Thể thao Việt Nam thiệt hại hàng trăm tỷ vì COVID-19

11/09/2021 06:27 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa có thống kê chính thức nhưng với việc CLB Than Quảng Ninh có nguy cơ giải thể, Hải Phòng và Nam Định nợ thuế hàng chục tỷ đồng phải thanh toán trước 30/9, giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam mất hàng trăm tỷ đồng vì huỷ bỏ, thể thao Việt Nam đang trải qua một năm khó khăn.

Cơ hội nào cho tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup?

Cơ hội nào cho tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup?

Sau những bất ngờ đầu tiên, trật tự đã được thiết lập với sự lên tiếng về đẳng cấp của các ứng viên nặng ký nhất ở bảng B. Cơ hội nào cho tuyển Việt Nam trong hành trình tìm kiếm cơ hội dự World Cup 2022.

2021 là năm đánh dấu nhiều niềm vui với các đội tuyển bóng đá Việt Nam khi thầy trò HLV Park Hang Seo làm nên lịch sử khi lọt tới vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á và futsal Việt Nam cũng lần thứ 2 tới được World Cup Lithuania 2021.

Nhưng với những khán đài trống vắng do ảnh hưởng của dịch bệnh, kèm theo đó là việc huỷ bỏ hàng loạt giải quốc nội, thể thao Việt Nam 2021 thực sự không ít nỗi buồn cho đội ngũ quản lý, HLV, VĐV. Đây có thể xem là năm khó khăn nhất của nền thể thao trong lịch sử.

bóng đá, bóng đá Việt Nam, bóng đá hôm nay, Than Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, VFF, VPF, tin bóng đá, tin tức bóng đá, điền kinh, võ thuật, bóng rổ, thể thao Việt Nam, Covid-19
Quang Hải cùng các tuyển thủ Việt Nam được thi đấu trên sân Mỹ Đình mang lại niềm vui cho không ít CĐV nước nhà trong mùa dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Linh

Nếu như giai đoạn cuối 2020, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hàng loạt các giải đấu diễn ra dồn dập ở 3 tháng cuối năm, thì hiện tại, không còn sự kiện nào diễn ra trong hoàn cảnh hầu hết hết các thành phố lớn trên cả nước vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội.

Các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ V-League đến hạng Nhì phải hủy bỏ đã kéo theo hàng ngàn người thất nghiệp. Các CLB cũng ngay lập tức khó khăn với nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là ngân sách. Khi không vận hành, không chỉ người lao động mà các nhà tài trợ cho giải đấu cũng không còn lý do gắn bó để giúp các CLB chuyên nghiệp.

Với 14 CLB ở V-League và nhà tài trợ cho các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia LS, thiệt hại dễ đo lường nhất lên tới hàng trăm tỷ đồng. Các ông bầu cho biết dù giải huỷ nhưng CLB vẫn không thể không trả lương cho nhiều cầu thủ, HLV, nhân viên CLB vẫn còn hợp đồng.

Những CLB thừa nhận “nhà nghèo” như Nam Định hàng tháng cũng mất 1-2 tỷ đồng, Hải Phòng thiệt hại không dưới 10 tỷ đồng… Bóng đá Việt Nam cũng chịu thiệt thòi khi các ngoại binh ồ ạt ra đi và không hẹn ngày trở lại.

Những thiệt hại từ quá khứ sẽ ảnh hưởng khó lường tới tương lai, như vấn đề tìm nhà tài trợ mới, nguồn cầu thủ mới phù hợp cho các CLB. Trước mắt, CLB Than Quảng Ninh đã chính thức trả lại đội bóng cho tỉnh và kèm theo đó là khoản nợ 60-70 tỷ đồng chưa biết tìm đâu để trả cho cả đội.

Lúc này, các cầu thủ rất hoang mang vì có thể họ mất luôn số tiền đã bị CLB nợ không chỉ năm nay mà từ nhiều năm trước. Nếu giải vẫn diễn ra, có thể việc vận động tài trợ để CLB vượt qua mùa bóng năm nay như mọi năm sẽ trơn tru.

bóng đá, bóng đá Việt Nam, bóng đá hôm nay, Than Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, VFF, VPF, tin bóng đá, tin tức bóng đá, điền kinh, võ thuật, bóng rổ, thể thao Việt Nam, Covid-19
Hải Phòng và Than Quảng Ninh đang lao đao cùng vì vấn đề liên quan tài chính. Ảnh: VPF

Than Quảng Ninh có thể bị xoá tên trên bản đồ bóng đá Việt vì khó khăn tài chính. Vẫn là chuyện tiền nong nhưng Hải Phòng và Nam Định lại bị nhắc nhở về chuyện tiền thuế.

Hải Phòng nợ tới gần 18 tỷ đồng, bằng nửa ngân sách hoạt động quy định của VPF hàng năm cho một CLB. 2 CLB này bị nhắc đích danh phải nộp văn bản chứng minh đã thanh toán tiền nợ thuế hoặc được cơ quan thuế đồng ý gia hạn nợ thuế trước ngày 30/9.

Đây cũng là thời hạn tối đa được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đưa ra để các CLB Việt Nam hoàn tất quá trình xin cấp phép hoạt động.

Bóng đá lao đao, những môn thể thao tốn kém ngân sách “khủng” khác như bóng rổ cũng khốn đốn. Ông Trần Chu Sa – Giám đốc điều hành giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) cũng xác nhận thiệt hại khi hủy bỏ mùa giải 2021 lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Số tiền đó là kinh phí phải bỏ ra để di chuyển tất cả các đội bóng từ TP.HCM đi Khánh Hòa, hơn 70 ngày tập trung tại Nha Trang tập luyện thi đấu thử nghiệm, cho việc hoàn thiện Nhà thi đấu tại Trường Đại học Nha Trang rồi cách ly, xét nghiệm Covid-19 cho hàng trăm nhân sự.

Kể cả khi giải đấu bị hủy, BTC lại đau đầu để đưa hàng trăm người (trong đó có nhiều HLV, VĐV nước ngoài) rời Nha Trang.

bóng đá, bóng đá Việt Nam, bóng đá hôm nay, Than Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, VFF, VPF, tin bóng đá, tin tức bóng đá, điền kinh, võ thuật, bóng rổ, thể thao Việt Nam, Covid-19
Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam 2021 phải huỷ vì dịch cũng thiệt hại tương đương nhiều CLB bóng đá. Ảnh: VBA

Ngoài bóng đá và bóng rổ, người làm điền kinh, võ thuật hay các môn thể thao khác phải đối diện với tình cảnh bấp bênh cả năm ròng rã. Họ chủ yếu tập "chay" để duy trì phong độ và đương nhiên thất thu với tiền thưởng, quảng cáo... do không được thi đấu đỉnh cao.

Thể thao Việt Nam gần như “tê liệt” khi dịch Covid-19 hoành hành, nhưng ít nhất tia sáng tích cực cũng le lói khi những người đứng đầu không thể ngồi yên. Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn trong cuộc họp hôm 8/9 đã yêu cầu Vụ TTTT Cao 1, 2 và Vụ TDTT Quần chúng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thí điểm tổ chức từ 1 đến 2 giải, tập trung vào các giải vô địch quốc gia tại các địa phương có điều kiện đảm bảo an toàn.

Ngành TDTT Việt Nam xác định, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, để nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, ngành phải đẩy mạnh Cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn người dân tập luyện TDTT tại nhà với chủ đề “Cả nhà tập ngay, đánh bay Covid”.

Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành chuẩn bị cho các Đoàn thể thao ra nước ngoài thi đấu ở vòng loại FIFA World Cup 2022, FIFA Futsal World Cup, Olympic và Paralympic tại Tokyo 2020 Nhật Bản…

Khi các nhà khoa học đưa ra dự báo, có thể chúng ta sẽ phải mãi mãi sống chung cùng virus gây ra Covid-19, thì phương án nào có thể giúp các hoạt động thể thao quay trở lại ?

Nhìn vào các giải đấu quốc tế hiện tại, đó chính là “bong bóng khép kín” và vắc xin. Từ EURO 2021 tới các giải VĐQG hàng đầu Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italia và hiện tại là vòng loại World Cup 2022… đã đón nhận hàng vạn CĐV tới sân trong mỗi trận đấu, như thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh.

Trong đó, “bong bóng khép kín” là mô hình được áp dụng tại những sự kiện như Olympic và Paralympic 2020 vừa diễn ra ở Tokyo (Nhật Bản) hay vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á hoặc các trận đấu thuộc AFC Champions League.

Thể thao Việt Nam chưa thể sớm hoàn thành việc tiêm chủng rộng rãi thì áp dụng “bong bóng khép kín” cũng là điều kiện để các hoạt động thể thao có thể trở lại.

Trước đó, VBA cũng lần đầu áp dụng trong mùa giải này, khi tập trung tập luyện và thi đấu thử nghiệm ở Nha Trang.

Cách ly 14 ngày, hạn chế tiếp xúc bên ngoài, khép kín chu trình di chuyển từ khách sạn tới Nhà thi đấu, phân chia các nhóm nhân sự đối với đội bóng, nhân viên khách sạn… là những yếu tố đảm bảo an toàn.

Thành công của bóng đá Việt Nam khi tham dự vòng loại World Cup và tổ chức được các trận đấu trên sân nhà Mỹ Đình nhờ phương án này là bài học để các môn thể thao tham khảo.

Không thể mãi giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế và đời sống sẽ dần trở lại. Thể thao Việt Nam thời “bình thường mới” có thể phải sống chung với “bong bóng khép kín” hay “tập trung cách ly” để tất cả cùng có động lực tinh thần đối diện khó khăn và sống khoẻ trở lại.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm