(TT&VH) - Giữa lúc thế giới đang khốn đốn trong cơn khủng hoảng thì có những nơi lại trở nên rất tấp nập vì đột nhiên làm ăn phát đạt: Đó là những “nghĩa địa máy bay”, nơi người ta cất giữ và “làm thịt” các máy bay cũ.
Những chiếc máy bay cũ ở "nghĩa địa" Mojave: Xếp ngay ngắn như trên một sân bay thực sự
Những cơn gió sa mạc gào rú luồn qua các tấm kính cửa sổ đã bị vỡ. Trong buồng lái có một tờ giấy đã ngả màu vàng với tiêu đề “Chỉ dẫn trước khi cất cánh”. Khốn nỗi, chẳng mấy ai còn quan tâm đến nó, bởi chiếc DC-10 này đã vĩnh viễn “an nghỉ” tại sa mạc Mojave ở miền Nam California (Mỹ).
Nỗi buồn của ngành hàng không
Nghề kinh doanh “nghĩa địa máy bay” ở Mỹ hiện đang rất phát đạt, kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến nhiều hãng hàng không dân dụng bị thua lỗ nặng nề. Nước Mỹ có hơn 10 “nghĩa địa máy bay” thuộc loại lớn như Mojave, tất cả đều nằm ở những bang nắng nóng, khô ráo như Arizona, New Mexico hay California.
Do lưu lượng khách giảm nên ngày càng có nhiều máy bay, nhất là máy bay đã cũ, bị xếp xó, với động cơ được bọc lại giống như những chiếc ô tô cổ nằm “ngủ Đông” ở garage. Do tiền thuê bãi đậu ở các sân bay khá đắt đỏ, chúng bị “đày ải” đến sa mạc. Nếu không có cơ hội được đưa trở lại sử dụng, chúng sẽ “chết dần, chết mòn” luôn ở đó.
Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm như hiện nay, triển vọng trở lại với bầu trời của những chiếc máy bay này càng trở nên mờ mịt. Khi chúng bị xuống cấp nghiêm trọng thì cuối cùng người ta quyết định “làm thịt” để lấy phụ tùng thay thế.
Nhiều hãng hàng không đã phải “bỏ của chạy lấy người” và Mojave đang trở nên đông khách. Riêng trong năm 2008, “nghĩa địa” này đã tiếp nhận 15 máy bay đậu tạm thời hoặc để “làm thịt”. Mặc dù liên tục có máy bay được tháo dỡ hoặc bán cho các nước nghèo, hiện số máy bay đang đậu ở Mojave vẫn còn hơn 100 chiếc.
Ông Mike Potter, Phó Giám đốc “nghĩa địa” Mojave, dự kiến thời gian tới sẽ có một lượng lớn máy bay cũ được ồ ạt đưa về đây. Trong mấy tháng tới, các hãng hàng không lớn ở Mỹ đều phải cho một loạt máy bay tạm thời “nghỉ việc” vì doanh số ngày càng co lại.
Hãng United Airlines thậm chí dự kiến xếp xó tất cả 50 chiếc Boeing 737 hiện có của mình. Các hãng American Airlines, Delta (Mỹ) và Qantas (Australia) cũng đều đang tìm kiếm những địa điểm thích hợp trên sa mạc để tạm thời “lưu kho” một phần số máy bay của họ.
Một máy bay được tân trang bên ngoài để sử dụng cho phim Hollywood
Niềm vui của các “nghĩa địa máy bay”
“Nghĩa địa máy bay” lớn nhất thế giới mang một cái tên mỹ miều là Evergreen Maintenance Center (EMC - Trung tâm bảo dưỡng Evergreen) ở bang Arizona (Mỹ). Nó rộng tới 650 héc-ta và hiện chứa 192 máy bay. EMC có thể chứa tới 400 máy bay và hai đường băng ở đây đủ sức cho phép loại máy bay khổng lồ Airbus 380 hạ, cất cánh an toàn.
Trong thời điểm hiện nay, 700 nhân viên của EMC đang phải làm việc không kể ngày đêm. Trước đây, số máy bay cũ nằm ở EMC thường được bán lại cho các hãng hàng không nhỏ ở Nga hoặc châu Phi. Phó Giám đốc EMC Steve Cofarro cho biết trước kia, việc bán máy bay cũ từng chiếm tới 80% doanh số của trung tâm.
Hiện thời, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu về máy bay cũ của các hãng hàng không nhỏ không còn nữa. Chính vì vậy mà EMC chuyển sang “làm thịt” những “con chim sắt” để lấy linh kiện như động cơ, thiết bị điện tử...
Một động cơ phản lực trị giá không dưới 10 triệu USD mà mỗi chiếc Boeing 747 lại có tới 4 động cơ. Hiện nay, các máy bay cũ lỗi thời thường bị “làm thịt” ngay lập tức. Có tới nửa tá máy bay phản lực chở khách ở đây đang được kê lên giá gỗ vì đã mất hệ thống bánh xe. Bên cạnh động cơ, hệ thống bánh xe của Boeing 747 cũng rất được giá.
Những ngày này khiến các nhà quản lý “nghĩa địa” Mojave nhớ tới thời hoàng kim của mình hồi thập niên 1990. Khi hai hãng hàng không Mỹ là PanAm và Eastern bị phá sản hồi năm 1991, có tới 100 máy bay chở khách được đưa đến Mojave trong vòng vài ngày.
Hầu hết bị "làm thịt"
Ngoài việc “làm thịt” máy bay, Mojave còn là một trường quay tự nhiên khá lý tưởng đối với điện ảnh Mỹ. Hollywood chỉ cách “nghĩa địa máy bay” này một tiếng đồng hồ đi ô tô. Trong nhiều sản phẩm điện ảnh ăn khách, các đạo diễn đã dùng Mojave làm trường quay cho các cảnh rượt đuổi ly kỳ trên đường băng hoặc làm nổ tung cả một chiếc máy bay chở khách khổng lồ.
Ông Mike Potter bộc bạch: “Cứ mỗi khi nhìn thấy một chiếc máy bay chở khách hạ cánh xuống Mojave, trái tim tôi lại đột nhiên đau thắt. Số phận của nó coi như đã kết thúc và rốt cuộc chỉ còn lại cái xác trống rỗng”. Nghe có vẻ hơi “giả nhân giả nghĩa”, bởi thật ra ông chẳng hề có lý do nào để đau buồn, vì các hãng hàng không càng lụn bại thì nghề “làm thịt” máy bay cũ càng trở nên phát đạt.
Minh Bích (Theo Focus)