Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên còn mãi trong ký ức đồng chí, đồng đội

16/11/2010 20:01 GMT+7 | Thế giới

Tôi thật sự bàng hoàng, tiếc thương vô hạn khi hay tin Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên từ trần vào hồi 16 giờ 50 phút ngày 13 tháng 11 năm 2010. Mới ngày nào cách đây không xa, với tư cách là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, được Đảng ủy Quân sự Trung ương phân công là trưởng ban chỉ đạo tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 của Bộ Quốc phòng, anh đã cùng tôi nghiên cứu, trao đổi, thảo luận nhiều ngày, để cuối cùng có được một bản “Tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 của Bộ Quốc phòng” phục vụ trực tiếp cho Dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (tài liệu này đã được Bộ Quốc phòng xuất bản với số lượng lớn, phát hành trong toàn quân). Thế mà hôm nay anh đã đi xa! Sự ra đi đột ngột của anh để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình, người thân, bạn bè, đồng chí.

Tôi là một người bạn, người đồng chí đã từng công tác, chiến đấu với anh. Tuy thời gian ở bên anh không nhiều, nhưng đạo đức, tác phong, lối sống cũng như bản lĩnh, trí tuệ của anh đã để lại trong ký ức của tôi cũng như bạn bè, đồng chí thật sự sâu đậm. Anh là con người luôn có cái Tâm của tình bạn thủy chung, son sắt và cái Tầm của người cán bộ chỉ huy, cán bộ tham mưu cả trong chiến tranh ác liệt cũng như trong xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, sẵn sàng chiến đấu trong thời bình.

Có thể nói, cái Tâm của người bạn thủy chung được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời anh, kể cả khi anh đã là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Lúc nào anh cũng chân thành, gần gũi, quan tâm đến đồng chí, đồng đội, đặc biệt là những đồng chí đã từng chiến đấu bên nhau, sống chết cùng nhau. Tôi không bao giờ quên hình ảnh ấm áp, đầy tình cảm gia đình, bè bạn của 4 cặp vợ chồng đã từng chiến đấu 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đó là Đại tá Trần Ngọc Long (nguyên Tiểu đoàn trưởng), Đại tá Đinh Phước Liệu (nguyên chính trị viên Đại đội 2), tôi - Lê Minh Vụ (nguyên chính trị viên Đại đội 2) và anh Nguyễn Khắc Nghiên (nguyên đại đội trưởng Đại đội 2) thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320b (nay là Sư đoàn 390). Mỗi khi có dịp gặp nhau, bao giờ anh Nghiên cũng khởi xướng để các gia đình, vợ chồng, con cái gặp nhau, tổ chức liên hoan gọn nhẹ, trao đổi tình cảm và giúp nhau trong công việc gia đình cũng như trong công tác. Những buổi gặp gỡ như vậy thật sự ấm cúng và gần gũi, tạo điều kiện các chị vợ của bạn bè cũng hiểu nhau hơn.


Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trò chuyện thân mật với những học viên giỏi của các học viện, nhà trường quân đội. Ảnh: Minh Huệ

Anh Nghiên cũng là người luôn quan tâm đến những đồng chí, đồng đội đã qua chiến đấu nhưng chưa được giải quyết các chế độ do Nhà nước quy định như chế độ thương binh, bệnh binh, trợ cấp thời gian tại ngũ… Anh đã chủ động bàn với Ban liên lạc Trung đoàn 48 và làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị trao tặng hàng nghìn “Kỷ niệm chương chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972” cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48. Nhiều đợt trao tặng kỷ niệm chương của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Tây, Phú Thọ… anh đều đến dự. Sự có mặt của anh đã động viên anh em rất lớn, hòa cùng niềm vui của bạn bè, đồng đội.

Không chỉ có cái Tâm đối với bạn bè, đồng chí, anh Nghiên có cái Tầm của người chỉ huy, của một cán bộ tham mưu. Điều này đã được thể hiện rõ trong bản lĩnh, trí tuệ, tác phong công tác của anh cả trong chiến tranh cũng như trong thời bình. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, anh đã kinh qua nhiều chức vụ, cương vị khác nhau, từ trung đội trưởng, đại đội trưởng, đến Tư lệnh quân khu, Phó tổng tham mưu trưởng, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Anh cũng đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu qua nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn như chiến dịch giải phóng  Quảng Trị năm 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trên tất cả các cương vị, anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện rõ tư cách người làm tướng như Bác Hồ đã dạy: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung.

Bản thân tôi không được sống, công tác, chiến đấu bên anh nhiều, chủ yếu chúng tôi cùng nhau tham gia trọn vẹn chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972 (cả giai đoạn giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị từ 30-3 đến 27-6 và giai đoạn chống tái chiếm từ 28-6-1972 đến khi ký Hiệp định Pa-ri 27-1-1973). Đây là chiến dịch diễn ra cuộc đọ sức vô cùng quyết liệt giữa ta và địch, và cũng là chiến dịch kéo dài nhất với hơn 300 ngày/đêm.

Sau khi giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị, Trung đoàn 48 được lệnh hành quân theo hướng tây Mỹ Chánh vào tham gia chiến đấu trong mặt trận Thừa Thiên-Huế, nhưng trước sự tấn công của sư đoàn địch trong kế hoạch “Lam Sơn 1972” nhằm tái chiếm lại toàn bộ tỉnh Quảng Trị (sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ), Trung đoàn 48 được lệnh rút ra Quảng Trị chiến đấu và ngay hôm 28-6, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 48) được giao nhiệm vụ chốt giữ khu vực Thành cổ Quảng Trị. Đội hình Tiểu đoàn 1 bố trí 3 đại đội 1, 3, 4 đóng quân trong nội thành cổ, còn đại đội 2 (chủ công) được giao nhiệm vụ đánh địch từ xa nên chốt giữ toàn bộ khu vực Làng Tư Bưu, nhà thờ Tư Bưu. Lúc này, tôi-Lê Minh Vụ là chính trị viên đại đội, đồng chí Vương Tiến Lấp là đại đội trưởng, nhưng trong một đêm tập kích đẩy lùi quân địch ra khỏi làng Tư Bưu, đồng chí Lấp đã anh dũng hy sinh. Trung đoàn và Ban chỉ huy bảo vệ Thành cổ Quảng Trị quyết định điều đồng chí Nguyễn Khắc Nghiên, cán bộ Đại đội 20 trinh sát của trung đoàn về làm đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48.


Bốn cặp vợ, chồng: Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Trung tướng Lê Minh Vụ, Đại tá Trần Ngọc Long và Đại tá Đinh Phước Liệu (những đồng đội đã từng 81 ngày đêm chốt giữ Thành cổ Quảng Trị năm 1972) trong một lần gặp mặt. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Đây là giai đoạn vào tháng 7, tháng 8 năm 1972, lúc này tuyến phòng ngự giữ Thành cổ thật sự khó khăn cả về môi trường tác chiến lẫn lực lượng, phương tiện… Ta và địch ở thế giằng co giành nhau từng mét đất, ban ngày địch lấn vào, ban đêm ta tập kích đẩy địch ra, có lúc hai bên chỉ cách nhau 5 đến 7m. Quân số đại đội chỉ có trên dưới 20 đồng chí, đa số là tân binh vừa bổ sung, thêm vào đó là đợt mưa bão cuối tháng 7 đầu tháng 8 làm cho toàn bộ hầm, hào của đại đội ngập nước, rất khó khăn trong vận động, tác chiến… Trong khi đó, địch đề ra mục tiêu ngày 13-7-1972 phải cắm được cờ trong Thành cổ nên chúng đánh phá quyết liệt bằng pháo đài B52, pháo dàn từ biển Cửa Việt bắn vào và từ Huế bắn ra, cộng với sự tấn công ồ ạt và chiến thuật “lấn dũi” của bộ binh ép quân ta vào tình thế cực kỳ khó khăn. Trong điều kiện hoàn cảnh đó, anh Nghiên với cương vị đại đội trưởng đã trực tiếp chỉ huy, trực tiếp chiến đấu giữ vững trận địa. Mặc dù chỉ ở cấp đại đội nhưng qua tổ chức chỉ huy chiến đấu, anh đã bộc lộ rõ khả năng trình độ tác chiến, công tác tham mưu... Không những thế anh rất thành thạo trong việc động viên, khích lệ chiến sĩ chiến đấu ngoan cường, không giảm sút ý chí. Đặc biệt là trong một trận tập kích ban đêm, anh bị thương vào tay, vết thương rất nặng nhưng anh vẫn không rời vị trí chiến đấu. Do điều kiện thuốc men không có, lại dầm trong nước mưa nhiều ngày nên vết thương bị nhiễm trùng, sưng tấy, nhức nhối. Trong điều kiện đó, tôi đã báo cáo với đồng chí Lê Quang Thúy và đồng chí Trần Quang Tùy là chỉ huy trưởng và chính ủy Ban chỉ huy bảo vệ Thành cổ Quảng Trị xin phép cho anh Nghiên về trạm xá sư đoàn ở Vĩnh Linh điều trị. Ban chỉ huy đồng ý nhưng anh Nghiên vẫn cương quyết ở lại chỉ huy chiến đấu. Anh tâm sự với tôi rằng: "Cả đại đội chỉ có 2 cán bộ đại đội trưởng và chính trị viên, nếu giờ tôi đi viện thì một mình anh sẽ thật sự khó khăn. Nhưng điều quan trọng hơn là trong điều kiện cực kỳ khó khăn này, nếu tôi đi sẽ tác động đến tinh thần chiến đấu của bộ đội, anh em dễ hoang mang dao động…". Tôi đành chấp nhận lý lẽ của anh và chúng tôi lại tiếp tục sát cánh bên nhau, tiếp tục chiến đấu cho đến khi tôi lên làm chính trị viên phó tiểu đoàn và rút khỏi Thành cổ ngày 16-9-1972.

Đúng là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong hiểm nguy, trong khó khăn thử thách, đặc biệt là thử thách trong chiến tranh, thử thách giữa cái sống và cái chết mới thật sự là thước đo chính xác về phẩm giá, tư cách, bản lĩnh, trí tuệ của một con người. 81 ngày đêm chiến đấu, trụ vững, không dao động, không bỏ vị trí, giữ vững trận địa ở Thành cổ Quảng Trị đã là một hành động thật sự anh hùng.

Sau khi được lệnh rút khỏi Thành cổ Quảng Trị, anh Nghiên vào bệnh xá sư đoàn ở Vĩnh Linh chữa trị vết thương, sau đó anh tiếp tục vào chiến đấu và chỉ huy chiến đấu ở mặt trận cánh Đông của tỉnh Quảng Trị cho mãi đến trận đánh cuối cùng 30-12-1972 tại cảng Cửa Việt (trước khi ký hiệp định Pa-ri 27-1-1973). Sau khi lên làm chính trị viên phó tiểu đoàn, tôi bị thương phải ra Viện 4 Tân Kỳ, Nghệ An điều trị. Đến tháng 12-1972, tôi trở về đơn vị và lại được cùng anh Nghiên đi phối thuộc với Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 tham gia trận đánh cuối cùng tại cảng Cửa Việt (lúc này anh Nghiên là tiểu đoàn phó, tôi là chính trị viên phó tiểu đoàn), sau đó chốt tại vùng giáp ranh Long Quang, Thanh Hội theo Hiệp định Pa-ri. Đến tháng 3-1973, tôi ra Học viện Chính trị học và nhà trường giữ lại nên không có điều kiện được công tác bên anh Nghiên nữa.

Vậy mà hôm nay anh đã đi xa về cõi vĩnh hằng. Gia đình, người thân, bạn bè, đồng đội mất anh, nhưng cái Tâm của tình bạn thủy chung, son sắt và cái Tầm của người cán bộ chỉ huy, cán bộ tham mưu cả trong chiến tranh ác liệt cũng như trong xây dựng quân đội thời bình thì không bao giờ mất. Anh Nghiên ơi! Vậy là từ nay tôi không còn thấy anh, không được gọi tên anh nữa, nhưng anh sẽ sống mãi trong ký ức, tình cảm của tôi và đồng chí, đồng đội.

Trung tướng, PGS-Tiến sĩ Nhà giáo Nhân dân Lê Minh Vụ
(Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm