biên giới Ba Lan đang phản đối các kế hoạch mở rộng khu vực được bảo vệ - hiện bị đe dọa bởi nhiệt độ gia tăng và mưa ít. Được sự khuyến khích của các tổ chức bảo tồn quốc tế, Warsaw muốn mở rộng Công viên quốc gia tại khu vực này, hiện chiếm chưa đầy 1/5 phần rừng bên phía Ba Lan. Tuy nhiên, đây là vùng nghèo nhất Ba Lan và 2.400 người dân của Bialowieza đang hoài nghi về dự án đó. Họ lo ngại rằng nó sẽ ngăn cản sự đầu tư, gây nên tình trạng thất nghiệp và giảm nguồn thu thuế của cộng đồng. “Người ta sẽ nghĩ bạn bị điên nếu không sẵn lòng nhận tiền. Và nếu đầu tư như hiện nay thì chỉ có cây xanh, trong khi chúng tôi cần có những con đường” - Thị trưởng Bialowieza, Albert Litwinowicz, nói.
Các khu rừng chiếm hơn 80% diện tích của Bialowieza đã tạo nên một nguồn thu nhập đáng kể nhờ có sự đầu tư từ chính phủ. Các nguồn thu chủ yếu đến từ rừng gỗ và nhiều khoản trợ cấp khác. Nhưng khoản thu nhập đó sẽ bị chia đôi nếu cả khu vực này sáp nhập vào Công viên quốc gia và hầu hết 50 nhân công làm việc trong rừng sẽ bị mất việc. “Xây dựng bất cứ thứ gì ở giữa một công viên quốc gia với những quy tắc bảo tồn nghiêm ngặt gần như là điều không thể, mà chúng tôi thì muốn phát triển đường xá và những cơ sở hạ tầng khác tốt hơn”, ông Litwinowicz cho biết.
Ở gần nơi này không có một trung tâm công nghiệp chính nào. Hàng năm, Bialowieza đón 150.000 du khách nhưng du lịch chỉ chiếm 1/10 nguồn thu của địa phương. Tuy nhiên, tại Bialowieza gần như không có nạn thất nghiệp vì hồi năm 1990, 1/4 số dân ở đây đã rời đi nơi khác. Các dấu hiệu thay đổi khí hậu đang là mối đe dọa lớn nhất cho khu rừng. “Trong nửa thế kỷ qua, nhiệt độ trung bình hàng năm ở đây tăng 0,8oC. Như vậy là quá nhiều đối với một khu rừng nguyên sinh. Lượng mưa ít đi trong mùa Hè, mùa Đông thì ấm áp và ngắn hơn, như vậy khiến thực vật phát triển sớm hơn” - Elzbieta Malzahn thuộc Viện nghiên cứu rừng Ba Lan nói.
Những người quản lý Công viên quốc gia cho biết mực nước ngầm ở đây đã giảm xuống 5cm trong ba thập kỷ qua. Bialowieza từng giữ được vẻ nguyên sơ từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20 vì đây là khu vực cấm săn bắn của hoàng gia. Khu rừng này là nơi sinh trưởng của hơn 3.000 loài nấm, 178 loài chim và 58 loài động vật có vú, gồm cả chó sói, mèo rừng và 800 con bò rừng Bizon. Cho đến nay, các thay đổi chưa gây nguy hiểm tới loài bò này vì chúng vốn dễ dàng thích nghi với môi trường.
Thế nhưng, nhiều nỗ lực bảo vệ khu rừng đã bị phá hỏng bởi các tranh cãi chính trị giữa Belarus và Ba Lan. Sau khi Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hồi năm 2004, khu rừng này đã có một hàng rào chắn do người Belarus xây dựng cách đây vài năm và nó ngăn chặn bò rừng hai bên “giao lưu” với nhau.
Để mở rộng khu vực đã được bảo vệ bên phía Ba Lan, chính phủ nước này cần có sự ủng hộ của các nhà chức trách địa phương. “Trong nhiều năm trời, người dân bản địa đã phản đối các kế hoạch mở rộng công viên và giờ đây chúng tôi đang giới thiệu một dự án để người dân thấy rằng cuộc sống của họ sẽ không bị ảnh hưởng” - Janusz Zaleski, Thứ trưởng Bộ Môi trường Ba Lan, nói. Nhưng Thị trưởng Litwinowicz dường như chưa cảm thấy dự án đó đủ sức thuyết phục. Ông đang cân nhắc tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến của người dân địa phương: “Nếu nơi chúng ta sống quá khác thường đối với cả châu Âu thì tại sao cư dân không được lợi hơn là phải chịu tổn thất? Về cá nhân, tôi phản đối dự án đó, nhưng mọi người sẽ quyết định”.
Lương Tuấn Vĩ