Số phận cay đắng của 'Người phụ nữ tro bụi' sau vụ 11/9

27/08/2015 20:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Marcy Borders, người phụ nữ xuất hiện trong bức ảnh với tro bụi và bột bê tông bao phủ toàn thân sau khi thoát khỏi Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11/9/2001, vừa qua đời hôm 24/8.

Bà mẹ hai con 42 tuổi, người được biết đến với biệt danh "người phụ nữ tro bụi" vì bức ảnh mang tính biểu tượng, qua đời vì căn bệnh ung thư dạ dày.


Bức ảnh chụp Marcy Borders khi cô vừa thoát khỏi Trung tâm Thương mại Thế giới trước khi nó sụp đổ


Em họ của cô là John Borders tin rằng chị mình chết vì "mầm bệnh đã hành hạ cơ thể từ sau ngày 11/9"

Borders lần đầu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào tháng 8/2014. Kể từ đó, cô đã trải qua một thời gian điều trị, bao gồm cả hóa trị, theo trang NJ.com.

Hồi tháng 11 năm ngoái, bản thân Borders cũng tin rằng nguyên nhân của căn bệnh ung thư là do lớp bụi của hai tòa tháp đôi phủ kín người cô lúc đó.

"Tôi chắc chắn như vậy vì tôi chưa từng mắc bệnh gì nghiêm trọng" - cô nói với NJ.com - "Tôi không bị cao huyết áp ... cholesterol cao, hay tiểu đường gì".


Borders đã trải qua một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư sau khi nhận được chẩn đoán từ tháng 8/2014


Ngày 11/9/2011, Borders, từ New Jersey, mới làm việc tại Ngân hàng Mỹ được một tháng và cô chỉ vừa tới bàn làm việc của mình khi thảm kịch sắp xảy ra.

"Tôi đã dọn dẹp qua bàn làm việc, chuẩn bị sẵn sàng để bắt đầu một ngày làm việc" - cô chia sẻ với tờ Daily Mail vào năm 2011 - "Ngay sau đó chiếc máy bay đâm sầm tới. Cả tòa nhà bắt đầu rung chuyển và lắc lư. Tôi đã mất hết kiểm soát và rơi vào trạng thái hoảng loạn. Tôi đã chiến đấu theo cách của mình để thoát khỏi nơi đó".


Marcy Borders đã may mắn hơn 2.606 người không kịp thoát khỏi Trung tâm Thương mại Thế giới và các khu vực xung quanh khi vụ khủng bố 11/9 xảy ra

Borders cũng nhớ khi đó quản lý của cô yêu cầu mọi người phải giữ bình tĩnh và ngồi yên ở bàn làm việc nhưng cô đã từ chối: "Tôi đã cố thoát khỏi đó. Hàng trăm người đã cố gắng chạy ra ngoài. Cầu thang bị hư hỏng nặng. Tôi tin rằng mình sắp chết, nhưng thật mừng vì tôi đã có đủ sức mạnh để thoát khỏi nơi đó".

Nhưng đó cũng là lúc Borders chứng kiến cảnh tượng hai tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn.


Những đám mây bụi khổng lồ tràn xuống đường phố và che phủ mọi thứ, bao gồm cả Borders

"Mọi thứ đổ ập xuống, mảnh vỡ ở khắp nơi" - cô kể lại - "Tôi đã cố gắng chạy thẳng về phía trước, nhưng người của quân đội túm lấy và giữ tôi lại, bởi vì vẫn còn nhiều thứ đang rơi xuống".

Sau đó, có một người đàn ông đã nắm lấy tay và dẫn cô đến nơi an toàn. "Ông ấy đưa tôi vào bên trong một tòa nhà để trú ẩn. Đó là khi bức ảnh được chụp" - cô nói.

Borders khi ấy không còn tâm trạng nào chú ý đến Stan Honda, nhiếp ảnh gia của hãng tin AFP, và cũng không biết mình đã được chụp ảnh, cho tới khi mẹ cô gọi tới và nói thấy con gái mình trên ảnh.


Cả khu vực bị bao phủ bởi lớp bụi bê tông dày đặc sau vụ khủng bố ngày 11/9

Bức hình sau đó trở thành một trong những biểu tượng của thập kỷ, xuất hiện trong danh sách "25 bức ảnh để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất" trên tạp chí Time, và thậm chí còn là nguồn cảm hứng sáng tác cho The Ballad of Marcy Borders (Bản ballad của Marcy Borders), ca khúc được lan truyền mạnh mẽ trên mạng sau khi xuất hiện.


Nhiếp ảnh gia Stan Honda bênh cạnh Marcy Borders vào tháng 3/2002, 6 tháng sau khi bức ảnh biểu tượng được lan truyền

Tuy may mắn thoát chết trong vụ 11/9, nhưng cuộc sống của Borders sau đó là một chuỗi ngày ảm đạm với những ám ảnh nặng nề từ vụ tấn công.

"Tôi đã uống rất nhiều và chẳng bao giờ đi ra ngoài. Nó ám ảnh tôi mỗi ngày" - cô nói với tờ Daily Mail vào năm 2011 - "Tôi không kiểm soát được cuộc sống của chính mình. Tôi không làm việc gì trong gần 10 năm. Tôi cứ nghĩ rằng Osama Bin Laden đã lên kế hoạch thực hiện nhiều vụ tấn công khác. Tôi hoảng sợ mỗi lần nhìn thấy máy bay. Và nếu trông thấy một người đàn ông trong tòa nhà nào đó, tôi sẽ nghĩ anh ta chuẩn bị bắn mình. Tôi bắt đầu hút cocaine, bởi vì tôi không muốn sống nữa".

Borders đã không thể chi trả các hóa đơn cho cuộc sống hàng ngày của mình hay chăm sóc con cái.

Con gái cô là Noelle đã phải chuyển tới sống với bố trong khi các nhân viên của tổ chức Bảo vệ Trẻ em từng phải đến nhà để đánh giá điều kiện sống của Zay-den, con trai cô.

Vụ tấn công ngày 11/9/2001 là đợt khủng bố nhằm vào nước Mỹ, gây chấn động toàn cầu. Gần như cùng lúc, một nhóm không tặc đã cướp 4 máy bay Boeing chở khách khi chúng đang hoạt động trên các đường bay nội địa. Hai chiếc phi cơ đã lao thẳng vào Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, New York, thời điểm cách nhau khoảng 18 phút, khiến cả hai tòa tháp sụp đổ.

Một nhóm không tặc khác lái chiếc phi cơ thứ 3 đâm vào tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Mỹ tại Lầu Năm Góc ở Quận Arlington, Virginia, trong khi chiếc thứ 4 rơi xuống một cánh đồng gần Shanksville thuộc Quận Somerset, Pennsylvania, sau khi hành khách trên máy bay chống cự lại nhóm không tặc.

Phan Vân Anh
Theo Daily Mail

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm