Thể thao Việt Nam vất vả chuyện vươn tầm

03/04/2025 08:32 GMT+7 | Thể thao

Mùa lễ hội sau Tết nguyên đán vừa qua, không có tuyển thủ nào của môn vật tham gia các sới vật hội làng cổ truyền như mọi năm. Đây là yêu cầu của ban huấn luyện, với chương trình tập trung đội tuyển ngay từ mồng 6 Tết nhằm tập trung cho công tác thi đấu của năm 2025 được dự báo sẽ rất khó khăn.

Vật là một môn được đưa vào danh sách 17 môn dự kiến trọng điểm đầu tư của thể thao Việt Nam (TTVN), chủ yếu hướng đến huy chương tại Asiad, đấu trường là cho đến nay, vật chỉ có duy nhất 1 chiếc HCB do công của độ cử Nguyễn Thị Lụa hồi năm 2010. Còn với đấu trường Olympic, gần như mặc nhiên là chúng ta "không có cửa", ngay cả việc giành suất tham dự.

Vật chính là môn có tính chất điển hình nhất khi nói về khoảng cách giữa việc "làm vua SEA Games" nhưng không là gì khi tiến ra châu Á. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, vật Việt Nam gần như vô đối tại Đông Nam Á khi luôn chiếm hơn 2/3 số HCV.

Lý do cũng khá đơn giản, vật không phải là môn phổ biến tại SEA Games. Có nhiều kỳ Đại hội, nước chủ nhà không đưa vật vào chương trình thi đấu bất chấp đây là một trong những môn lâu đời nhất của phong trào Olympic.

Tại SEA Games 33 sắp đến, Thái Lan có tổ chức thi đấu môn vật nhưng khống chế nhiều nội dung khiến vật Việt Nam chỉ dám đăng ký chỉ tiêu 6 HCV, tức là ít hơn phân nửa so với 2 kỳ SEA Games gần nhất.

Nói cách khác, sự "thống trị" của vật Việt Nam chỉ đơn giản là do đối thủ trong khu vực quá yếu. Thế nên, sau khi Indonesia và Campuchia quyết tâm đầu tư mạnh môn này thông qua việc nhập tịch VĐV cũng như đi tập huấn quốc tế, thì ngay lập tức vật Việt Nam gặp thách thức lớn. Và đấy chính là vấn đề của việc quá tập trung vào số lượng huy chương ở SEA Games mà xao nhãng công tác nâng tầm VĐV.

Vất vả chuyện vươn tầm - Ảnh 1.

Vật là một môn được đưa vào danh sách 17 môn dự kiến trọng điểm đầu tư của thể thao Việt Nam. Ảnh: Liên đoàn vật Việt Nam

Vật là môn có thể xem là môn có tính truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam nhờ dòng chảy lịch sử ngàn năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tinh thần thượng võ và các lễ hội văn hóa lâu đời ở các làng quê phía Bắc.

Điều này có thể thấy ngay qua sự thắng thế của các đô cử tại khu vực Đông Nam Á hay việc nhiều VĐV vật chuyển sang thi đấu Jujitsu thì lại liên tục có huy chương ở Asiad. Nhưng cũng vì vậy mới thấy tiếc cho vật khi chúng ta không thể có một sự đột phá mang tính chiến lược nào cho đến thời điểm này.

Sự thụ động này cũng có thể thấy qua việc Liên đoàn vật Việt Nam cũng chỉ mới được thành lập hồi năm 2019, hiện đã hết nhiệm kỳ 1 nhưng lại chưa thể ấn định thời gian để tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2. Người thì không thiếu, cái chính vẫn là bản thân môn vật cũng chưa có định hướng rõ ràng nào, triển vọng khai thác tài trợ, tìm kiếm doanh thu gần như không có, áp lực thành tích thì đang tăng lên nên ngay cả việc cơ cấu nhân sự để tổ chức Đại hội Liên đoàn cũng bế tắc.

Đáng tiếc là "thời cơ vàng" của vật dường như đã qua. Trong 2 môn vật tự do và vật cổ điển, chúng ta chỉ có chút hy vọng ở các đô nữ nội dung tự do nhờ vẫn còn một số hạng cân thấp để tranh tài. Tương tự như nhiều môn khác, các hạng cân nhẹ đang ngày càng ít đi ở Olympic lẫn Asiad nên có thể nói bây giờ mà đầu tư trọng điểm cho vật cũng là một quyết định có phần mạo hiểm của các nhà quản lý. Trong giai đoạn thăng hoa nhất của vật, thì chúng ta gần như chỉ loanh quanh tập huấn trong nước, không cọ xát quốc tế nhiều, nên cứ ở trong tình trạng số 1 SEA Games nhưng chẳng là gì khi ra thế giới.

Thôi thì muộn còn hơn không. Cuộc đua thành tích cũng như số lượng huy chương ở các kỳ SEA Games đang dần để lại các hệ lụy cho nền TTVN khi nhiều môn tưởng là thế mạnh nhưng giờ đứng trước ngã ba đường, như môn vật.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm