Quân đội Iraq tử chiến với khủng bố IS tại Mosul

17/10/2016 14:25 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Mosul sẽ là chiến thắng lớn đối với chính quyền của Thủ tướng Iraq al-Abadi, nhưng cũng có thể gây ra nhiều vấn đề, gồm cả cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

Sau nhiều tháng chuẩn bị, hôm nay (17/10), chiến dịch tái chiếm Mosul chính thức khởi động sau mệnh lệnh của Thủ tướng kiêm Tổng Tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Iraq Haider al-Abadi.

Đây là thành phố lớn thứ hai ở Iraq, bị IS chiếm đóng từ tháng 6/2014. Theo tiết lộ của quan chức quân sự Mỹ với truyền hình CNN, tại Mosul hiện có khoảng 3.500 – 5.000 tay súng IS. Cộng thêm số ủng hộ thì lực lượng cố thủ ở đây vào khoảng 7.000 tên.

Về phía Iraq, hãng AP dẫn lời tướng Haider Fadhil cho biết quân đội nước này có thể huy động hơn 25.000 quân tham gia chiến dịch tiến công giành lại Mosul. Ngoài ra, theo thông báo của Lầu Năm góc, gần đây, Mỹ quyết định triển khai thêm khoảng 600 quân để hỗ trợ đánh chiếm thành phố, nâng tổng số quân Mỹ lên hơn 5.200.


Cuộc chiến giành lại Mosul từ tay IS chính thức bắt đầu. Ảnh: cắt từ clip của CNN

Dẫu liên quân tại Iraq chiếm ưu thế áp đảo trong cuộc chiến giành lại Mosul, nhưng phải thấy rằng Mosul là thành trì lớn cuối cùng của IS ở miền Bắc Iraq, sau khi chúng lần lượt mất các thành phố Tikrit, Ramadi và Fallujah vào tay quân chính phủ, cho nên, các phần tử khủng bố khó có thể từ bỏ dễ dàng.

Mới đây, liên quân đã giành lại những vị trí chủ chốt xung quanh Qayyarah, thị trấn nằm cách Mosul khoảng 60 km về phía Nam, mở màn cho chiến dịch tấn công lớn cuối cùng vào Mosul, nhưng các nhà phân tích nói với hãng tin BBC của Anh rằng cuộc chiến vẫn có thể kéo dài nhiều tuần, không tới một tháng.

Tuy nhiên, theo CNN, một số chỉ huy lực lượng vũ trang Peshmerga của người Kurd ở Iraq lại nhận định để quét sạch những phần tử IS khỏi Mosul, cuộc chiến  có thể kéo dài tới ba tháng.

Tuy nhiên, nếu các chỉ huy IS quyết định rút lui về hoang mạc phía Tây Mosul, một số chuyên gia khác kỳ vọng chiến thắng nhanh chóng sẽ xuất hiện.

Đánh bại IS ở Mosul sẽ là chiến thắng lớn đối với chính quyền của Thủ tướng Iraq al-Abadi khi đang phải vật lộn để giành lấy sự tín nhiệm của người dân cũng như chứng minh sự dũng cảm của quân đội.

Kết thúc sự thống trị của IS ở Mosul cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ Iraq lấy lại được một khu vực giàu có tiềm năng dầu mỏ, nhưng vấn đề là tới nay vẫn chưa có một con số chính xác về số người còn lại ở Mosul.

Khi IS chiếm Mosul, ở thành phố này có hơn hai triệu dân. Hiện nay, ở đây có thể vẫn còn trên dưới một triệu người sinh sống.

Liên hợp quốc cảnh báo chiến dịch tái chiếm Mosul có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo do con người tạo ra lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Số nạn nhân bị ảnh hưởng có thể lên tới 1,2 triệu người.

Vấn đề càng không đơn giản khi Mosul là một thành phố mà người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số, vì thế, chiến dịch đánh chiếm Mosul còn làm dấy lên nỗi lo trở thành một cuộc xung đột giáo phái giữa dòng Sunni và dòng Shiite.

Theo Hoàng Hà - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm