Bà Trần Thị Thanh Kỳ và thương hiệu cà phê của những người yêu nước

28/04/2010 14:21 GMT+7 | Người Hà Nội

Cà phê “biệt động đội”

Ông Nguyễn Văn Thi là người đã sáng lập cà phê Nhân. Ông sinh năm 1918, ở làng Vị Hà, huyện Bình Lục, Hà Nam, quê hương cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Là con trong một gia đình nghèo nhưng ông vốn thông minh và học giỏi. Ông Thi nguyên là đội viên Đội biệt động Liên khu 3 (đội biệt động Hoàng Diệu) hoạt động trong nội thành, dưới sự chỉ huy của ông Tạ Đình Đề. Năm 1946, gia đình ông bà Thi đi tản cư ở Vân Đình. Được sự gợi ý của cấp trên, ông Thi quyết định mở quán bán cà phê, vừa là nguồn sống của gia đình, nguồn kinh phí hoạt động cách mạng, lại có thể trở thành nơi nhận liên lạc của cán bộ Cách mạng. Ông Thi cùng với 2 người bạn là ông Thế và ông Nhân đã tự nghiên cứu, mua cà phê tươi về rang, xay.

Những mẻ cà phê đầu tiên đều không thành công, mẻ thì sống, mẻ thì cháy khét. Ông Thi phải vào tận liên khu 4 cũ, nơi có những đồn điền nhỏ để tìm hiểu về các loại cà phê. Ông chọn mua hạt và nghiên cứu pha trộn với tỷ lệ từng phần khác nhau. Cà phê do ông Thi chế biến, với một tỉ lệ “bí mật” giữa cà phê chè và cà phê vối, có hương vị thật đặc biệt, quyến rũ được những người am tường ẩm thực.

Thời điểm ấy ở Hà Nội có 2 quán nổi tiếng là cà phê Tống và cà phê Ngôn, được đặt theo tên người chủ cửa hiệu. Ba người bạn biệt động đội – ba “sáng lập viên” thống nhất lấy từ Nhân cho tên hiệu của quán. Chữ Nhân không còn là tên riêng mà chứa đựng hàm ý Nhân đức, Nhân tâm, Nhân hậu, Nhân nghĩa bạn bè... và cũng nhằm để trở thành một bộ ba cà phê nổi tiếng “Tống – Nhân – Ngôn” của Hà Nội sau này.
Cà phê Nhân do ba người sáng lập, nhưng chỉ có gia đình ông bà Thi Kỳ là người trực tiếp tìm tòi, chế biến và kinh doanh. Quán cà phê Nhân ở Vân Đình thu hút đông đảo người thưởng thức, trở thành nguồn thu nhập chính nuôi sống 18 người trong gia đình ông bà Thi Kỳ thời kỳ tản cư. Cán bộ kháng chiến cũng chọn đây là một “mật cứ” để gặp gỡ, móc nối liên lạc, trao đổi tin tức quân sự, tình báo giữa nội thành và vùng sơ tán địa phương. Một số cán bộ cách mạng đã mua sản phẩm của ông bà Thi, mở thêm cửa hàng mang tên cà phê Nhân tại các vùng Cổng Thần, Chợ Đại . rừng thông... Anh em hoạt động trong vùng hay đi công tác tới đâu đều tìm đến cà phê Nhân để móc nối, liên hệ. Như thế, cà phê Nhân không đơn thuần là tên gọi của một cửa hiệu và sản phẩm nữa, nó còn làm nhiệm vụ như một tín hiệu liên lạc của  cách mạng.
Năm 1949, Pháp nhảy dù ở Vân Đình, phần lớn gia đình ông Thi trở về Hà Nội. Riêng ông bà, cùng một số anh em ruột lại sơ tán về Nho Quan (Ninh Bình). Tại đây, quán cà phê Nhân tiếp tục được mở ra để kinh doanh. Dòng người đổ về Nho Quan tản cư cũng rất đông, quán Cà phê Nhân đã lấy lại được không khí sầm uất như thời gian ở Vân Đình. Số phận cà phê Nhân cũng lận đận, cũng sống cảnh “sơ tán” như nhân dân ta những năm tháng chống Pháp. Năm 1951, ông Tạ Đình Đề xin với liên khu trưởng Hoàng Sâm cho ông Thi trở về Hà Nội mở quán cà phê để làm nơi sinh hoạt của đội biệt động. Thế là ông Thi cùng vợ lại dắt díu gia đình “dinh tê” (một kiểu nói ám chỉ việc trở lại thành phố thời đó - T là thành phố). Ngày ấy, gia đình nào đang tản cư mà “dinh tê ” thì bị xem như là phản động. Bất chấp lời ra, tiếng vào của người xung quanh, vì nhiệm vụ, ông bà Thi đã trở về thủ đô, gây dựng lại quán cà phê Nhân tại số nhà 100 phố Cầu Gỗ. Cuối những năm 1950 thì cà phê Nhân đã trở thành một trong những quán bậc nhất Hà Nội.

Người phụ nữ làm nên thương hiệu cà phê Nhân

Bà Trần Thị Thanh Kỳ sinh năm 1930 tại làng Hoàng Xá, xã Vân Đình, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Bà sinh ra trong một gia đình gia giáo, có bố là thầy lang giỏi, nổi tiếng trong vùng. Nay, tuy đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà vẫn giữ vai trò là “Chủ tịch HĐQT” cho con cháu trong việc chọn mua nguyên liệu, pha chế và rang xay cà phê Nhân.
Năm 1960, Nhà nước thực hiện cải tạo công thương, cà phê Nhân được đưa vào hợp doanh trong Cty ăn uống Hoàn Kiếm. Bà Kỳ được giao phụ trách kỹ thuật rang, xay cà phê ở cửa hàng số 8 Điện Biên Phủ, hai người con gái pha chế ở Khách sạn Phú Gia. Do đời sống những năm bao cấp khó khăn, chật vật, lại sống chết với nghề cà phê bao nhiêu năm, đầu những năm 1980, sau khi nghỉ hưu, bà Kỳ mở lại quán cà phê ở số 27 phố Lương Ngọc Quyến và nhanh chóng đông khách trở lại.
                                      Ông Nguyễn Văn Thi và bà Trần thị Thanh Kỳ năm 1977  (ảnh tư liệu gia đình)

Do tuổi tác, ông bà Thi Kỳ đã thôi không trực tiếp bán hàng mà giao lại cho cô con gái út, mạnh dạn thuê lại bãi đất trống ở ngã ba Hàng Hành (tức số nhà 37 bây giờ) làm nơi khởi nghiệp. Phố Hàng Hành khi ấy chỉ là một ngõ nhỏ vắng vẻ chỉ đi vừa chiếc xích lô; là chỗ cho mấy đứa trẻ rải chiếu và chơi bi. Cái quán nhỏ, vách bằng cót ép, lợp lá chuyên bán bánh mỳ và cà phê của bà Hạnh là loại hình kinh doanh duy nhất của phố. Khách tới đây chủ yếu là khách quen của cà phê Nhân từ thời trước đó.
Kinh doanh cà phê thời bao cấp mọi thứ đều phân phối, đường và sữa cực kỳ hiếm nhưng nhờ tài xoay xở, làm ăn luôn giữ uy tín về chất lượng, cà phê Nhân của bà Hạnh, con gái út của ông bà Thi Kỳ ngày càng thêm đông khách. Sau nhiều năm vật lộn với việc kinh doanh, thương hiệu cà phê Nhân đã được đền bù xứng đáng. Không chỉ đủ tiền mua và xây dựng quán cà phê lớn ở số 39 phố Hàng Hành, bà Hạnh đã phát triển cà phê Nhân thành một thương hiệu lớn trong lĩnh vực ẩm thực Hà Nội, trở thành một dấu ấn không thể phai mờ trong lòng nhiều người Hà Nội.
Cho tới thời điểm này, ở Hà Nội đã có gần một chục quán mang thương hiệu Cà phê Nhân do các con và cháu ông bà Thi Kỳ mở, như: Cà phê Nhân số 39D Hàng Hành, số 9 Láng Hạ, số 143 Nguyễn Thái Học, phố Đê La Thành.... Ngõ Hàng Hành nhỏ bé ngày nào giờ đã trở thành “phố cà phê”. Có thể nói, sự hoà quyện giữa niềm say mê tìm tòi và sáng tạo ra công thức sao tẩm, pha chế riêng có cho cà phê Nhân của ông Nguyễn Văn Thi và sự gìn giữ, chế biến khéo léo từ đôi mắt, bàn tay bà Trần Thị Thanh Kỳ đã để lại cho Hà Nội một thức uống độc đáo. Không biết đã có bao nhiêu người Hà Nội nảy sinh ý tưởng mới khi ngồi lặng lẽ nhìn những giọt cà phê Nhân chầm chậm nhỏ?

Ông Nguyễn Văn Thi đã mất từ năm 1995. Hiện bà Trần Thị Thanh Kỳ an nhàn dưỡng già trong một căn ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học – Hà Nội. Bà vẫn tự tay mình rang xay cà phê. Ngõ nhỏ ấy luôn thơm sực một mùi hương nồng đượm.

Phong Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm