Trung Quốc phát tín hiệu với Triều Tiên: 'Mất kiên nhẫn ở cấp cao nhất'?

05/03/2017 19:57 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Lệnh cấm nhập khẩu than của Trung Quốc có thể gây thiệt hại 1 tỉ USD, tương đương 5% GDP khiêm tốn của Triều Tiên. Theo chuyên gia William Newcomb, đây là "tín hiệu không thể lẫn vào đâu được về sự mất kiên nhẫn ở cấp cao nhất”.

Ngày 25/2 vừa qua, Bắc Kinh đã khiến giới phân tích bất ngờ với một động thái táo bạo khi ra lệnh cấm nhập khẩu than của CHDCND Triều Tiên cho đến hết năm nay. Dư luận đang tự hỏi liệu có phải hành động này là tín hiệu Trung Quốc đưa ra để thể hiện sự không hài lòng với Triều Tiên, thậm chí là một bước điều chỉnh chính sách với người láng giềng “khó bảo”, hay một tính toán hoàn toàn khác? Dưới đây là những phân tích trên tờ Financial Times:

Lâu nay chính giới và truyền thông phương Tây vẫn xem Trung Quốc như nhân tố “cản đường” đối với ý đồ áp đặt những biện pháp trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Trung Quốc cũng bị cáo buộc vừa làm suy yếu các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) vừa làm ngơ cho các công ty của nước này tiếp tục làm ăn với Triều Tiên bất chấp các lệnh cấm vận.

“Dằn mặt” Triều Tiên và “lấy lòng” Mỹ?

Ít người tin rằng Trung Quốc thực sự muốn phá hoại một cách nghiêm trọng nền kinh tế khó khăn của Triều Tiên. Bất chấp sức ép của Mỹ và phương Tây, từ trước tới nay Trung Quốc luôn khẳng định mục tiêu của nước này khi theo đuổi quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên không đi kèm với cái giá là sự bất ổn hoặc thay đổi chế độ tại quốc gia láng giềng của mình. 


Nhân viên vận chuyển than từ được đưa từ Triều tiên tới cảng Dandong, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Nhưng dù muốn hay không thì chắc chắn lệnh cấm nhập khẩu của Bắc Kinh sẽ tác động đáng kể đến nguồn ngoại tệ mà Bình Nhưỡng đang cần hơn bao giờ hết. Theo tính toán của ông Goohoon Kwon, chuyên gia kinh tế của công ty tài chính Goldman Sachs, lệnh cấm này có thể gây thiệt hại 1 tỉ USD, tương đương 5% GDP khiêm tốn của Triều Tiên.

Những lý giải đầu tiên của giới phân tích phương Tây về lệnh cấm “nặng tay” này nghiêng về hướng cho rằng Bắc Kinh đang công khai thể hiện thái độ bất bình đối với Bình Nhưỡng cái chết của công dân Triều Tiên mang hộ chiếu có tên Kim Chol, được cho là ông Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. 

Ông Kim Jong Nam được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc và từng sống dưới sự bảo vệ của Bắc Kinh trong thời gian ở Macao. 

Theo ông William Newcomb, một chuyên gia về các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên tại Viện Mỹ-Triều thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) coi lệnh cấm bất ngờ nói trên “là tín hiệu không thể lẫn vào đâu được về sự mất kiên nhẫn ở cấp cao nhất”.

Nhưng bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington, lại cho rằng không thể loại trừ khả năng Bắc Kinh đang đánh đi tín hiệu “lấy lòng” chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump – người vẫn chỉ trích Trung Quốc “quá mềm mỏng” đối với Triều Tiên. 

Bà Bonnie Glaser nói, “Tôi nghĩ Trung Quốc có hai mục tiêu. Đánh tín hiệu với Bình Nhưỡng về sự bất bình của Bắc Kinh về cái chết của công dân Triều Tiên mang hộ chiếu có tên Kim Chol, được cho là ông Kim Jong Nam, đồng thời tìm cách lấy lòng Nhà Trắng nhằm ổn định quan hệ Trung-Mỹ trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19”.

Khẳng định vai trò cầm trịch trong đàm phán 6 bên? 

Một chuyên gia khác ở ngay trong Trung Quốc là bà Cai Jian thuộc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), cho rằng Trung Quốc có thể đang gửi đi thông điệp sẵn sàng đàm phán với Mỹ về Triều Tiên, khi đáp ứng đòi hỏi của Mỹ về một lập trường cứng rắn hơn. 


Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington. Ảnh: abc.net.au

Bà Cai Jian nói, “Lệnh cấm này thể hiện phản ứng của Trung Quốc đối với chỉ trích lâu nay của phương Tây rằng Trung Quốc không nỗ lực hết sức trong việc trừng phạt Triều Tiên”.

Cũng ngay trong ngày lệnh cấm nhập khẩu than được Bộ Thương mại Trung Quốc ban hành, một quan chức cấp cao của nước này tham dự Hội nghị An ninh Munich (Đức) khẳng định mục tiêu của Trung Quốc là đưa tất cả các bên liên quan quay trở lại bàn đàm phán về vấn đề Triều Tiên. 

Bà Fu Ying (Phó Oánh), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc nói, “Nếu không đàm phán được [với Triều Tiên], chúng ta sẽ chỉ càng đẩy họ ra xa hơn”.

Thông điệp được bà Fu Ying đưa ra cho thấy lệnh cấm nhập khẩu than là “hành động thiện chí” của Trung Quốc, nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng chờ đợi Mỹ và các đồng minh phải đáp lại bằng cách đồng ý ngồi vào bàn đàm phán. Vòng đàm phán chính thức 6 bên gần đây nhất nhằm đưa ra một nghị quyết về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã diễn ra từ năm 2009. 

Trong khi các cuộc đàm phán không chính thức cũng “đóng băng” trong vòng 5 năm qua. Ông Stephan Haggard thuộc Viện Nghiên cứu Peterson về Nghiên cứu quốc tế (Mỹ) nhận định, “Một khi Trung Quốc chơi rắn với Triều Tiên, thì chỉ có một và một mục đích duy nhất: đưa ra cử chỉ hợp tác với chính quyền Trump để đối lấy đề nghị về đàm phán”.

Mũi tên trúng nhiều đích

Dù tính toán thực sự có là gì thì lệnh cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên cũng ít có khả năng gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẽ giảm dần khai thác và nhập khẩu than nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí và thể hiện trách nhiệm đối với các nỗ lực bảo vệ môi trường quốc tế. 

Bên cạnh đó, nhiều khả năng Trung Quốc cũng đã sử dụng hết “quota” nhập khẩu than từ Triều Tiên theo một nghị quyết của HĐBA LHQ. Bà Glaser khẳng định: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu số liệu thống kê về nhập khẩu than của Trung Quốc trong tháng 1 và tháng 2 được công bố, chúng ta sẽ thấy là Trung Quốc cũng đã mua xong lượng than tối đa được nghị quyết 2321 cho phép”.

Tuấn Anh - Tin Tức/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm