28/04/2012 19:04 GMT+7 | Thể thao
(TT&VH Cuối tuần) - Mục tiêu giành từ 20 đến 30 suất đến London bằng cửa chính đã sớm thành chuyện viển vông, nhưng cho tới thời điểm này, với việc có 9 tuyển thủ vượt qua vòng loại Olympic 2012, thể thao Việt Nam cũng đã làm nên kỳ tích mới. Chỉ có điều, cái kỳ tích ấy lại chưa hẳn là “điều kiện đủ” để biến “giấc mộng” huy chương thế vận hội trở thành hiện thực!
9 và còn hơn thế nữa...
Bản chất của thế vận hội là cái sân chơi mở của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) khi tất cả các thành viên đều có quyền tham dự, nhưng cơ hội để có thể đội lên vòng nguyệt quế giành cho người chiến thắng ở đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh này lại chẳng hề nhiều. Olympic 2008 là minh chứng. Dù lập nên kỷ lục mới với tổng số 204 đoàn tham dự nhưng tại Bắc Kinh, chỉ có 86 đoàn giành được huy chương. Một cách hình ảnh hơn, chiến thắng chỉ giành cho những người giỏi nhất.
Và như thế, để “giấc mộng” huy chương có thể thành hiện thực, trước tiên thể thao Việt Nam phải đạt “điều kiện cần” là giành được nhiều hơn các suất tham dự chính thức thông qua vòng loại, thay vì chỉ là những suất mời, hoặc đặc cách quen thuộc. Đơn giản, chỉ có những suất đi bằng “cửa chính” mới có đủ khả năng tranh chấp huy chương. Tới thời điểm hiện tại, với việc đã có tới 9 tuyển thủ chắc chắn có mặt tại London mùa hè tới, thể thao Việt Nam không chỉ làm nên kỳ tích mới (tại Olympic 2008 chỉ có 8 vận động viên giành suất tham dự chính thức), mà cơ hội tranh chấp huy chương về lý thuyết cũng trở nên lớn hơn nhiều.
Phan Thị Hà Thành, niềm hy vọng của môn thể dục dụng cụ tại Olympic London 2012. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN
Chắc chắn kỳ tích mới này cũng sẽ không dừng lại ở con số 9 bởi đây đang là tháng cao điểm khi thời điểm “khóa sổ” danh sách tham dự Olympic 2012 đã cận kề. Trở lại Top 10 đơn nam thế giới, việc cây vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh được xướng danh tại London chỉ còn là vấn đề thời gian và thủ tục. Trong tháng 4, cử tạ đang cử “đại quân” tới giải vô địch châu Á tại Hàn Quốc với mục tiêu đứng trong Top 4 nhằm có ít nhất 1 suất tham dự chính thức dành cho 2 gương mặt sáng giá ở hạng 56kg nam là Trần Lê Quốc Toàn, hoặc Thạch Kim Tuấn. Hy vọng còn đặt vào những Diệu Ninh (vật tự do nữ hạng 55kg), thuyền đôi nữ hạng nhẹ... ở các vòng loại châu Á và thế giới.
Tới tháng 5, tâm điểm dồn vào Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng với cơ hội cuối để giành vé tại 3 đấu Grand Prix châu Á tổ chức tại Thái Lan cùng cuộc tuyển chọn ở Trung Quốc của đội tuyển quyền Anh nữ. Chưa tính tới các thành tích đạt chuẩn B của Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), hay các suất đặc cách khác, thì nhiều khả năng, lần đầu tiên trong lịch sử tham dự thế vận hội của mình, thể thao Việt Nam sẽ có khoảng hơn 10 suất đi bằng cửa chính.
Lửng lơ... giấc mộng
Xét về mặt con số, rõ ràng, thể thao Việt Nam đã đạt được cái “điều kiện cần” trong cuộc chinh phục đấu trường Olympic 2012 và nó cũng lý giải cho thái độ lạc quan của những nhà quản lý trước mục tiêu giành huy chương ở London. Tính từ tấm huy chương bạc của nữ võ sỹ Trần Hiếu Ngân tại Sydney 2000 tới ngôi á quân của lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn ở Bắc Kinh 2008, thực tế “cửa” tranh chấp huy chương chỉ bó hẹp ở taekwondo cùng cử tạ, nhưng đến London vào cuối tháng 7 tới, theo tính toán của giới chuyên môn, “cửa” còn được mở ra cả với judo, vật và thể dục dụng cụ.
9 tấm vé đi London Cho đến nay, thể thao Việt Nam đã chắc chắn có 9 vận động viên dự Olympic 2012, bao gồm Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ); Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh (taekwondo); Hoàng Xuân Vinh, Lê Thị Hoàng Ngọc (bắn súng); Văn Ngọc Tú (Judo); Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh) và Nguyễn Thị Lụa (vật tự do nữ). |
Vậy trong số những tuyển thủ đã và sẽ tới London bằng cửa chính, ai là người đủ khả năng tranh chấp thực sự? Không nhiều và cũng không hề chắc chắn. Phan Thị Hà Thanh với tấm huy chương đồng thế giới 2011 đương nhiên là sáng giá nhất, nhưng nên nhớ tấm huy chương đó đánh dấu đỉnh cao trong sự nghiệp của cô gái Hải Phòng này nhờ màn thi đấu bùng nổ, thay vì sự ổn định ở mức cao. Đó là còn chưa kể đến quá trình chuẩn bị ngắn ngủi và đầy trục trặc của Hà Thanh trước khi đến với thế vận hội đang ảnh hưởng rất nhiều tới việc tập luyện, thi đấu.
Ở môn cử tạ, Trần Lê Quốc Toàn hiện đứng 3 trong bảng xếp hạng 56kg nam của Liên đoàn cử tại quốc tế nhờ thành tích vô địch SEA Games 26 (280kg tổng cử) và Thạch Kim Tuấn hạng 5 (277kg) cũng có nhiều cơ hội. Chỉ có điều, cái thiếu của cả 2 lực sỹ trẻ này là sự tự tin nếu so với đàn anh Hoàng Anh Tuấn. Cũng như thế với Huỳnh Châu, Diệu Linh (taekwondo); Văn Ngọc Tú (judo), kể cả Nguyễn Thị Lụa (vật tự do nữ) khi ngoài việc phải đạt phong độ cao, còn phụ thuộc rất nhiều vào sự may rủi của lá thăm ở những môn mang tính đối kháng.
Tóm lại, cơ hội tranh chấp là nhiều hơn, nhưng điều quan trọng là các nhà quản lý thể thao cần phải tạo mọi điều kiện tốt nhất để biến cái cơ hội ấy thành hiện thực, thay vì chuyện cứ “lạc quan tếu” để rồi gây sức ép không cần thiết lên chính các vận động viên. Bằng không, giấc mộng huy chương cứ lửng lơ giữa mơ và thực!
Nói trước bước không qua! Nói trước bước không qua hay sự yếu kém trong công tác thông tin, dự báo thành tích của thể thao Việt Nam vốn chẳng còn là chuyện lạ, chứ chưa nói là chuyện... nực cười. Năm 2003, trên sân nhà, Việt Nam vô địch đến vô đối tại SEA Games 22 và 1 năm sau, chỉ tiêu huy chương được dự báo khi đến với Olympic Athens. Lúc đó, sau tấm huy chương bạc của Trần Hiếu Ngân, trong thành phần của đoàn còn có nhà vô địch nhảy cao nữ Bùi Thị Nhung, “độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng ở môn taekwondo... nhưng chung cuộc là “tay trắng”. Trưởng đoàn thể thao Việt Nam khi ấy, ông Nguyễn Hồng Minh, thừa nhận: “Thể thao Việt Nam vẫn quá đuối sức trên con đường lấy huy chương”. Tới ASIAD 2006, cũng chính Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh phải lên tiếng xin lỗi người hâm mộ vì không đạt chỉ tiêu vàng (chỉ đoạt 3 huy chương vàng, trong khi chỉ tiêu là giành từ 5 -7 huy chương vàng). Gần nhất là ASIAD 2010 khi thể thao Việt Nam “thận trọng” đặt chỉ tiêu 4 - 6 huy chương vàng, nhưng khi tất cả các niềm hy vọng... đều tắt, thì cứu tinh Lê Bích Phương bất ngờ xuất hiện với chức vô địch vào ngày áp chót. Bi hài là ở chỗ, chính Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, ông Lê Quý Phượng, cũng không nghĩ tới và cũng không có mặt khi Bích Phương giành huy chương vàng, mà đến sân điền kinh xem thi đấu để chờ... huy chương bạc! Nhưng nghịch lý là ở chỗ, các kỳ SEA Games, dù dự báo thế nào thì thể thao Việt Nam cũng vượt xa thành tích. Bằng chứng là tại SEA Games 26, đặt chỉ tiêu có 70 huy chương vàng nhưng đoàn thể thao Việt Nam đã vượt lên, mang về tới 96 chiếc. Lý do, theo dân trong nghề thể thao tiết lộ, ở SEA Games chuyện có vàng là chắc chắn, nhưng không bao giờ các bộ môn, đội tuyển lại đăng ký hết khả năng, để tránh cái gọi là... không hoàn thành chỉ tiêu! |
Vũ Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất