Vũ khí Mỹ lắp phải linh kiện "dỏm" từ Trung Quốc

10/11/2011 10:36 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Lâu nay Trung Quốc vẫn nổi tiếng là một trong những điểm sản xuất hàng giả lớn nhất thế giới, với hàng nhái của nhiều thương hiệu thời trang cao cấp như Gucci, Louis Vuitton... Nhưng ít ai ngờ rằng hàng giả từ Trung Quốc thậm chí còn lấn sân sang lĩnh vực quốc phòng và đã xuất hiện trong hàng loạt hệ thống vũ khí tối tân của Mỹ.

Ủy ban Quân sự của Thượng viện Mỹ vừa tiến hành nghiên cứu và phát hiện 1.800 trường hợp trong đó Lầu Năm Góc đã mua phải các mặt hàng điện tử nhái hoặc bị làm giả.

Hơn 1 triệu linh kiện dỏm lọt vào các hệ thống vũ khí

Tổng cộng, ủy ban này thấy rằng hơn 1 triệu linh kiện dỏm đã lọt qua nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt của Mỹ để len lỏi vào các máy bay quân sự tối tân, như loại vận tải Boeing C-17 và siêu vận tải Lockheed Martin C- 130J “Super Hercules”. Ngoài ra, linh kiện giả cũng có trong những chiếc trực thăng CH-46 Sea Knight và hệ thống tên lửa phòng vệ độ cao lớn (THAAD).

“Một triệu linh kiện là một con số khổng lồ. Nhưng tôi còn muốn nhắc lại điều này: chúng tôi mới chỉ kiểm tra vào một phần nhỏ trong mạng lưới cung cấp linh kiện cho hoạt động quốc phòng. Vì thế 1.800 vụ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi” - Thượng nghị sĩ Carl Levin, chủ tịch uỷ ban tuyên bố trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Ủy ban thấy rằng trong 7/10 trường hợp bị phát hiện, các linh kiện giả đều có xuất xứ từ Trung Quốc. 20% còn lại có nguồn gốc từ Anh và Canada, vốn nổi tiếng là những điểm kinh doanh lại hàng giả tuồn từ Trung Quốc sang. Ủy ban cũng nói rằng các chip giả hoặc nhái này thường được sản xuất tại khu vực phía Nam Trung Quốc, tập trung nhiều ở tỉnh Quảng Đông. Các con chip này thường bị đưa lậu ra khỏi nhà máy trước khi bị xóa bỏ các dấu hiệu nhận dạng cũ và in dấu hiệu mới lên rồi tuồn ra thị trường tiêu thụ.

Nhưng chủ yếu chúng được gỡ thẳng ra khỏi các mạch điện cũ, bị cháy, bị hỏng. Chúng được rửa sạch bằng nước từ những con sông bị ô nhiễm nặng, được làm khô bằng cách phơi thẳng bên vệ đường. Quy trình “xử lý” này khiến việc sử dụng chip trở nên rất không ổn định về lâu dài, ngay cả khi chúng đã vượt qua các thử nghiệm kiểm tra ban đầu.

Các ước tính sơ bộ cho thấy chip điện tử nhái, giả đã gây thiệt hại doanh thu khoảng 7,5 tỷ USD mỗi năm và khiến nước Mỹ mất đi 11.000 việc làm. Nhưng Thiếu tướng Lục quân Patrick J. O’Reilly, giám đốc Cơ quan Phòng vệ Tên lửa Mỹ đã cho rằng thiệt hại kinh tế chỉ là khía cạnh phụ. “Chúng tôi không muốn bị lâm vào cảnh tính đáng tin cậy của hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD trị giá 12 triệu USD lại bị phá hủy bởi một linh kiện chỉ có giá 2 USD” - ông nói.

Máy bay vận tải C-130J Super Hercules đã được lắp nhiều chip điện tử giả sản xuất ở Trung Quốc.

Lỗi từ phía Mỹ?

Người ta đã lo ngại các con chip giả xuất xứ từ Trung Quốc có thể bất ngờ không hoạt động và đẩy binh lính Mỹ vào tình huống nguy hiểm. “Chúng ta không thể chấp nhận rủi ro tới từ việc một quả tên lửa đánh chặn không thể bắn trúng mục tiêu, một viên phi công trực thăng không thể bắn tên lửa, hay các thất bại khác do linh kiện dỏm gây ra” - TNS John McCain tuyên bố.

Theo các nhà quan sát, vấn đề mua phải linh kiện dỏm không phải chuyện gì mới mẻ trong quân đội Mỹ. Thực tế, vấn đề này đã được nêu lên từ những năm 1990, khi chính quyền Bill Clinton, trong động thái cắt giảm chi phí quốc phòng, đã đề nghị Lầu Năm Góc mua các linh kiện điện tử từ nguồn tự do, thay vì tự thiết kế thiết bị riêng. Về sau, khi hoạt động sản xuất thiết bị điện tử đổ dồn sang Trung Quốc, Mỹ đã rơi vào thế ngày càng khó kiểm soát chất lượng các thiết bị quân sự của họ. Và Mỹ vẫn buộc phải mua linh kiện từ phía Trung Quốc, bởi chỉ nơi này mới có những con chip kiểu cũ, phù hợp với các phương tiện, vũ khí chiến đấu không còn hiện đại nằm trong trang bị của quân đội Mỹ.

Trước đó, hồi năm 2008, một cuộc điều tra do Bộ Thương Mại Mỹ tiến hành, đã phát hiện ra 7.400 trường hợp quân đội Mỹ sử dụng các thiết bị điện tử dỏm hoặc nhái trong nhiều hệ thống vũ khí, khí tài. Còn hồi năm 2005, một số tài liệu lưu hành nội bộ của Lầu Năm Góc xác nhận đã có những trang thiết bị quân sự bị hư hỏng do sử dụng linh kiện dỏm kiểu này. Trong nỗ lực cải thiện tình hình, Ủy ban Quân sự của Thượng viện Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc cần khẩn trương hành động, trấn áp thị trường chợ đen hàng điện tử. Levin nói rằng nhà chức trách Trung Quốc hoàn toàn có thể ngăn chặn tình trạng làm chíp điện tử giả, “nếu họ muốn”. Tuy nhiên Song Xiaojun, một phát ngôn viên của Quân giải phóng Trung Quốc, nói rằng chính Mỹ đã tự gây khó cho mình và quốc gia châu Á không hề có lỗi.

“Mỹ đã giản tán các nhà máy (sản xuất linh kiện điện tử) kể từ những năm 1960. Và từ thời Clinton, Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ với việc đảm bảo các tiêu chuẩn quân sự. Khi Mỹ vẫn tiếp tục cắt giảm ngân sách mua sắm quân sự, các nhà cung cấp vũ khí cũng sẽ chỉ dành cho họ những sản phẩm rẻ tiền hơn” - ông Song nói - “Đòn tấn công mới này nhằm vào Trung Quốc rõ ràng mang động cơ chính trị. Nhưng Mỹ không nên trách Trung Quốc bởi đây là vấn đề liên quan tới yếu tố thị trường tự do. Giải pháp duy nhất là Mỹ nên mua linh liện thay thế từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, nhưng như vậy họ sẽ phải chấp nhận chi phí sẽ tăng thêm hàng trăm lần”.

Tường Linh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm