Thể thao Việt Nam và tầm nhìn ASIAD

28/10/2024 14:31 GMT+7 | Thể thao

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa thay mặt Chính phủ ký phê duyệt chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Chiến lược). Đây được xem là cơ sở để thể thao Việt Nam (TTVN) chuyển mình, nhất là sau kỳ Asiad và Olympic không thành công vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn đó băn khoăn: ngành thể thao sẽ triển khai như thế nào?

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2024 của TP.HCM được tổ chức hôm 15/10 vừa qua, liên quan đến hoạt động đầu tư hạ tầng ở lĩnh vực văn hóa và thể thao, các doanh nghiệp đều nêu ý kiến rằng mặc dù họ quan tâm nhưng lĩnh vực thể thao không có sức hấp dẫn về khía cạnh kinh doanh, trong khi các phương thức hợp tác lại vướng nhiều vấn đề liên quan đến đất công. Trong 5 dự án văn hóa và thể thao được ưu tiên mời gọi đầu tư tại hội nghị, thì cũng chỉ duy nhất 1 công trình có liên quan đến thể thao là Trung tâm Văn hóa Thể thao đa năng ở huyện Cần Giờ. Ngay dự án này, dường như yếu tố thể thao cũng không quá rõ.

Ở một diễn biến khác: tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam lần thứ 2, nội dung trao đổi thì không mới nhưng những người tham dự diễn đàn, từ diễn giả, khách mời cho đến người tham dự vẫn đơn thuần là các nhà quản lý thể thao, người làm chuyên môn thuần túy mà vắng đại diện của các cơ quan quản lý Nhà nước ở các mảng tài chính, đầu tư…, chưa kể thiếu những đại diện các Quỹ đầu tư, doanh nghiệp đang làm thể thao ở Việt Nam…

Điều này có nghĩa vấn đề về kinh doanh trong thể thao vẫn chỉ nằm ở góc độ ý chí mong muốn mà chưa có lộ trình cụ thể để hiện thực hóa.

Nói như vậy là bởi trong Chiến lược của TTVN có nhấn mạnh đến mảng xã hội hóa và kinh tế thể thao. Đây được xem là cơ sở để chúng ta hướng đến việc duy trì tốp 15 châu Á và tìm huy chương ở Olympic. Tạm cho rằng, ngân sách Nhà nước cấp mỗi năm dùng để phục vụ cho mục tiêu phong trào và tốp đầu SEA Games, thì muốn tiến xa hơn, bắt buộc phải nói đến chuyện đầu tư thêm, đầu tư mạnh. Nhưng ngay thời điểm này, vẫn chưa có chuyển biến nào đáng kể trong khâu này.

Nghĩ về tầm nhìn Asiad  - Ảnh 1.

Tại Asiad gần nhất, bóng chuyền nữ Việt Nam đã lần đầu tiên vào tới top 4 chung cuộc. Ảnh: Hoàng Linh

Tập đoàn T&T sau thành công ở bóng đá đã thành lập bộ phận bóng bàn và cũng trên dưới 10 năm, đầu tư khá mạnh cho khâu nhân sự, thì mới có các VĐV do mình đào tạo đoạt huy chương tại SEA Games. Trong suốt quá trình này, gần như không thu được gì, kể cả lợi ích về thương hiệu. Một ví dụ khác ở ở môn bóng chuyền nữ, nếu không có các giải quốc tế Cúp VTV9 - Bình Điền Long An và Cúp VTV ra đời gần 20 năm trước, liệu nay có những chiến tích quốc tế vượt trội và các chuyến xuất ngoại ấn tượng của các cô gái Việt Nam không?

Đó là lý do mà trong tầm nhìn đến năm 2045, ngành thể thao cũng chỉ "khẽ" đưa ra mục tiêu duy trì 5-7 HCV ở các kỳ Asiad. Ở góc nhìn hiện tại, đó là một chỉ tiêu vừa sức, nhưng rõ ràng người hâm mộ có lẽ kỳ vọng hơn thế. Đối với TTVN, mục tiêu huy chương ở Olympic rất khó dự báo, nhưng Asiad thì rất cần một quyết tâm và tham vọng lớn hơn. 20 năm trước, chúng ta đã có 4 HCV, có lúc cũng đạt đến 5 HCV. Vậy thì tầm nhìn cho 20 năm sau nên có những con số lớn hơn.

Đặt ra một mục tiêu cao cho Asiad không phải là ảo tưởng. Trên thực tế, sau khi đã ở tốp 1-2 của SEA Games thì việc chinh phục Asiad là chuyện đương nhiên. Mục tiêu gấp đôi, gấp ba huy chương so với 20 năm trước vừa là "tầm nhìn" vừa là cơ sở để TTVN quyết liệt hơn trong các hoạt động thu hút nguồn lực xã hội. Nói đơn giản, nếu mục tiêu không lớn hơn trước bao nhiêu thì làm sao có cơ sở để thuyết phục doanh nghiệp tham gia dài hạn, chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để hướng đến thành công lớn cho 20 năm sau?

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm